Nga nỗ lực thiết lập “trật tự thế giới mới”
Ngày đăng : 09:18, 17/08/2016
Diễn biến căng thẳng tại miền Đông Ukraine, tình hình khủng hoảng tại Syria, tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu từ sau vụ đảo chính bất thành…, có thể thấy phía sau hàng loạt điểm nóng quốc tế gần đây đều có bóng dáng của Nga.
Có lẽ vì vậy mà những quan điểm của tờ La Stampa của Italy đã nhanh chóng được giới báo chí quốc tế chia sẻ trong hai ngày qua: “Chính sách của Nga đối với Ukraine, hành động của Nga ở Syria và sự hòa giải của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện quyết tâm của Tổng thống Putin nhằm thiết lập xung quanh Nga “một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”.
Tổng thống Putin đang nỗ lực thiết lập xung quanh Nga
“một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”. (ảnh: Sputnik).
Vậy thực tế Nga đang tính toán gì sau sự can dự tại những điểm nóng này, và phương Tây làm thế nào để ngăn cản những bước đi chiến lược này của Nga?
Có thể nói, chính sách của Nga đối với Ukraine, hành động của Nga ở Syria và sự hòa giải của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện quyết tâm của Tổng thống Vladimir Putin thiết lập xung quanh Nga “một trật tự quốc tế mới đầy tham vọng”.
Quyết tâm của Tổng thống Putin
Quyết tâm của Tổng thống Nga Putin cho những mục tiêu đã đặt ra là điều không thể phủ nhận vì đó là một đặc tính nổi trội của dân tộc Nga, nhất là trong những thời khắc khó khăn, cam go. Nhưng quan trọng hơn cả là sự quyết tâm này được nước Nga vận hành phù hợp với quy luật vận động và phát triển của thế giới bằng sự kiên nhẫn, tỉnh táo và quyết đoán.
Trên thực tế, một câu nói mà Tổng thống Nga Putin thường nhắc lại nhiều lần: “sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20” đã phần nào phản ánh mục tiêu hướng tới “một trật tự thế giới mới” đối với nước Nga đã trở thành nhu cầu tất yếu ngay từ những ngày đầu tiên Tổng thống Nga Putin lên cầm quyền. Sự hình thành luận điểm này của Tổng thống Nga Putin đã thể hiện sự hiểu biết của ông về sự cân bằng toàn cầu hiện đang nằm ở đâu và đang hướng đến đâu trong tương lai.
Nước Nga đã và đang bước những bước đi thận trọng, chắc chắn nhưng rất quyết liệt trên cương vị tiên phong thiết lập “một trật tự thế giới mới” trong nhiều năm qua. Nhưng, vấn đề này ngày hôm nay lại thu hút sự quan tâm, lo ngại của Thế giới vì sự chuyển đổi sang một thế giới đa cực có thể sẽ không đến trong hòa bình nếu các chính trị gia của nước Mỹ vẫn không thay đổi cách hành xử đối với Nga.
Trước thực tế này, nguyên ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã kêu gọi vạch “khái niệm chiến lược” mới cho quan hệ Mỹ-Nga bằng tuyên bố: “Đường lối hiện nay sẽ đặt dấu chấm hết cho sự gây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên toàn cầu hóa”.
Các nhà phân tích cho rằng, để thiết lập một trật tự quốc tế mới, giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ, Nga đang tạo ra một hệ thống quan hệ đặc biệt với nhiều nước có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây như Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran và các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.
Bước đi chiến lược khôn ngoan
Bản chất của “một trật tự thế giới mới” theo quan điểm của nước Nga đã được Tổng thống Putin từng tuyên bố trước báo giới hồi tháng 1 năm nay: “Mô hình sắp xếp thế giới đơn cực đã không còn. Các dân tộc và các nước ngày càng lớn tiếng tuyên bố cương quyết tự xác định số phận của mình, gìn giữ sự văn minh và văn hóa của mình. Họ chống lại mưu đồ của một số nước bám lấy sự chi phối trong lĩnh vực quân sự, chính trị, tài chính, kinh tế và hệ tư tưởng”.
Mục tiêu thiết lập “một trật tự quốc tế mới”
mà Nga đang theo đuổi đã hướng đến diễn biến thực tế trên thế giới. (ảnh: StockClip.com).
Mục tiêu thiết lập “một trật tự quốc tế mới” mà Nga đang theo đuổi đã hướng đến diễn biến thực tế trên thế giới và nhất là đối với các quốc gia có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây như Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran và các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á sẽ là những quốc gia tự thiết lập được nhiều giá trị thiết thực cho quốc gia mình.
Trong khi đó, thế giới đơn cực do Mỹ cầm đầu đang vượt xa khỏi phạm vi tư duy hợp lý và lành mạnh khi thường xuyên sử dụng “tiêu chuẩn kép” để phục vụ lợi ích thực thi kế hoạch địa chiến lược của họ và đối tượng bị áp đặt nhiều nhất vẫn là các nước có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây
Cho nên, việc nước Nga đang tạo ra một hệ thống quan hệ đặc biệt với nhiều nước có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây là một bước đi khôn ngoan và cộng với sự quyết liệt, nước Nga đang từng bước vô hiệu hóa những toan tính áp đặt các “chế độ thay thế” và tiến tới xóa bỏ trật tự thế giới đã hình thành sau chiến tranh Lạnh.
Vai trò quan hệ Nga-Trung trong trật tự mới
Ngày 14/8, đài Sputnik của Nga đưa tin: “Trung Quốc đang muốn “liên minh” với Nga nhằm chống lại những chính sách cứng rắn của Mỹ, châu Âu và NATO”. Cũng theo nguồn tin này, khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi thành lập liên minh quân sự với Nga và gần đây, Nga cũng hoan nghênh sự hợp tác song phương về quân sự và kinh tế với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ tập trận chung với Nga vào tháng 9 tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: Reuters).
Với sự phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khả năng mở rộng quan hệ cả về kinh tế, quân sự cũng như ngoại giao giữa Trung Quốc và Nga sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và sự ổn định chính trị toàn cầu trong thế kỷ XXI. Có thể nói, cái bắt tay ngày càng chặt hơn giữa Nga với Trung Quốc sẽ đặt ra những thách thức mới đối với Mỹ và Tây Âu trong nỗ lực duy trì sự thống trị hiện nay.
Nhưng, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và Trung Quốc là một thương hiệu toàn cầu với chính sách ngoại giao đồng thời vận dụng hai mặt của một vấn đề rất tinh xảo và biến hóa bất thường.
Có thể, trên mặt trận phá bỏ trật tự thế giới cũ thì Trung Quốc tìm kiếm được nhiều đồng minh trong đó có nước Nga. Nhưng trên con đường thiết lập “một trật tự thế giới mới” thì không có gì đảm bảo cho sự bền vững của mối quan hệ này.
Trên thực tế, với lợi thế về kinh tế Bắc Kinh không chỉ mở rộng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á và Châu Phi, mà còn ở các khu vực khác như Trung Á, nơi mà lợi ích của nước này đang chồng chéo với các lợi ích của Nga. Cũng như, Trung Quốc đã tham gia ký công ước Quốc tế về Luật Biển nhưng lại không công nhận thẩm quyền và phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines. Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia thì Trung Quốc luôn sử dụng kinh tế để tìm kiếm đối tác còn đồng minh thì quá ít và bạn thì khó xác định.
Trong một tương lai gần, vị trí hiện tại của Trung Quốc trong mối quan hệ với Nga đang là đồng minh. Còn xa hơn nữa, nước Nga cũng phải chuẩn bị cho mình vài ba kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất cho mối quan hệ này.
Khó tìm tiếng nói chung với Mỹ
Mỹ và các nước phương Tây không thể không nhận thấy chính sách đối ngoại nhằm thiết lập trật tự thế giới mới của Nga. Mỹ và phương Tây đang trên con đường tìm kiếm một giải pháp khả thi để hóa giải thực tế này.
Đã có quá nhiều biện pháp nhằm cô lập và hạn chế Nga đã được Mỹ và Tây Âu theo đuổi với một cái giá không hề rẻ, nhưng kết quả thu được lại là một nước Nga ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Còn đối đầu trực diện hoặc chiến tranh lạnh là điều mà cả hai bên chưa thể nghĩ đến trong thời điểm này.
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Mỹ cũng như Tây Âu hiểu rằng Nga đang là một phần không thể thiếu được trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu này. Nhưng hiện nay các bên vẫn chưa tìm được một giải pháp mang tính hợp tác thay cho đối đầu./.
Điệp Anh/VOV-Moscow