Không “trân trọng kính mời”, người tố cáo bất hợp tác
Ngày đăng : 08:56, 24/11/2017
ĐB Cầu nêu quan điểm: “Ban soạn thảo đã quy định người bị tố cáo được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Tôi đồng tình.
Nhưng theo tôi biện pháp bảo vệ ấy vẫn chưa đủ. Thực tiễn, đến kỳ bầu cử, kỳ đại hội, quy trình bổ nhiệm cán bộ, do động cơ “không ăn thì đạp đổ” nên có người viết đơn thư nặc danh tố cáo người khác, “được vạ thì má đã sưng” tôi đề nghị Quốc hội xem xét bảo vệ.
Có nên giải quyết tố cáo của cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu hay không? Theo quan điểm của tôi là nên giải quyết vì thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt qua được cám dỗ tầm thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Báo chí đã có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng, đó là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét”, “chuyến tàu cuối cùng” để phản ánh thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao pháp luật lại không điều chỉnh?
Khoản 6 Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng ghi rõ người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng Quốc hội đã sửa đổi vẫn xác lập nguyên tắc này. Không lẽ giờ Quốc hội để hai luật vênh nhau.
Thực tế gần đây nhân dân cả nước rất phấn khởi, tưởng và đồng thuận cao khi Đảng và Nhà nước xử lý sai phạm của một số quan chức đã nghỉ hưu, không có vùng cấm. Việc xử lý như vậy có tính răn đe, phòng ngừa rất lớn và được xã hội đồng thuận cao. Đó là những căn cứ theo tôi rất thuyết phục.
Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo: trong Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Khiếu nại quy định người giải quyết tố cáo được triệu tập người khiếu nại tố cáo tuy nhiên trong luật này không thấy quy định.
Trong thực tế khi giải quyết tố cáo tôi vẫn gặp trường hợp 3 lần mời nhưng người tố cáo không có mặt. Khi tiếp xúc cử tri người này thắc mắc, phê phán sao tôi không giải quyết tố cáo của chị ta. Tôi trả lời đã gửi cho chị 3 lần giấy mời, một lần liên lạc bằng điện thoại nhưng chị không hợp tác. Chị ấy nói rằng trong giấy mời phải ghi trân trọng kính mời tôi mới lên, không trân trọng kính mời thì tôi không lên.
Đó là một thực tế. Bởi vậy tôi đề ghi rõ trong luật này chúng ta sử dụng thuật ngữ triệu tập hay giấy mời người tố cáo” – ĐB Cầu kiến nghị.
Theo LDO