Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông: Báo chí chính thống vẫn là dòng thông tin chủ lưu
Ngày đăng : 05:41, 17/11/2017
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn lãnh đạo ngành Thông tin truyền thông, với số lượng câu hỏi lớn như vậy thì sẽ có nhiều tình huống, nội dung có thể phải trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trực tiếp Quốc hội với 03 nhóm vấn đề.
Đầu tiên là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Hai là công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình;
Ba là giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)
Các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Mong Văn Tình (Nghệ An); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên);… chất vấn các nội dung như: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; giải pháp xử lý bất cập xã hội hóa truyền hình, truyền hình thương mại “lấn lướt” truyền hình công; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí (thông tin giật gân, câu khách, thông tin chưa chính xác, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, chưa đúng tôn chỉ mục đích,…); giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức);…
Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường
Hàng chục triệu hồ sơ đã được xử lý trực tuyến
Trả lời chất vấn về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định các bộ, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, để giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn.
Cụ thể như, lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến; ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 nghìn hồ sơ trực tuyến; Bộ Tư pháp trên 258 nghìn hồ sơ trực tuyến… Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuấn thừa nhận việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được triển khai đồng bộ, người đứng đầu nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này…
Theo Bộ trưởng Tuấn, hiện Bộ Thông tin đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điên tử, cải cách hành chính thông qua ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin …. “Hiện đã có khung Chính phủ điện tử phiên bản 4.0”, Bộ trưởng Tuấn nói.
Báo chí chính thống vẫn là dòng thông tin chủ lưu
Bộ trưởng Tuấn chia sẻ với các đại biểu “gần đây ta có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn”, tuy nhiên, ông khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, và “những sai phạm của báo chí tuy đáng báo động, nhưng không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí Việt Nam, nó vẫn là dòng chủ lưu”…
Bộ trưởng cho hay, Luật báo chí 2016 nêu quyền tự do báo chí nhưng cũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí. Bộ thường xuyên cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện các công việc cần thiết về quản lý, có thời điểm trong một tháng hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý ở các cấp độ khác nhau theo quy định pháp luật vì thông tin sai.
Về xã hội hoá trong lĩnh vực truyền hình, Bộ trưởng nói cách đây mấy năm sai phạm xảy ra nhiều, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai hàng loạt giải pháp giúp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.
“Việc để xảy ra sai phạm, trách nhiệm trước hết của cơ quan báo chí. Bộ Thông tin thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý. Chúng tôi cũng đã đưa ra cơ chế là các đài phải đảm bảo chương trình tự sản xuất trên 30%, các chương trình liên kết không được vượt quá 50%”, Bộ trưởng Tuấn nói và khẳng định thêm, “không thể nói chương trình xã hội hoá lấn át các chương trình truyền hình truyền thống”.
“Có người tự tử vì bị ném đá, nói xấu… trên mạng xã hội”
Trả lời chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực.
“15 năm trước đây chúng ta không nghĩ rằng mạng xã hội lại phát triển ở Việt Nam như hiện nay, 15 năm tới không biết sẽ phát triển đến mức độ nào”, ông chia sẻ và nhận định rằng, “giới trẻ Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin rất giỏi”. Theo Bộ trưởng Tuấn, không ai có thể đi ngược lại xu hướng phát triển của mạng xã hội và Internet. Tuy nhiên, tác hại do mạng xã hội đem lại không hề nhỏ, đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo…
“Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên dùng hay không? Trong vấn đề này, phải coi mạng xã hội là phương tiện, công cụ cho người dùng, nó như một con đường và chúng ta đi trên con đường đó. Trên đường thì có rất nhiều hạng người, có người tốt, người xấu thậm chí có cả kẻ cướp. Đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào”, Bộ trưởng Tuấn nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet. Và khi sử dụng Facebook, đa số người ta vẫn rất người với nhau, nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ, dù là một hay hai triệu người thì vẫn là nhỏ so với 53 triệu người, với năng lượng đen, xấu đã ảnh hưởng lớn đến môi trường mạng xã hội.
“Việc ném đá, nói xấu nhau trên mạng là thực trạng nhức nhối. Thậm chí có người tự tử vì nội dung bôi xấu loại này. Năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn nói.
Về công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông đã phối hợp với nhiều cơ quan để triển khai các giải pháp “tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm năng lượng xấu”.
Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Goolge… để trao đổi với các công ty này về việc một mặt tuân thủ luật quốc tế, nhưng khi kinh doanh tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật Việt Nam. Vừa qua Bộ Thông tin đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5.000 video xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Báo chí đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, nên phải làm thế nào chính báo chí là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin trên mạng”, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Ngày mai (18/11), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 4 “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Anh Minh
(tổng hợp)