Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Ngày đăng : 10:20, 16/11/2017

(Kiemsat.vn) - Trong phiên họp buổi chiều nay (16 /11), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai là việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngay đầu phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng đã công bố về việc Ngân hàng Nhà nước đã nâng dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD, riêng các tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua 7 tỷ USD, nếu tính từ đầu phiên khai mạc Quốc hội đến nay thì dự trữ đã tăng 1 tỷ USD.

Phần chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng chiều nay ghi nhận 48 đại biểu đăng ký chất vấn.

Làm thế nào huy động vàng, ngoại tệ trong dân?

Đại biểu Nguyễn Sơn, (tỉnh Hà Tĩnh) và đại biểu Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) có ý kiến băn khoăn khi thực tế hiện nay trong dân vẫn còn lượng lớn vàng, ngoại tệ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động vốn trong dân và cam kết tiền gửi người dân…

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, giải pháp huy động vàng trong dân là căn cơ nhất, bền vững, khả thi. Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp… trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Theo ông, việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực.

Theo ông Hưng, trước đây, Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế. Ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VND. Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt.

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Về câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) xung quanh việc thanh toán tiền ảo bằng Bitcoin và tiền điện tử, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà đây là vấn đề mới của nhiều nước. Ông cũng nhắc lại quan điểm của  Ngân hàng Nhà nước về bitcoin rằng “Bitcoin cũng không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Sử dụng đồng bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành”.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ tư pháp để có cơ sở quản lý bitcoin, nhất là trong xu thế như vậy thì cần phải có khuôn khổ phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm của mình sẽ phối hợp với bộ Tư pháp.

Giải pháp nào xử lý nợ xấu?

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) với giải pháp đột phá xử lý nợ xấu thì Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng trước hết cần tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42; hiện nay đã chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, làm cơ sở nhân rộng các tổ chức tín dụng còn lại.

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách khó khăn, theo Thống đốc Hưng, cần huy động nguồn lực xã hội và cụ thể là tìm đến nhà đầu tư nước ngoài. “Muốn mời được họ, phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho tái cơ cấu. Việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo có đầy đủ các quy định trong luật, đúng thẩm quyền của cơ quan chức năng, làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hưng nói.

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An)

Vẫn cho chủ đầu tư BOT vay nếu có năng lực tốt, dự án khả thi

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) tranh luận về con số tăng trưởng tín dụng 10 tháng 13,6%, nhưng tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay có thể tăng lên 21%, nghĩa là 2 tháng còn lại sẽ tăng trên 7%. Ông đặt vấn đề, thời gian ngắn nhưng mức tăng trưởng tín dụng lớn, liệu nền kinh tế có hấp thụ được vốn. Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là gì?

Trả lời các câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây không phải chỉ đạo của Chính phủ. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp, vốn vào đầu tư công chưa đạt dự kiến nên Chính phủ đề nghị Ngân hàng xem xét tăng tín dụng lên mức 21%. “Đây không phải chỉ tiêu bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm, quan điểm là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm chất lượng tăng trưởng. Nên những ngân hàng nào đảm bảo thì sẽ xem xét cho tăng trưởng cao hơn, chứ không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá”, ông Hưng nói.

Thống đốc cũng nhắc lại quan điểm điều hành tín dụng hiện nay là theo hướng linh hoạt, thận trọng, kiểm soát tín dụng rủi ro. “Tín dụng tới cuối năm cũng chỉ tăng trưởng 18%. Chúng tôi nhận thức sâu sắc tín dụng vào lĩnh vực rủi ro sẽ gây áp lực lên lạm phát”, ông Hưng nhìn nhận.

Còn câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về vốn vay BOT dự án giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. “Không phải ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà các ngân hàng phải tăng cường thẩm định phương án tài chính để đảm bảo khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay. “, ông nhấn mạnh.

Sáng mai, 17/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn.

P.v (tổng hợp)