Một mặt hàng đang phải chịu 2 giấy phép

Ngày đăng : 02:45, 16/11/2017

(Kiemsat.vn) - Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH về các vấn đề như giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá.

Liên quan đến các cuộc họp đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, công tác kiểm tra chuyên ngành đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian thông qua hàng hóa làm tăng chi phí gây phiền hà cho doanh nghiệp…Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Bộ trưởng có những giải pháp gì để góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành?

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

Năm 2014 Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao 13 Bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật, theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Kết quả, hiện các Bộ ngành đã sửa 66/87 văn bản pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hoá, đạt 76%. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng

Hiện cũng có khoảng 200 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong đó danh mục hàng hoá với hàng trăm mặt hàng, như danh mục thuốc thú ý với hơn 400 mặt hàng… Năm 2017 Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức áp mã hồ sơ theo danh mục hàng hoá theo chuyên ngành.

“28% thời gian thông quan là trách nhiệm hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các Bộ, ngành“, Bộ trưởng Dũng nêu và cho rằng đây là khâu chốt quan trọng phải tháo, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu hàng hoá thương mại qua biên giới.

Ví dụ; sữa chua, sữa bột phải kiểm định thực phẩm của Bộ Nông nghiệp, nhưng kiểm tra chất lượng của Bộ Công Thương. Nghĩa là một mặt hàng đang chịu 2 giấy phép. Ông lý giải, một phần do không đáp ứng yêu cầu nhưng cũng yếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các Bộ, nên chồng chéo.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính phối hợp với 10 quản lý ngành thành lập 10 đội kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn trọng yếu: Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ngãi, TP HCM… để thông quan nhanh và có kế hoạch nâng cấp trung tâm kiểm định của Tổng cục Hải quan thành các Cục kiểm định kèm theo phòng thí nghiệm. “Hiện các Bộ, ngành vẫn chưa trao lại quyền kiểm tra chuyên ngành cho hải quan. Không tháo được nút này thì rất ách tắc cho xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng Dũng nói.

Nợ công ở mức cao

Qua nội dung báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ Kinh tế xã hội cho thấy, nợ công đã và đang là mối quan tâm của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần hơn 60% GDP, rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới, điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới? Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt thêm câu hỏi với Bộ trưởng Dũng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Dũng thừa nhận đúng như đại biểu nói, áp lực trả nợ lớn.Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%). Thời gian vừa qua đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Hiện Quốc hội đang thảo luận và sẽ thông qua Luật nợ công sửa đổi. Đã trình Thủ tướng.

Một trong các giải pháp là có nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm nên trong điều hành cần kiên quyết nghị quyết này, đặc biệt các chỉ tiêu về bội chi liên quan nợ công.Việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, hiện cũng đang kiên quyết trong giới hạn Quốc hội thông qua.

Giải pháp nào để chống thất thu thuế?

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) cho biết, hiện ngành thuế đã cải tiến cách thu thuế qua hoá đơn điện tử, nhưng xuất hoá đơn của các hộ kinh doanh vẫn phổ biến, thói quen không lấy hoá đơn khi mua hàng của hộ kinh doanh đang khiến ngành thuế thất thu. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) 

Thói quen của chúng ta hiện khó, do người mua hàng ít lấy hóa đơn và quen với trả tiền mặt” Bộ trưởng Dũng cho biết; theo quy định, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Hóa đơn doanh nghiệp cũng tự in hoặc mua của cơ quan thuế. Bộ trưởng thừa nhận đây là khâu khó và thời gian tới cần tập trung tuyên truyền, giải pháp xử lý vấn đề này. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định về hóa đơn điện tử cùng việc kê khai, tự tính, tự nộp. Đã làm thí điểm ở một số tỉnh, doanh nghiệp. Nghị định sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Sau khi được ban hành, Bộ trưởng Dũng cho rằng có thể quản lý sẽ tốt hơn…

Đại biểu Vũ Thị Thuỷ (Hải Dương)

Năm 2017 truy thu, truy  hoàn hơn 3.000 tỷ đồng chuyển giá

Đại biểu Vũ Thị Thuỷ (Hải Dương) gửi tới Bộ trưởng câu hỏi Bộ Tài chính có giải pháp gì khắc phục tình trạng chuyển giá?

Bộ trưởng Dũng thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995 Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư, dựa trên kinh nghiệm của OECD.

Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu truy hoàn 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ. Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu truy hoàn hơn 3.000 tỷ. Thời gian tới sẽ tiếp tục các ngành triển khai đồng bộ. Theo Bộ trưởng Dũng, trang thiết bị máy móc giá rẻ, kê khai giá cao, đưa vào sau này trích khấu hao là một dạng chuyển giá.

Anh Minh

(tổng hợp)

Các bài liên quan>>>

Chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra trong 03 ngày

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: Mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài nhà nước