Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: Mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài nhà nước

Ngày đăng : 08:11, 09/11/2017

(Kiemsat.vn) - Mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước là nội dung được đề cập đến trong Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội chiều nay, 09/11/2017 và giành được nhiều sự quan tâm của ĐBQH.

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng do Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Quốc hội cho thấy điểm mới của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là đã quy định theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến BBQH thành tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự án Luật cũng phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ngoài nhà nước và yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Có ý kiến đề nghị không đưa vào đối tượng ngoài nhà nước nhưng trên thực tế hiện nay tham nhũng có sân sau là các đơn vị tư. Chính những đơn vị tư bắt tay với đơn vị công. Vì thế chúng ta phải đấu tranh với vấn đề này”.

Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay dư luận cử tri và nhân dân đang quan tâm, bức xúc nhiều là tình hình tham nhũng ở khu vực nhà nước; đồng thời, tham nhũng ở khu vực này cũng đang ở mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Vì vậy, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Một số trường hợp được dư luận quan tâm như đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để dành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, trong đó có cả các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì đây vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước (người không phải là cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm). Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước nếu đến mức xử lý hình sự thì sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo Luật PCTN đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu ý kiến: “Cần giải thích rõ từ tham nhũng, tôi cho rằng cần làm rõ ai là người tham nhũng, tham nhũng tài sản nào là tham nhũng hay chỉ người trong nhà nước tham nhũng tài sản nhà nước mà còn người ngoài nhà nước tham nhũng tài sản ngoài nhà nước. Phạm vi điều chỉnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh các đối tượng ngoài nhà nước là cần thiết vì hiện nay đó là phù hợp với một số điều khoản trong dự thảo luật.”.

Theo báo cáo Thẩm tra dự án Luật phòng, chống nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội thì Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên đối tượng áp dụng của Luật vẫn là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước (được quy định tại Điều 2 về đối tượng áp dụng và khoản 6 Điều 4 về giải thích từ ngữ ); khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, do đó, không phù hợp với việc dự thảo Luật thay đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, gây mâu thuẫn giữa các quy định ở phần chung với phần cụ thể. Tờ trình và dự thảo Luật đều quy định “áp dụng Luật PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước” (nếu theo cách quy định này thì phải giữ nguyên đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật và chỉ áp dụng các quy định của Luật này để điều chỉnh các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước).

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại bổ sung những quy định rất cụ thể về PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước như: quy định về thẩm quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (khoản 2 Điều 71); thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN (các điều 103, 108); xử lý vi phạm về PCTN (các điều 125, 126)… Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, với cách quy định cụ thể này, về bản chất là dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước mà không phải là áp dụng Luật PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần sửa đổi quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp với bản chất của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Anh Minh