Miền Trung và Tây Nguyên thiệt hại nặng vì bão Damrey

Ngày đăng : 12:00, 09/11/2017

(Kiemsat.vn) – Cơn bão số 12 đổ bộ vào khu vực miền Trung và Tây nguyên nước ta đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Bên cạnh nguyên nhân cơn bão có biệt danh “Con voi” lớn bất thường thì cũng cần phải nhắc đến tâm lý chủ quan khiến thiệt hại càng thêm nặng nề.

108 người chết và mất tích

Theo Báo cáo nhanh đến hết ngày 07/11/2017 của Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai trung ương thì số người chết là 82 người, tăng 13 người so với báo cáo nhanh ngày 06/11. Khánh Hòa là tỉnh có nhiều người chết nhất với 37 người, các tỉnh như Thừa Thiên Huế: 09 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 05 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 01 người; Lâm Đồng: 03 người; Kon Tum: 01 người; Đắk Lắk: 01 người và 10 người do sự cố tàu vận tải tại khu vực biển Bình Định. 26 người mất tích: giảm so với báo cáo nhanh ngày 06/11 do đã tìm và cứu nạn thành công được 04 người.

Thiệt hại rất lớn về nhà ở của nhân dân, trong đó nhà sập đổ: 1.486 nhà. Nông nghiệp và thủy sản cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Diện tích lúa bị ngập: 9.350 ha, diện tích rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại: 15.203 ha. Đặc biệt, ngành nghề nuôi trồng thủy sản thiệt hại rất lớn. 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa bị bão phá hủy, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Tỉnh Quảng Nam bị vỡ tràn xả lũ hồ Nước Rôn, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My. Hồ Cự Lễ, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn bị sập đuôi tràn do lưu lượng qua tràn quá lớn; hiện phương tiện cơ giới không vào được để khắc phục, địa phương đang tổ chức theo dõi chặt chẽ. Tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở mái thượng lưu đập của 02 hồ Đá Bàn và Tiên Du, địa phương đang tiếp tục triển khai phương án khắc phục để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và sẽ sửa chữa triệt để sau khi mùa mưa lũ kết thúc. Một số hồ phải xả lưu lượng lớn như Sông Tranh 2, Sông Ba Hạ, Sê San 3, Sê San 4 để giữ an toàn khiến hạ lưu vẫn tiếp tục ngập lụt.

Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở 11 điểm tại Thừa Thiên, Huế, đoạn qua Đà nẵng bị sạt lở 5 điểm, chỉ thông được một làn xe. Nhiều tuyến đường quốc lộ như 49B, 24B, 24C … hiện vẫn đang tích cực khắc phục sự cố để thông xe. Đường sắt đoạn qua khu vực Hảo Sơn – Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên dự kiến hết hôm nay (09/11) mới có thể thông tuyến.

Tâm lý chủ quan

Báo cáo trước Chính phủ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết cơn bão số 12 đổ bộ vào Quy Nhơn đã gây thiệt hại nặng cho Bình Định. Đặc biệt cơn bão đã đánh chìm và mắc cạn 10 tàu hàng vào đậu tránh trú bão ở phao số 0 Cảng Quy Nhơn, trong đó, có 2 tàu hàng nước ngoài. Vụ chìm tàu đã cướp đi sinh mạng 10 thuyền viên và 3 người khác vẫn còn mất tích. “Khi chúng tôi phỏng vấn nhanh các thuyền viên thì họ báo rằng là do thông báo bão chỉ từ nam Phú Yên trở vào cho nên tất cả tàu họ vào Quy Nhơn để trú. Họ cứ nghĩ là an toàn rồi. Họ không nghĩ là bão vào thẳng biển Quy Nhơn rất là lớn, gió cấp 10, giật cấp 11-12, nên gây thiệt hại nặng nề” – ông Dũng nói.

Nha Trang tan hoang sau cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua

Khánh Hòa là địa phương ít chịu ảnh hưởng bão lũ, người dân không có nhiều kinh nghiệm đối phó với mưa bão. Trước khi bão số 12 đổ bộ vào bờ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vào Khánh Hòa kiểm tra, nhắc nhở chính quyền và người dân địa phương chủ động phòng tránh bão. Thế nhưng, một số nơi, chính quyền các địa phương có phần thiếu kiên quyết, người dân thì chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó với bão dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc. Ứng phó với thiên tai, người dân các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn còn tâm lý chủ quan. Trước bão, nhiều người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, nguy hiểm tính mạng khi có gió to, bão lớn. Nhiều ngư dân không chằng néo kỹ phương tiện nên thiệt hại về tàu thuyền rất lớn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Tôi khẳng định trong cơn bão số 12, bên khí tượng thủy văn, các anh ấy dự báo rất sát, kể cả về hướng bão, tốc độ, cường độ bão, lượng mưa”. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về thiệt hại và khắc phục cơn bão 12, ông Cường  cho biết bão vào bờ lúc 6 giờ sáng 4-11 đúng như dự báo với sức gió cấp 11-12, giật 13-14. “Phạm vi của gió lớn kéo dài, ra Bình Định, thậm chí ra Quảng Ngãi và kèm mưa rất lớn. Mưa trong bão và mưa theo hoàn lưu bão sau 1 ngày, trên diện rộng, từ bắc Trung bộ trở vào cho đến Bình Thuận và bao phủ cả Tây Nguyên” – ông Cường nói.

Thiệt hại nặng nề về người và tài sản vẫn là trước mắt, công tác khắc phục, cứu trợ, phục hồi sản xuất sau khi cơn bão đi qua mới là câu chuyện lâu dài, chi phí lớn. Đây có thể nói là một bài học rất lớn về công tác phòng, chống bão lụt cho người dân miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Sơn Tùng