“Tham nhũng vặt” len lỏi vào mọi ngõ ngách
Ngày đăng : 09:58, 08/11/2017
Sáng 07/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác chống tham nhũng.Tại phiên thảo luận, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ tin tưởng và đánh giá cao kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, đánh giá cao ở đây là có rất nhiều vụ án tham nhũng vụ án kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử năm 2017 và “Tin tưởng là cuộc chiến chống tham nhũng không có những vùng cấm”.
Đại biểu cho rằng cử tri và nhân dân ấn tượng với những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy”, thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước với phòng, chống tham nhũng và cũng là những cam kết của Đảng, Nhà nước trước cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
“Lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước”
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh “Lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa” phải cháy trước. Ông đặc biệt quan tâm đến nạn “tham nhũng vặt”, đã và đang diễn ra hàng ngày len lỏi vào tất cả các ngõ ngách cuộc sống và xảy ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng khác nhau”.
Đại biểu đưa ra dẫn chứng như: “Ngoài đường thì người vi phạm giao thông được thông cảm bỏ qua mà nộp phạt không lấy hoá đơn; trong trường việc lạm thu, đổi lớp, đổi phong bì; ở bệnh viện thì lo lót tay muốn lo để được điều trị tốt hơn; tại cơ quan nhà nước thì thủ tục không ít nhiêu khê, chuyện hồ sơ thủ tục làm xong trả về, làm lại nhiều lần không được hướng dẫn kỹ lưỡng, muốn nhanh muốn thuận lợi phải có bồi dưỡng, thậm chí đến khai tử cũng phải có phong bì”.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhấn mạnh “Lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước” (Ảnh Internet)
Đại biểu Tạ Văn Hạ cảnh báo ““Tham nhũng vặt” gây nhiều bức xúc, nghiêm trọng hơn là nó làm mất dần niềm tin trong nhân dân” và cho rằng “con tàu sẽ đắm vì nhiều lỗ dò nhỏ”.
Đồng quan điểm với đại biểu Hạ, đại diện của đoàn Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho biết, phạt cho tồn tại đã phổ biến từ lâu, nó tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng nó tích tụ và có sức tàn phá rất lớn đối với pháp luật, “làm nhờn pháp luật và nguy hại hơn, nó chính là nguồn gốc cùng với cơ chế xin – cho”.
“Phạt cho tồn tại là một dạng của “tham nhũng vặt”, một điều hết sức nguy hại. Nếu vụ việc lớn được xử lý bằng pháp luật nếu coi nhỏ, coi nhẹ những việc kia thì sự băng hoại đối với bộ máy kéo theo sự băng hoại đối với niềm tin của người dân đối với nhà nước”, nhà Sử học nhấn mạnh.
Cũng bày tỏ về nạn “tham nhũng vặt”, trong phiên thảo luận ngày 6/11, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng “cả họ làm quan” ở cấp xã, khi có chương trình, dự án đầu tư cho xã thì “trâu, bò, dê, gà đi lạc vào nhà lãnh đạo”, hộ nghèo được hỗ trợ tiền làm nhà thì thành kín cổng cao tường, ra khóa vào mở. Hay dịp lễ tết, thiên tai bão lũ được các nhà hảo tâm cứu trợ, giúp đỡ để bà con có miếng cơm manh áo qua cơn hoạn nạn thì danh sách đầu bảng để nhận những xuất quà ấy lại là vợ con, dòng họ thân thuộc của cán bộ, công chức rồi mới đến người dân.
Cũng trong buổi tranh luận hôm 6/11, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, vừa qua, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống giặc nội xâm này. “Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện đã vạch mặt ra những “con mèo ăn vụng” của dân, của nước. Hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra trung ương xét xử. Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý”. Ông đặt câu hỏi thắc mắc rằng phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Giải pháp nào cho vấn đề “tham nhũng vặt”?
Từ thực tế nêu trên, ông Tạ Văn Hạ kiến nghị, ngoài những giải pháp mà Chính phủ nêu ra thì cần cần tạo môi trường mà ở đó không còn cơ hội tham nhũng bằng cách hoàn thiện pháp luật, công khai minh bạch, xoá bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Tạo môi trường không dám tham nhũng bằng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, tham nhũng, sách nhiễu. Và cuối cùng là tạo môi trường không muốn tham nhũng từ việc tinh gọn bộ máy, có chế độ thoả đáng và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi công chức, viên chức.
Nói về tham nhũng vặt, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) “mong Thủ tướng hãy từng bước xóa bỏ cách làm “phạt cho tồn tại””. Theo ông Quốc nguyên nhân của nạn “tham nhũng vặt” vẫn còn phổ biến là do xử lý không đủ, các hình phạt còn quá thấp, chế tài quá nhẹ, do đó việc xử lý “tham nhũng vặt” phải nhất quyết được thực hiện.
“Chế tài là ai làm, là chúng ta làm. Chúng ta làm trên cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của người dân, không có gì ngăn cản chúng ta có những chế tài mạnh mẽ, nhất là trong những lúc như thế này”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo đại biểu Dung thì nhận diện rõ “tham nhũng vặt” của cán bộ công chức để có biện pháp kiên quyết xử lý là rất cần thiết, chưa nói là đã muộn, bởi vì hệ lụy là khôn lường đó nếu để lâu, kéo dài và đồng thời cảnh báo “nếu quan niệm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt ngấm vào nền còn nguy hại hơn rất nhiều”. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào giữ nổi.
Đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi được.
Đan Thanh