Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

Ngày đăng : 03:24, 07/11/2017

(Kiemsat.vn) - Trong phiên làm việc ngày 6/11, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội trăn trở về việc thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời đưa ra những giải pháp cho vấn đề này.

Tham nhũng chưa giảm

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đánh giá “Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối của quốc gia, là một hình thức tự diễn biến tự chuyển hóa và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại về kinh tế, suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm mai một niềm tin của nhân dân”.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình)

Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Việc làm này được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Thị Giang và nhiều đại biểu khác, tình hình phòng chống tham nhũng chưa thực sự mang tính đột phá, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng nhận diện rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý. Nếu để lâu sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ.

Khi Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH lưu ý phản ánh của dư luận cho thấy tình hình tham nhũng ở khu vực cấp tỉnh còn nghiêm trọng, là nơi có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

Toàn cảnh phiên họp QH ngày 6/11

Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Nhiều ĐBQH quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng và cho rằng Tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để, không đạt được mục tiêu. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vừa qua vô cùng khiêm tốn, quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà tham nhũng gây ra cho ngân sách quốc gia.

Phát biểu tại phiên làm việc chiều 6/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, số tài sản tham nhũng không hề nhỏ, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu. Bà cho biết thêm, đối với tài sản tham nhũng, thì giai đoạn thanh tra tỉ lệ thu hồi sẽ cao hơn; giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử kéo dài nên đối tượng đã kịp tẩu tán tài sản nên khả năng thu hồi không cao.

Cùng tham luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Khó khăn trong nhận diện tham nhũng

Về nguyên nhân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, đa số đối tượng phạm tội tham nhũng có chức vụ, trình độ nên việc phạm tội có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi, tẩu tán hoặc hợp thức hoá tài sản, có trường hợp tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng chưa thực sự quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng.

Ý kiến của Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Nam) cho thấy những nguyên nhân cụ thể hơn như trong công tác thanh tra, kiểm tra khó xác định hành vi chiếm đoạt tài sản, mà chỉ sau khi quyết toán công trình mới chứng minh được nên dễ bị tẩu tán tài sản; quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều bất cập; việc xử lý cán bộ trong các vụ án tham nhũng còn chậm trễ… Luật phòng chống tham nhũng không buộc cán bộ, công chức phải công khai rộng rãi việc kê khai tài sản; chưa có chế tài xử lý kê khai tài sản không trung thực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phòng chống tham nhũng chưa có nhiều chuyển biến, ĐBQH Đào Tú Hoa (Đoàn Hà Nội) cho biết.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí: Tham nhũng là tội phạm ẩn nên khó phát hiện, khi phát hiện được thì công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn gặp nhiều khó khăn, do “tính chất phức tạp” của loại tội phạm này.

Cần mở rộng diện công khai tài sản

Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao cho thấy, năm 2017 vừa qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng 20.8%. VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố 11 vụ/134 bị can và đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 13 vụ/223 bị cáo về các hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng như vụ Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Giang Kim Đạt,… kết quả xét xử được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng hợp lý đối tượng kê khai tài sản, quy định xác minh tài sản một cách chủ động hơn; khi xác định tài sản do tham nhũng mà có thì cương quyết áp dụng biện pháp thu hồi cũng như kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản nhằm phục vụ thi hành án sau này. “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) đưa ra giải pháp là phải mở rộng đối tượng kê khai tài sản với người có quan hệ huyết thống gần và công khai cho dân biết; giảm lưu thông bằng tiền mặt; công khai, minh bạch kết quả kiểm tra để tạo niềm tin trong nhân dân; xây dựng cơ chế pháp luật rõ ràng, rành mạch, chế tài nghiêm minh và bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình các cơ quan chức năng hoạt động độc lập về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác điều tra, truy tố, xét xử các án về tham nhũng và chỉ đạo các giải pháp hữu hiệu về kê khai thu nhập, đăng ký tài sản đối với cán bộ, công chức một cách minh bạch, công khai và nghiêm túc.

Anh Minh