Miền Trung đối mặt ‘hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay’

Ngày đăng : 09:21, 05/11/2017

Dọc các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, tất cả hồ và sông đều đầy, nhiều khu vực lũ đã tiệm cận mức lịch sử năm 1997.

Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 13h ngày 5/11, bão Damrey (bão số 12) đã làm 29 người thiệt mạng và 29 người mất tích (tăng 2 người chết, 7 người mất tích so với báo cáo lúc 7h cùng ngày).

Mưa bão làm trên 200 tàu cá bị chìm, hư hỏng; 10 tàu hàng bị chìm hoặc có sự cố; 600 nhà sập, hơn 4.000 ha lúa và trên 25.000 hoa màu bị hư hại…


Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương phòng chống lụt bão chiều 5/11. Ảnh: Võ Hải.

Nhiều khu vực lũ gần đạt mức lịch sử

Tại cuộc họp chiều 5/11 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến bắc Bình Định và khu vực nam Tây Nguyên đang lên; các sông ở bắc Tây Nguyên dao động ở mức cao do hai ngày qua khắp các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi mưa phổ biến 200-400 mm, có nơi 600-700 mm.

Đến 16h, lũ dọc khắp các sông từ Quảng Trị vào đến Khánh Hòa đều đã vượt báo động 3 từ 0,47 đến 1m, cao nhất tại trạm sông Vệ (Quảng Ngãi) trên báo động 3 là một mét. Dự báo trong 24 giờ tới, các tỉnh Quảng Bình – Quảng Ngãi tiếp tục mưa 200-300 mm, cấp độ nguy hiểm tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được nâng lên cấp 4.


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Võ Hải.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, trước khi bão đổ bộ, dọc tuyến miền Trung đã có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, dự báo mưa to tiếp diễn 2-3 ngày tới khiến mực nước dồn về các hồ chứa lớn hơn tốc độ xả.

“Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tuyến khi cả hồ và sông đều đầy, nhiều khu vực lũ đã tiệm cận mức lịch sử năm 1997”, ông Cường cảnh báo.

Bộ trưởng yêu cầu cơ quan khí tượng liên tục cập nhật các bản tin dự báo, khu vực dự báo hẹp hơn; các cơ quan tham mưu cần xây dựng kịch bản, kể cả khi cực đoạn nhất buộc phải xả mức cao nhất, thậm chí xảy ra rủi ro để huy động tổng lực lượng ứng phó.

80% đường giao thông tại Huế bị ngập

Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, nhiều địa bàn tại Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định đã bị ngập lụt do mưa lớn.

Tại thành phố Huế có hơn 80% đường giao thông bị ngập sâu 0,2-0,4 m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6 m gây ách tắc. Các huyện Phong Điền, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã bị ngập.

Ở Quảng Nam, mưa lớn gây ngập tại các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An. Tại TP Hội An, 8/9 xã, phường bị ngập sâu trung bình 0,5-1 m, sâu nhất 1,5 m.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện 17 xã thuộc 4 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5 m (Bình Sơn 9 xã; Nghĩa Hành 2 xã; Tư Ngãi 4 xã; Sơn Hà 1 xã); thành phố Quảng Ngãi ngập sâu trung bình 0,3-0,4 m. Trong đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.

Tỉnh Bình Định hiện có 11 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố bị ngập sâu 0,3-0,5 m.

Bão gây thiệt hại nặng do tâm lý chủ quan

Đánh giá về thiệt hại do bão Damrey, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, cách đây đúng 20 năm, bão Linda gây hậu quả nặng nề vì thiếu thông tin, chính quyền và người dân chủ quan, di dân không kịp thời. Với bão Damrey, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì “khó lý giải”.

Khánh Hòa có 16 người chết do nhiều năm qua không có bão lớn, địa hình thành phố Nha Trang lại được bọc bởi dãy núi bao quanh vịnh dẫn tới tâm lý chủ quan của một số người dân. “Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm đổ bộ, nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn”, ông Hoài nói.

Theo Tổng cục trưởng Hoài, cơ quan chức năng đã kêu gọi được trên 70.000 tàu cá vào nơi tránh trú an toàn và gần như không có thiệt hại. Nhưng việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) còn nhiều bất cập, dẫn tới 10 tàu bị chìm và gặp sự cố. Hiện cơ quan chức năng đã vớt được 4 người chết, 24 người vẫn mất tích.

Thiệt hại lớn còn do phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là việc di dời dân ở nơi không an toàn. Việc sắp xếp neo đậu tàu không hợp lý làm công tác cứu hộ gặp khó. Khi có sự cố, cần tổ chức cứu nạn thì không di chuyển được do không có đường ra phía biển…

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão Damrey có cường độ tương đương với bão Doksuri đổ bộ vào Bắc Trung Bộ vừa qua, song lại đi thẳng vào Khánh Hòa – khu vực nhiều năm không có bão nên gây thiệt hại rất lớn về người và của.

Sáng 2/11 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trên biển Đông, tên quốc tế là Damrey. Bão tăng cấp rất nhanh khi tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ do kết hợp với không khí lạnh. 6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên – Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ 29 người đã chết, 29 người mất tích.

Võ Hải/Vnexpress