Tinh giản biên chế sẽ hoàn thành đúng lộ trình nếu quyết tâm vì lợi ích chung

Ngày đăng : 10:06, 31/10/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 30/10, Quốc hội có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân – tỉnh Thanh Hoá phát biểu ý kiến tại hội trường

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong giai đoạn 2011- 2016, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy được những kết quả của việc cải cách hành chính, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy trong các giai đoạn trước, kế thừa và có bước phát triển. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước ta: chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, kinh tế, văn hóa-xã hội đều có bước phát triển, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Bên cạnh đó, Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, quản lý biên chế.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa – tỉnh Nam Định đánh giá, trong thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực cố gắng trong việc tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực, biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn. Nhóm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3000 người. Trong khi đó nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh, đến nay đã lên tới hơn 2 triệu người và tăng 5,8% so với năm 2011. Đây là nhóm cần giảm lại tăng rất mạnh so với nhóm kia, điều này tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cũng rất đáng lưu ý, đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kỷ luật quản lý biên chế. Việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW thì cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện đúng quy định không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy.

Cũng cho ý kiến về nội dung tinh giản biên chế, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng – tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc tinh giản biên chế đối với đội ngũ công chức mặc dù còn nhiều lực cản và khó khăn nhưng với quyết tâm thì sẽ thực hiện được theo đúng lộ trình. Tuy nhiên khi tinh giản biên chế ở khu vực sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế cần phải phải tập trung rà soát cho kỹ. Hiện nay, định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, định mức biên chế cho sự nghiệp, các cơ sở y tế Nhà nước phụ thuộc vào quy mô trường lớp và quy mô giường bệnh trong khi biên chế viên chức ở nhiều địa phương trong đó có tỉnh Phú Thọ chiếm tỷ lệ rất lớn, Phú Thọ là 94,2%. Hiện nay, tỉnh thiếu 4.624 biên chế giáo viên, 737 biên chế sự nghiệp y tế so với định mức giao sau khi nghiên cứu rất kỹ. Cho nên việc ấn định tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp từ năm 2015 đến năm 2021 sẽ khó thực hiện cho địa phương. Đại biểu đưa ra dẫn chứng, tại Phú Thọ cứ 4 cháu mầm non dưới 3 tuổi thì có 3 cháu không được đến nhà trẻ, nhóm trẻ hoặc ở tiểu học rất nhiều trường sĩ số đã đội lên con số trên 50 học sinh/lớp, thậm chí trên 55 học sinh/lớp. Điều này là rất bất cập, trong khi đó chúng ta đang thiếu giáo viên. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu tỷ lệ tinh giản đối với đối tượng được tinh giản, các thành phần khác cho phù hợp nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế.

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng – tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội trường

Mặt khác, đại biểu chỉ ra rằng, một trong những bất cập khó khăn của việc tinh giản biên chế đó là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát thực chất nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách, số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người. Nếu theo lộ trình đến năm 2030 chúng ta phải giảm tối thiểu 30% so với hiện nay thì nhiều vấn đề đặt ra trong đó có việc cho ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với việc tuyển chọn bổ sung cán bộ trẻ, có đức, có tài vào cơ quan nhà nước. Còn nếu chỉ giảm mà không tuyển dụng mới thì phải xem xét lại công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục hiện nay xem để tồn tại như thế nào. Nếu cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu sau khi ra trường.

Băn khoăn về thực trạng quản lý biên chế, đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân- tỉnh Thanh Hoá nêu rõ, báo cáo giám sát đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác quản lý biên chế có nêu nhận định “đa số các bộ, ngành, địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện quản lý và sử dụng đúng, thậm chí ít hơn số biên chế được giao” và chứng minh bằng các số liệu rất “biết nói”, nhưng trong đó một số các bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn. Ví dụ, Bộ Tài chính còn dư tới 6.318 trên tổng số 71.714 biên chế bằng 8,8%. Bộ Nội vụ còn dư 492/872 biên chế bằng 56%, Bộ Ngoại giao dư 334/1.179 biên chế bằng 28%. Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự phân vân như vậy việc giao biên chế hoàn toàn không sát hợp với những nhu cầu sử dụng biên chế ở các tổng cục hoặc các vụ, cục trực thuộc bộ. Đáng quan tâm hơn đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà xu thế phổ biến ở các bộ, ngành, vì chỉ có một bộ và một cơ quan ngang bộ sử dụng đúng biên chế. Có đến 13/15 bộ không sử dụng hết biên chế được giao tại các tổng cục trực thuộc và 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc. Nếu đặt vấn đề này bên cạnh hiện tượng một số bộ, ngành dù dư biên chế chưa thực hiện nhưng vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế như Bộ Xây dựng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam v.v… thì theo đại biểu, cần phải suy nghĩ và có giải pháp thiết thực để xử lý triệt để ba vấn đề.

Thứ nhất, vẫn còn tồn tại cơ chế xin cho, mạnh ngành nào thì xin biên chế cho ngành mình, không cần biết thực tế nhu cầu sử dụng đó tạo gánh nặng thế nào đối với ngân sách và quỹ lương.

Thứ hai, hoàn toàn có dư địa để thực hiện mục tiêu tinh giảm 10% biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, vấn đề có quyết tâm làm vì lợi ích chung hay không.

Thứ ba, hơn lúc nào hết cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác xác định giao biên chế theo hướng rất cần có một cơ quan đầu mối đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về quản lý thống nhất và biên chế để khắc phục tình trạng thời gian qua thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan dẫn đến thiếu thống nhất và thiếu tập trung.

Theo Hồ Hương/Quochoi