Không dùng ngân sách trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Ngày đăng : 09:13, 27/10/2017
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ sẽ tiến hành kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị không quy định trong Dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong Luật này để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của pháp luật về thuế.
“UBTVQH xin tiếp thu, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế…” , Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Đại biểu của TP. Hồ Chí Minh, Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến về vấn đề dùng nguồn thực thực hiện phương án cơ cấu các TCTD
Liên quan đến vấn đề dùng nguồn lực nào để thực hiện phương án cơ cấu các TCTD, đại biểu của TP. Hồ Chí Minh, Trương Trọng Nghĩa cho biết, các quốc gia khác đều thừa nhận công khai chuyện lấy tiền thuế của dân để xử lý nhưng phải kèm theo phương án tái cơ cấu để phục hồi ngân hàng yếu kém và sau đó bán lại khi thấy có lời. Ông nói: “Tôi nghĩ, chúng ta giải cứu để đạt được cái gì, chứ không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%, cái đó nếu như ảnh hưởng chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết”.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, tỉnh Gia Lai đề nghị cần có tiêu chí toàn diện, bổ sung các quy định, giải pháp về nguồn lực phù hợp tùy từng thời điểm, giai đoạn với từng TCTD nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh trường hợp người gửi tiền rút tiền gây ra hiệu ứng domino gây đổ vỡ dây chuyền làm phá sản các TCTD gây hậu quả lớn.
Đại biểu Đinh Duy Vượt của tỉnh Gia Lai
Cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản
Một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về phương án phá sản TCTD trên cơ sở đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ khi triển khai trong thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, TCTD là 1 doanh nghiệp đặc thù (tổ chức trung gian tài chính chủ yếu huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng), việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt.
Do đó, dự thảo Luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công và TCTD lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các nghĩa vụ nợ đến hạn).
Cũng theo dự thảo Luật, việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Anh Minh
Xem các tin có liên quan >>>>>
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu được phân công làm Bí thư Sóc Trăng
Dự thảo Luật quy hoạch: Cần phân biệt rõ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn