Phó vụ trưởng của VKSND Tối cao phân tích vụ còng tay chủ trường Thanh Nguyên

27/03/2017 09:20

Vụ còng tay bà Đoàn Thị Dung có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật hay lạm quyền trong khi thi hành công vụ...

Sự việc bảo vệ còng tay bà Đoàn Thị Dung, chủ trường Thanh Nguyên giữa ban ngày đã và đang gây ra bất bình trong dư luận. Phải chăng những người thực thi nhiệm vụ đã cố tình làm nhục, bắt giữ người trái pháp luật hay lạm quyền?

Để trả lời câu hỏi trên PV đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Xuân Tựu, Phó vụ trưởng Vụ VII (Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, VKSND Tối cao).
Phó vụ trưởng của VKSND Tối cao phân tích vụ còng tay chủ trường Thanh Nguyên.
Phó vụ trưởng của VKSND Tối cao phân tích vụ còng tay chủ trường Thanh Nguyên.
PV: Thưa ông những ngày qua trên phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về vụ việc, quản tài viên còng tay bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ trường Thanh Nguyên ngay giữa sân trường, trước mặt giáo viên và hàng trăm các cháu nhỏ. Sự việc không chỉ gây bức xúc đối với cá nhân bà Dung mà còn ảnh hưởng xấu đối với tập thể giáo viên của trường và tâm lý con trẻ. Ở góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về cách giải quyết của những người thực thi pháp luật?
Ông Đỗ Xuân Tựu: Tôi đã đọc những bài viết về vụ bảo vệ còng tay bà Đoàn Thị Dung ngay giữa sân trường, trong giờ học. Có thể nói đây là hành vi thiếu chuyên nghiệp, không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Vượt quá thẩm quyền và quy định của luật cho phép. Để xảy ra sự việc nêu trên, cá nhân tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, bà Đoàn Thị Dung không phải là một tội phạm nguy hiểm, hơn nữa đây là sự việc liên quan tới dân sự.
Mặt khác, còng tay chỉ trong trường hợp người phạm tội quả tang, người đang có hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải cưỡng chế, ngăn chặn kịp thời. Thế nhưng, trong trường hợp này những người thực thi nhiệm vụ (Cụ thể là bảo vệ, cán bộ Quản tài viên) không chỉ vượt quá thẩm quyền mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Để quy kết trách nhiệm tới từng cá nhân trong vụ việc trên, cần xem xét kỹ động cơ, mục đích của người bảo vệ. Ai ra lệnh cho anh ta còng tay bà Dung hay tự ý, tự phát của cá nhân người bảo vệ? Về tình tiết này cơ quan chức năng cần làm rõ. Vì đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia pháp lý phân tích và đưa ra ý kiến về sự việc nêu trên. Đây là hành vi làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Với tư cách là Phó vụ trưởng, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, ông có bình luận gì vệ ý kiến này?
Ông Đỗ Xuân Tựu: Đối với luật pháp luôn luôn cần sự tỉ mỉ, chính xác và thận trọng. Hiện tại, chưa có kết luận của Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc: có hay không hành vi dùng súng uy hiếp đối với cá nhân bà Dung. Do đó, tôi chưa đưa ra những kết luận mà chỉ đưa ra bình luận ở góc độ có dấu hiệu.
Với tất cả những thông tin báo chí nêu trong những ngày qua, liên quan tới bà Đoàn Thị Dung, trước tiên cần phải xem xét tới trách nhiệm của cơ quan Thi Hành án TP Phan Thiết, về thủ tục giải quyết có đúng với trình tự của luật quy định hay không?
Mặt khác, trách nhiệm của quản tài viên trong sự việc này là niêm phong tài sản, không có quyền bắt giữ người… Đồng thời làm rõ, ai đã ra lệnh cho bảo vệ còng tay bà Dung…
Từ những phân tích nêu trên, sự việc còng tay bà Đào Thị Dung có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Nếu những dấu hiệu này có đủ căn cứ thuyết phục, khách quan thì phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự tới từng cá nhân cụ thể.
Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Lương Liễu/PL+
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang