Nói đến tăng cường pháp chế, trước hết phải nói đến xây dựng pháp luật

27/05/2020 09:17

(kiemsat.vn)
Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905 - 28/5/2020) - Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tạp chí điện tử Kiểm sát sưu tầm, giới thiệu một bài viết của đồng chí Hoàng Quốc Việt về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bài viết được trích trong cuốn Nội san Công tác Kiểm sát 3/1974.

“… Hồ Chủ Tịch thường dạy chúng ta: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo nghĩa là tất cả cán bộ từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào, ở ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Do vậy một vấn đề có tính chất nguyên tắc trong đường lối pháp chế của Đảng ta là pháp luật không chỉ đề ra nghĩa vụ cho nhân dân thực hiện mà điều quan trọng hơn và trước hết là đề ra nghĩa vụ cho các cơ quan Nhà nước và cho cán bộ phải gương mẫu chấp hành. Về vấn đề này, cho đến nay, vẫn còn có đồng chí chưa được rõ lắm, cho nên trong khi đề ra các qui định thường chỉ chú ý tới việc ràng buộc người dân, và phạt họ khi họ có lỗi.

Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật xã hội thì trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên cần nghiêm chỉnh tuân theo chính sách và pháp luật. Cơ quan Nhà nước và cán bộ đảng viên làm đúng thì dân tin và làm theo. Trên mà công minh chính trực và gương mẫu thì dưới cũng không dám làm trái, làm bừa. Trái lại khi trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước có những vi phạm chính sách và pháp luật thì khó có thể giáo dục được nhân dân ý thức nghiêm chỉnh tuân theo chính sách, pháp luật. Chính vì vậy mà điều lệ Đảng đã nêu rõ rằng nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước là một trong mười (10) nhiệm vụ của người đảng viên. Và nghị quyết 195 của Bộ Chính trị cũng nêu thành một trong bảy (7) yêu cầu của cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên. Về điểm này đồng chí Lê Duẩn đã nói.

Những biện pháp cấp bách nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phục vụ quản lý kinh tế.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày một số quan điểm về đường lối tăng cường pháp chế. Vậy muốn tăng cường pháp chế để phục vụ nhiệm vụ quản lý kinh tế phải có những biện pháp gì?

a. Nói đến tăng cường pháp chế, trước hết phải nói đến xây dựng pháp luật.

Cho đến nay, Đảng ta đã ban hành một số chính sách nhằm cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Nhưng có những chính sách đã vạch ra từ lâu mà vẫn chưa được cơ quan Nhà nước luật pháp hoá, do vậy mà uy lực của chính quyền chưa được phát huy đầy đủ để thực hiện các chính sách ấy như chính sách đối với hợp tác xã cá, hợp tác xã mua bán…; trách nhiệm đối với những cơ quan hoặc cán bộ, nhân viên vi phạm các chính sách cũng chưa được qui định rõ ràng. Trong điều kiện đó, tất nhiên hiệu lực của các chính sách ấy không khỏi bị hạn chế. Vì vậy một nhiệm vụ cấp thiết cần được đặt ra là Nhà nước cần luật pháp hoá các chính sách của Đảng đã ban hành để phục vụ kịp thời cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

b. Khi nói đẩy mạnh việc xây dựng luật pháp, chế độ, thể lệ để phục vụ cho việc tăng cường quản lý Nhà nước, không phải có ý nói là cứ ban hành pháp luật là mọi người tức khắc tuân theo, và pháp chế đã được tăng cường. Để cho pháp luật, chế độ, thể lệ được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, điều cơ bản là phải đưa luật pháp vào trong sinh hoạt, công tác và nghề nghiệp của mỗi người, phổ biến và giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và tự giác tuân theo. Hiện nay, công tác phổ biến và giáo dục luật pháp chưa được chú ý đúng mức và việc tổ chức thực hiện cũng chưa có cơ quan nào quản lý. Trong khi đó, học tập và hiểu biết luật lệ, nhất là luật lệ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mỗi người, đang là một đòi hỏi thiết tha của quần chúng. Hiểu biết pháp luật, quần chúng vừa tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình, vừa dựa vào đấy để giám sát cơ quan Nhà nước và cán bộ tuân theo. Giáo dục luật pháp là một bộ phận không thể thiếu được của toàn bộ công tác bồi dưỡng ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa đối với lao động và tài sản công cộng, đồng thời cũng là một bộ phận không thể thiếu được của công tác giáo dục nghề nghiệp chuyên môn. Vì vậy trong khi trung ương thực hiện chủ trương bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ các ngành ở Trung ương, tỉnh, huyện, và tổ chức huấn luyện cho cán bộ xã, chúng tôi đề nghị cần có một số bài mục về kiến thức pháp luật...”

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang