Nhiều quan điểm về sửa đổi “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật”

25/05/2017 01:03

(kiemsat.vn)
– Tại phiên toàn thể tại hội trường, ngày 24/5/2017, Quốc hội đã có nhiều ý kiến thảo luận trái chiều về việc sửa đổi, hay giữ nguyên Điều 377 BLHS năm 2015.

Sửa đổi là phù hợp với thực tiễn

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Quảng Nam (Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng) hoàn toàn nhất trí với việc Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý Điều 377 Bộ Luật hình sự theo hướng quy định một số điều kiện để áp dụng trong Điểm b và Điểm d nhằm giảm bớt việc xử lý hình sự trong phạm vi quá rộng với những người thi hành tố tụng. “Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành và tiến trình cải cách tư pháp thì trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng ngày càng cao, thời gian giam giữ và các thời hạn tố tụng theo xu hướng ngày càng giảm. Do đó, áp lực công việc đối với những người thi hành tố tụng là rất lớn”, ông Dũng chia sẻ.

    

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng (Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng)

Đối với những người đang hoạt động tố tụng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là công việc không có sự hỗ trợ về các phương tiện khác. Do đó, việc dễ dẫn đến ý thức chủ quan hoặc chậm trễ trong xử lý do những nguyên nhân khách quan là việc dễ xảy ra. Thực tiễn hoạt động cho thấy trong Điểm b và Điểm d quy định trong hai trường hợp này là cần thiết vì Điểm b, để xác định một người ra lệnh, ra quyết định bắt giam giữ người không có căn cứ là việc không phải ngay từ đầu chúng ta có thể làm ngay được, nhận thức rõ ngay được vì một trường hợp quy định, quy buộc có tội hay không nhiều khi phải truy tố, xét xử 2 đến 3 lần mới xác định được sự thật.

Trong khi đó, quy định của Bộ luật tố tụng thì trong những trường hợp này chỉ cần xác định có dấu hiệu của tội phạm thì có thể áp dụng. Do đó, có những trường hợp để đảm bảo tính kịp thời thì cơ quan tố tụng phải áp dụng ngay những biện pháp này, từ đó tồn tại tính rủi ro cao. “Nếu chỉ cần ra lệnh mà chưa xảy ra hậu quả đã phải chịu trách nhiệm hình sự thì như thế quá nặng nề và tạo ra một tâm lý đối với lực lượng những người thi hành tố tụng, ảnh hưởng đến tâm lý sẽ chùn tay, không dám làm, như thế không đáp ứng được yêu cầu trong việc phải đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay”, ông Dũng khẳng định.

Điểm đ, trường hợp giam giữ quá hạn, những trường hợp này là do tính thận trọng khách quan nhiều khi cần phải có thời gian để thận trọng, để tránh oan sai, có thể do áp lực công việc dẫn đến. Trường hợp nếu chỉ cần ra lệnh trễ 1 giờ hoặc ra lệnh đến trễ 1 giờ mà trong khi có những điều kiện như do tắc đường, kẹt xe thì những trường hợp như vậy cũng quy định là phải chịu trách nhiệm hình sự thì phía cơ quan tố tụng cho rằng tác động rất xấu đến tâm lý của những người tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, thẩm phán.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị giữ như dự thảo mà Ủy ban thường vụ Quốc hội trình là hợp lý và hợp tình, phù hợp với thực tiễn, nó có tác động tích cực đến những người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng.

Sửa đổi như dự thảo là giảm nhẹ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự

Trái với quan điểm của đại biểu Nguyễn Quang Dũng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc sửa đổi như vậy theo báo cáo giải trình là chưa hợp lý. Theo đại biểu Phương: “sửa đổi như dự thảo là giảm nhẹ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nêu trên khi so sánh với các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự 1999. Bộ luật hình sự năm 1999 liên quan đến hành vi có hai tội, Điều 296 về tội ra quyết định trái pháp luật”. Đại biểu Phương cũng cho rằng việc sửa đổi  điểm b, đ như trong dự thảo sẽ không đảm bảo tính bình đẳng phù hợp với các hành vi có tính chất nguy hiểm tương tự trong quy định a, b, c của Bộ luật.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tham gia tranh luận

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng cho rằng dự thảo luật sửa đổi giảm trách nhiệm hình sự của người lợi dụng chức vụ quyền hạn quy định tại Điều 377 trong việc bắt giữ, giam người trái pháp luật chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chưa thể chế đúng chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và tố tụng của mình đã được đề ra trong Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49.


Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng sửa đổi như vậy là giảm trách nhiệm hình sự

 “Sửa đổi như vậy cũng không công bằng ngay trong điều luật với những người có chức vụ, quyền hạn thấp hơn và cao hơn. Ví dụ, tại Điểm c, Khoản 1 người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc bắt giữ, giam người không có lệnh quyết định thì không cần hậu quả đã bị truy cứu trách nhiệm hình, nhưng tại Điểm b, Khoản 1 thì người ra lệnh không ra lệnh quyết định bắt giam giữ thì cần phải có hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời quy định như vậy cũng không công bằng thống nhất khi so sánh với tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật tại Điều 157 Bộ luật hình sự”. Từ những lập luận trên, ông Giang đề nghị giữ quy định này của Bộ luật hình sự năm 2015.

Sơn Tùng

Cụ ông 77 tuổi dâm ô 2 bé gái bị tuyên phạt 3 năm tù

Khoảng 20h30 tối 17.11, TAND TP Vũng Tàu đã tuyên phạt ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, ngụ TP. Vũng Tàu) 3 năm tù về tội dâm ô trẻ em.

Chánh án TAND tối cao trả lời thẳng thắn, rõ ràng các ý kiến chất vấn

(Kiemsat.vn) – Sáng 18/11, Chánh án TANDTC đăng đàn trả lời chất vấn từ 8h đến 11h30. Trong buổi sáng đã có 30 ý kiến chất vấn, 10 ý kiến được tranh luận của ĐBQH tại hội trường với ông Nguyễn Hòa Bình, còn 11 ý kiến sẽ gửi cho Chánh án TAND tối cao để trả lời bằng văn bản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang