Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng

22/11/2019 14:26

(kiemsat.vn)
Sáng ngày 22/11, VKSND cấp cao tại Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị nhận diện vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía bắc.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đến tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; một số đơn vị thuộc Bộ Công an; TAND cấp cao tại Hà Nội; các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao, VKSND thành phố Hồ Chí Minh, VKSND thành phố Đà Nẵng, VKSND cấp tỉnh, huyện khu vực phía Bắc và lãnh đạo 35 Ngân hàng thương mại.

Đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu 

Hội nghị đã nghe báo cáo “Nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thông qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân khu vực phía bắc”. Theo báo cáo của Viện kiểm sát 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc và của VKSND cấp cao tại Hà Nội, từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2018, liên quan đến hoạt động tín dụng, Viện kiểm sát hai cấp trong khu vực đã thụ lý tổng số 721 vụ án sơ thẩm, đã giải quyết 626 vụ; tổng số thụ lý 203 vụ án phúc thẩm, đã giải quyết 172 vụ, đang giải quyết 31 vụ; tổng số thụ ý 107 vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm, đã giải quyết 96 vụ và đang giải quyết 11 vụ.

Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội Lê Tư Quỳnh trình bày báo cáo 

Qua số liệu giải quyết án của Viện kiểm sát 28 tỉnh khu vực phía bắc và nghiên cứu hồ sơ 310 vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh do VKSND cấp cao tại Hà Nội thụ lý, giải quyết cho thấy: Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã cơ bản làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức tín dụng hoạt động có uy tín, hiệu quả thì cũng có một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý dẫn đến các đối tượng trong và ngoài tổ chức tín dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức. Các hành vi vi phạm đó là nguyên nhân làm phát sinh tội phạm, vi phạm, tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Tiếp đó, Hội nghị đã được nghe tham luận của các đại biểu đến từ VKSND TP Hà Nội; VKSND tỉnh Thái Bình, VKSND tỉnh Nghệ An; đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội… về nhận diện các vi phạm điển hình, phổ biến của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vốn và hoạt động cho vay thông qua kết quả giải quyết các vụ án cụ thể; chỉ ra những tồn đọng, hạn chế, đề xuất kiến nghị, giải pháp phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

Ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng, các Ngân hàng thương mại cho thấy các Ngân hàng đều coi việc nhận diện các vi phạm có ý nghĩa thiết thực để phòng tránh rủi ro cho chính Ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý đến hoạt động đặc thù của Ngành ngân hàng trong quá trình xử lý các vụ án để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng phòng ngừa vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu chỉ đạo 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Những vấn đề vi phạm xuất phát từ một bộ phận cán bộ suy thoái đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy lãnh đạo các tổ chức tín dụng cần đảm bảo hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động quản lý vốn, sử dụng vốn, hoạt động cho vay, trong đó cần lưu ý thực hiện tốt cơ chế phân cấp, phân quyền, công tác quản lý cán bộ, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong đơn vị.

Đề nghị Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chủ động tham mưu với Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có nhiều giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế là nguyên nhân làm phát sinh vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này; coi đây là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng.

 

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị

Hội nghị cũng được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Viện trưởng VKSND Nguyễn Huy Tiến. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao việc tổ chức cũng như nội dung tài liệu được chuẩn bị tại hội nghị. Yêu cầu lãnh đạo VKSND cấp tỉnh trong khu vực phía bắc thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật các vụ án có liên quan đến tín dụng, ngân hàng; hạn chế việc hủy, sửa án có lỗi của Viện kiểm sát, đồng thời tích cực chủ động tổng kết thực tiễn, kịp thời kiến nghị phòng ngừa hạn chế vi phạm, tội phạm góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang