Nhận diện những thủ đoạn phạm pháp, trục lợi của chấp hành viên thi hành án dân sự

27/09/2016 12:14

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp của một số cán bộ, chấp hành viên (CHV) thuộc các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) huyện, tỉnh, thành phố trong khi tổ chức thi hành các bản án dân sự đã có […]

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp của một số cán bộ, chấp hành viên (CHV) thuộc các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) huyện, tỉnh, thành phố trong khi tổ chức thi hành các bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Xin viện dẫn một số vụ điển hình mà CHV bị khởi tố hình sự.

Trưa 19-9, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Phương Lan (43 tuổi, tại số 8, ngõ 22, đường Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng; nơi đăng ký HKTT tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa), nguyên kế toán trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình, nguyên cán bộ Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao thực hiện lệnh bắt, khám xét, Lan đã chấp hành và giao nộp các tài liệu liên quan đến hành vi tham ô của mình.

Đối tượng Hoàng Thị Phương Lan.

Theo tài liệu tố tụng ban đầu, trong thời gian làm kế toán trưởng tại Chi cục THADS quận Ba Đình, Lan đã lập chứng từ khống, nhận tiền không nộp vào tài khoản tạm giữ của đơn vị tại kho bạc nhà nước, rút tiền tại ngân hàng không nhập quỹ chiếm đoạt tiền thi hành án để sử dụng mục đích cá nhân với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng.

Ngày 10-9, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự, Viện KSND Tối cao qua kiểm tra công tác thi hành án dân sự đã phát hiện CHV Nguyễn Văn Hòa, Cục THADS tỉnh Tây Ninh vi phạm pháp luật. Được biết, ngày 27-11-2013, CHV Hòa được phân công thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.

Qua đó, CHV này đã trực tiếp nhận hơn 2,243 tỷ đồng của người phải thi hành án nhưng đã không nộp vào quỹ mà tự đem đi gửi tiết kiệm tại một ngân hàng đứng tên mình để lấy lãi… Vụ việc này đang được cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vào cuộc.

Ngày 23-5, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, tạm giam Đặng Văn Ngân (54 tuổi, nguyên Phó Chi cục thi hành án dân sự huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan chức năng, trong quá trình tổ chức thi hành bản án và quyết định có liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của bà Nguyễn Thị Nhung (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đối với 7 cá nhân, ông Ngân đã không làm đúng trách nhiệm được giao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo các bản án và quyết định của TAND TP Buôn Ma Thuột và TAND tỉnh Đắk Lắk, bà Nhung phải có nghĩa vụ trả nợ cho 7 cá nhân số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ông Ngân không thi hành các bản án trên, không kê biên tài sản nên bà Nhung đã tẩu tán nhà, đất trị giá hơn 4,5 tỷ đồng.

Tiếp đó ngày 25-6, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Tăng Phúc Duy (36 tuổi), nguyên thủ kho Chi cục THADS quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ về tội “tham ô tài sản”.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao xác định, Duy trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ đã có hành vi lấy tiền tang vật vụ án là 40 triệu đồng và một số tang vật khác như xe máy nhưng không nhập quỹ, nhập kho theo quy định mà chiếm giữ, sử dụng cá nhân. Cũng trong tháng 6-2016, cơ quan điều tra – Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Đen và Nguyễn Thành Công, nguyên là Chi cục trưởng và Kế toán trưởng Chi cục THADS thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang về hành vi “tham ô tài sản”.

Năm 2010, Đen bàn bạc với Công lập khống hợp đồng cùng các chứng từ thuê nhà kho để vật chứng cho Chi cục THADS thị xã Vị Thanh. Sau đó, Công soạn thảo hợp đồng thuê nhà giữa bên cho thuê là bà Nguyễn Thị Gấm cùng chồng là ông Nguyễn Văn Nha, trú tại thị xã Vị Thanh; còn bên thuê nhà là Chi cục THADS thị xã Vị Thanh, do Đen là người đại diện với giá 6 triệu đồng/tháng, thời hạn 12 tháng, tổng cộng 72 triệu đồng/năm.

Sau khi ký hợp đồng, Cục THADS tỉnh Hậu Giang đã cấp kinh phí bổ sung 72 triệu đồng, Đen và Công đã ký giấy rút tiền và chuyển qua tài khoản cho bà Gấm 72 triệu đồng. Sau đó, bà Gấm đã chuyển lại cho Công 60 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định, trước khi chuyển công tác về Chi cục THADS thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (năm 2011), Công còn lập một số danh sách chi tiền trợ cấp hơn 52 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ chi hơn 26 triệu đồng.

Gần đây, vào cuối tháng 8-2016, cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã bắt tạm giam ông Võ Nhật Tân, 49 tuổi, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Thành, hiện đã chuyển công tác và đang là nhân viên Cục THADS tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Văn Thức, 50 tuổi, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Long Thành… Theo điều tra ban đầu, từ năm 2007 đến năm 2013, ông Võ Nhật Tân và Nguyễn Văn Thức với vai trò lãnh đạo tại Chi cục THADS huyện Long Thành đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt nhiều tỷ đồng tiền thi hành án.

Phương thức chiếm đoạt tiền thi hành án của các nghi can nêu trên là khi người dân phải thi hành án nộp tiền cho Chi cục THADS huyện Long Thành, Tân và Thức đã chỉ đạo kế toán trưởng chuyển vào một số tài khoản mà không giao tiền cho những người được thi hành án để phục vụ mục đích cá nhân. Khi đương sự yêu cầu số tiền thi hành án, những người này không có khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Chi cục THADS huyện Long Thành gần 3,7 tỷ đồng.

Trong giai đoạn năm 2014 và năm 2015, thống kê của các cơ quan chức năng cho biết mỗi năm có khoảng 80 cán bộ CHV thuộc các đơn vị THADS trên cả nước vi phạm pháp luật bị khởi tố hình sự, đây là một con số không bình thường.

Tại nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tư pháp, các cơ quan chức năng đã kiến nghị Bộ Tư pháp tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa thuyên giảm.

Đào Minh Khoa/cand.com.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang