Nguyễn Văn H phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

12/11/2016 10:24

(kiemsat.vn)
Qua nghiên cứu nội dung vụ án nêu trong bài viết: Nguyễn Văn H có phạm tội “Tham ô tài sản” của tác giả Nguyễn Long đăng trên Kiemsat.vn ngày 12/10/2016, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

Hành vi khách quan của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện tội phạm, có hành vi vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Để chiếm đoạt tài sản của người khác người phạm tội có thể thực hiện tội phạm bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như lạm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần hoặc lừa dối hoặc lạm dụng tín nhiệm. Trong vụ án này, mặc dù là Chi Cục trưởng Chi Cục thuế huyện A nhưng H không được giao nhiệm vụ làm các thủ tục thanh toán tiền cho C; tuy nhiên, vì C tin H nên đã viết giấy biên nhận và ký trước vào phiếu chi rồi giao cho H, đây là hợp đồng miệng C ủy quyền cho H là người thay C nhận tiền từ thủ quỹ D, đây là quan hệ cá nhân C và H hoàn toàn không có yếu tố thi hành công vụ của H trong việc nhận tiền từ thủ quỹ D, chỉ vì C tin H mà giao cho H các giấy tờ có giá trị nhận tiền đó. H đã lợi dụng lòng tin của C để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng nói trên. Hành vi đó của H không cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Hành vi của H cũng không có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản”. Bởi vì: Hành vi khách quan của tội tham ô tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. H không phải là người trực tiếp quản lý số tiền 120 triệu đồng mà do thủ quỹ D trực tiếp quản lý. Lý do D giao số tiền 120 triệu đồng cho H cũng là vì tin H là Chi Cục trưởng; mặt khác, H có xuất trình cho D các phiếu chi và giấy biên nhận tiền của C nên D mới giao tiền cho H, khi D giao tiền cho H đã bỏ qua một thủ tục quản lý tài chính kế toán nhà nước là phải có giấy ủy quyền của C cho H thay mặt C nhận tiền từ thủ quỹ D thì mới đủ thủ tục, nhưng D đã bỏ qua thủ tục đó mà giao số tiền 120 triệu đồng của C cho H cũng là xuất phát từ tin H là Chi cục trưởng. Khoản tiền 120 triệu đồng được thủ quỹ chi ra có đầy đủ chứng từ và chữ ký của người nhận nên không phải là chứng từ khống. Việc C không nhận được tiền là do tin H và ủy quyền cho H nhận thay nên đã bị H chiếm đoạt. Do đó, H không phạm tội “Tham ô tài sản”.

Từ những phân tích trên, theo ý kiến của tôi cho rằng, hành vi của H phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS. Bởi lẽ: Dấu hiệu bắt buộc của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Như vậy, thủ đoạn gian dối trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bao gồm 2 dấu hiệu: Thứ nhất, người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn) …; thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Trong vụ án này, H đã có hành vi gian dối khi nói rằng đã có tiền và gọi C lên văn phòng của mình bảo C viết giấy biên nhận và ký vào các phiếu chi với số tiền 120 triệu đồng thì sẽ nhận được số tiền trên. Ở đây, yếu tố chức vụ, quyền hạn của H trong vụ án này chỉ làm tăng lòng tin ở C để từ đó C đã ký các giấy tờ trên cho H dù chưa trực tiếp nhận tiền. Sau khi có các giấy tờ này, D là thủ quỹ và E là kế toán của Chi cục thuế đã giao tiền cho H. Sau khi nhận được số tiền 120 triệu đồng thông qua các giấy tờ mà C đã ký, ông H đã giữ lại để chi tiêu cá nhân mà không trả lại cho C. Như vậy, Nguyễn Văn H đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009./.

Hồng Phong

Giả Công an, dọa chủ thuê bao điện thoại chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố 13 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Làm sao để chống lại cú lừa mạo danh cơ quan thực thi pháp luật?

Từ nhiều năm trước các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đưa tin về những vụ mạo danh cơ quan công quyền, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của giới tội phạm công nghệ cao.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang