Nguyên giám đốc PGD Ngân hàng lĩnh án 12 năm tù vì tội lừa đảo

08/11/2019 15:21

(kiemsat.vn)
TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Văn Quân (36 tuổi, nguyên giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng) 12 năm tù vì dùng chứng từ khống lừa đảo hàng chục tỉ đồng của Mobifone

TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Văn Quân (36 tuổi, nguyên giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng) 12 năm tù, Trần Văn Phước (41 tuổi, nguyên chuyên viên Ngân hàng) 8 năm tù, Trương Phú Cường (35 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần TM DV viễn thông Thìn Phát, Công ty cổ phần Eapay) 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

HĐXX kết luận 3 bị cáo cùng phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, TAND TP. HCM buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho Mobifone 39,8 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Văn Quân (36 tuổi, nguyên giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng)

Theo cáo trạng, tháng 1-2013, Ngân hàng gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo Quân, Phước phát hành các chứng thư khống cho Công ty Thìn Phát và Công ty Eapay để chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng của Công ty dịch vụ Mobifone Khu vực II - Mobifone KV2. 

Cơ quan điều tra xác định, Công ty Thìn Phát và Công ty Eapay là đại lý bán hàng của Mobifone KV2, được mua thẻ cào trả chậm, thời hạn thanh toán không quá 18 ngày/đơn hàng. 

Quân với vai trò giám đốc phòng giao dịch được phép ký phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 2 tỉ đồng, với điều kiện có tài sản đảm bảo. 

Từ tháng 11-2011 đến 2-2012, Phòng giao dịch An Lạc đã phát hành 13 chứng thư bảo lãnh để Công ty Thìn Phát mua thẻ cào trả chậm của Mobifone KV2, với tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm và bất động sản. Các chứng thư bảo lãnh này đã được tất toán. 

Cuối tháng 2-2012, do làm ăn thua lỗ nên 3 bị cáo bàn bạc, thống nhất cách kiếm tiền phi pháp. Cụ thể, Quân và Phước sẽ làm chứng thư bảo lãnh khống (không có tài sản bảo đảm, không hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán và phần mềm ngân hàng). Sau đó, Cường dùng chứng thư khống mua thẻ cào trả chậm của Mobifone KV2 rồi dùng số tiền bán được cho người khác vay, thu lãi cao. Ba bị cáo chia nhau số tiền kiếm được.

Hết thời hạn bảo lãnh, Mobifone KV2 đề nghị Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán. Muốn giữ mối quan hệ kinh doanh, tháng 10-2013, Ngân hàng tạm chuyển 39,8 tỉ đồng cho Mobifone.

Tại tòa, Quân và Phước thừa nhận thực hiện và ký 26 chứng thư bảo lãnh thanh toán khống trị giá hơn 57 tỉ đồng. Trước khi bị bắt, các bị cáo có hoàn trả hơn 17,3 tỉ đồng. Như vậy, số tiền ba bị cáo chiếm đoạt còn 39,8 tỉ đồng.

Đại diện Ngân hàng cho rằng các bị cáo lấy danh nghĩa ngân hàng lập khống chứng từ rồi dùng làm công cụ lừa đảo. Vì vậy, giấy tờ trên không có giá trị pháp lý. Các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Mobifone chứ không phải ngân hàng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang