Một số yêu cầu đối với Kiểm sát viên khi thực hiện những quy định mới về thủ tục giám đốc thẩm trong BLTTHS năm 2015

06/12/2016 02:55

(kiemsat.vn)
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng về phần giám đốc thẩm với những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm, về năng lực nghiệp vụ đối với Kiểm sát viên.

(Kiemsat.vn) – Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng về phần giám đốc thẩm với những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm, về năng lực nghiệp vụ đối với Kiểm sát viên.

Yêu cầu trước hết đối với Kiểm sát viên là phải tập trung nghiên cứu, nắm vững, nhận thức rõ những quy định mới này để vận dụng tốt trong thực tế.

Kiểm sát viên phải có thái độ cầu thị ngay từ khi tiếp công dân, tiếp nhận các thông báo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm từ các chủ thể khác nhau, bao gồm người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân; phải vào sổ thụ lý trong trường hợp nhận được thông báo bằng văn bản hoặc lập biên bản trong trường hợp người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tới trình bày; sau đó báo cáo lãnh đạo và làm văn bản thông báo cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.

Kiểm sát viên nghiên cứu thông báo, đề nghị kháng nghị, xác định rõ vấn đề, nội dung đề nghị kháng nghị vấn đề gì. Chủ động có văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ để nghiên cứu, xem xét.

Nhiệm vụ quan trọng nhất là nghiên cứu hồ sơ vụ án, tập trung vào những vấn đề, những nội dung đề nghị kháng nghị; nghiên cứu từ việc thực hiện các thủ tục tố tụng đến các chứng cứ thể hiện qua vật chứng, lời khai của các đối tượng, các biên bản trong hoạt động tố tụng, kết luận giám định, định giá tài sản… Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chú ý xây dựng hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định, trong đó có việc trích cứu đầy đủ các thông tin quan trọng, cần thiết cho việc xử lý vụ án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, đối chiếu với các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm để xác định có cơ sở để kháng nghị hay không. Do tính chất của thủ tục giám đốc thẩm là “xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật” để khắc phục những vi phạm nghiêm trọng trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, nên chỉ khi có đủ căn cứ cho rằng việc giải quyết vụ án trước đó là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Việc trả lời không kháng nghị cần ghi rõ lý do, không chỉ đơn giản nêu chung chung là không có căn cứ kháng nghị.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải có các nội dung theo quy định tại Điều 378 BLTTHS năm 2015, trong đó nội dung quan trọng thể hiện ở khoản 8 là “yêu cầu của người kháng nghị”. Điều 388 BLTTHS năm 2015 quy định có 6 thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm. Đây cũng chính là thẩm quyền yêu cầu của người kháng nghị, Kiểm sát viên cần lưu ý các thẩm quyền mới để đề xuất cho chính xác.
Theo quy định tại Điều 377 BLTTHS năm 2015 thì người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị. Việc tạm đình chỉ thi hành án phải tùy thuộc vào nội dung kháng nghị và từng trường hợp cụ thể. Do vậy, Kiểm sát viên chỉ có thể đề xuất tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù khi có kháng nghị theo một trong các hướng: Đình chỉ vụ án, tuyên không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, cho hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù.
Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp; khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, đồng thời phải tranh tụng với người tham gia tố tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, Kiểm sát viên phải có sự chuẩn bị tốt để tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, dự kiến các nội dung, các tình huống tranh luận để chủ động có phương án xử lý.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Kiểm sát viên phải tự mình thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đồng thời có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án và các chủ thể liên quan; bao gồm kiểm sát về việc thực hiện các thời hạn giải quyết vụ án, việc triệu tập người tham gia phiên tòa (nếu có), việc chuẩn bị phiên tòa, thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm, việc ban hành và gửi quyết định giám đốc thẩm. Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải báo cáo Lãnh đạo Viện về kết quả xét xử và đề xuất những vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết; phải làm thông báo kết quả xét xử gửi cho các Viện kiểm sát đã tham gia xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án biết./.

Phạm Văn An
Phó Vụ trưởng Vụ 7, VKSNDTC
(Trích TCKS số 19/2016)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang