Làm thế nào giám sát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp “sân sau"?

07/07/2019 14:13

(kiemsat.vn)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Đáng chú ý, Nghị định quy định cách chức đối với “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Đáng chú ý, Nghị định quy định cách chức đối với “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. 

Trao đổi với PV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Xuyền cho rằng, để cho Nghị định đi vào cuộc sống thì việc giám sát phải thực sự hiệu quả.

Cách chức lãnh đạo nếu phát hiện có công ty “sân sau”?

Nghị định 59/2019/NĐ-CP được ban hành vào ngày 1.7 và chính thức có hiệu lực từ ngày 15.8.2019. Nghị định 59/2010/NĐ-CP bao gồm 11 chương, 89 điều quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20.11.2018. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là tại Điều 83 quy định về xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tại Khoản 3 nêu rõ: “Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Thực tế, trong công tác quản lý nhà nước từng xảy ra những trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp hoặc để cho chồng, con kinh doanh trong phạm vi ngành nghề do mình quản lý và đã bị xử lý kỷ luật. Rõ ràng và điển hình nhất là trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh - từng là Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - đã bị Trung ương kỷ luật, cách hết chức vụ vì các sai phạm trong điều hành kinh tế, ký nhiều văn bản trái quy định, có những ảnh hưởng tư lợi cho công ty gia đình, vi phạm quy định trong việc đi nước ngoài.

Cụ thể, trong giai đoạn 2003 - 2009, khi đương chức Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Thanh đã tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng bà là ông Đỗ Tịnh sáng lập. Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2011 - 2014, ở vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Thanh đã ký các văn bản chấp thuận đầu tư, cấp phép, gia hạn cho Công ty TNHH Cường Hưng thực hiện một số dự án không đúng quy định, thẩm quyền được phân công.

Dự án Phú Gia Compound (Đà Nẵng) liên quan đến vụ khởi tố Vũ “nhôm”. Ảnh: TẤN VIỆT
Dự án Phú Gia Compound (Đà Nẵng) liên quan đến vụ khởi tố Vũ “nhôm”. Ảnh: TẤN VIỆT

Quy định đã có, quan trọng là phải giám sát

Tuy nhiên, làm thế nào để giám sát hiệu quả việc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có để có đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp hoặc để vợ, chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong lĩnh vực mình thực hiện quản lý nhà nước lại cần phải làm rõ. Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Trương Minh Hoàng - cho rằng: “Luật pháp cũng quy định khá rõ những gì được làm, ví dụ như người đứng đầu không được sắp xếp vợ, con làm kế toán, cán bộ địa chính… Còn làm thế nào để kiểm tra giám sát thì khi xin phép, cấp giấy phép kinh doanh thì cơ quan đó phải có trách nhiệm kiểm soát bởi đó là cơ quan “gác cổng”, kiểm tra đầu tiên. Nhưng trước nhất, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu buộc phải biết phạm vi những gì được làm hay không được làm gì. Thứ hai là khi vụ việc có xảy ra thì phải kiểm điểm trách nhiệm tới nơi tới chốn”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát thuộc về trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí cả cá nhân cán bộ, công chức và người dân cũng có quyền.

Ông Xuyền nhận định: Nghị định ra đời để cụ thể rõ hơn bằng hình thức kỷ luật cách chức. Việc giám sát làm sao cho hiệu quả có thể thông qua nhiều hình thức, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị. Nếu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không gương mẫu, khi bị phát hiện thì phải bị xử lý tùy mức độ từ thấp nhất tới cao nhất. Người có chức vụ quyền hạn ấy đương nhiên phải biết, hiểu và thực hiện luật pháp, chưa nói tới còn có trách nhiệm tuyên truyền cho thành viên gia đình và xã hội hiểu nữa. Thứ hai là qua công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên hàng năm của các cơ quan có chức năng về phòng chống tham nhũng.

Ông Xuyền đặc biệt lưu ý về vấn đề thứ ba, đó là phát hiện vi phạm qua giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội. Giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước, trong đó người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.

Có thể có những trường hợp chưa phát hiện ra, song khi bị phát hiện thì chắc chắn sẽ bị xử lý và sẽ là biện pháp răn đe đối với những người có chức vụ quyền hạn. Tất nhiên không thể mong đợi có luật thì hết sạch vi phạm nhưng có khi Nghị định hướng dẫn chi tiết sẽ là khung luật pháp để xử lý việc đấy”. (ĐBQH Bùi Văn Xuyền)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang