Kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

22/06/2017 09:52

(kiemsat.vn)
Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện vai trò của VKSND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp.

KSV phát biểu tại phiên tòa dân sự

Để nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, thể hiện vị trí pháp lý là một bên tiến hành tố tụng thì ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, các kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao thì kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên (KSV) cũng là một nội dung quan trọng giúp nâng cao vị thế của KSV tại phiên tòa, đồng thời cũng phát hiện các vi phạm về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự, để từ đó kịp thời ban hành các văn bản kiến nghị, kháng nghị, khắc phục các vi phạm nghiêm trọng do vi phạm thủ tục tố tụng. Bài viết dưới đây, là một vài kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân tác giả trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đã kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị và được Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm chấp nhận.

Về hình thức của Bài phát biểu

Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, KSV phát biểu ý kiến của VKSND về các nội dung sau: Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Đây là hai nội dung cơ bản phải được thể hiện trong bài phát biểu của KSV tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự. Viện trưởng VKSND đã ban hành Quyết định số 566/2012/QĐ/VKSTC-V5 ngày 08/10/2012 về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Do đó, khi chưa có văn bản hướng dẫn mới, KSV tham gia tố tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm cần chú ý đến các hình thức đã được trình bày trong văn bản (mẫu số 6c). Ngoài ra, còn phải tuân thủ về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đã được hướng dẫn tại Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp để đảm bảo về mặt hình thức đúng theo quy định.

Một số dạng sai phạm của TAND cấp sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng

Sai phạm trong việc xác định quan hệ tranh chấp

Xác định quan hệ tranh chấp là một trong những nội dung quan trọng của Thẩm phán khi thụ lý vụ án. Bởi lẽ, khi xác định đúng quan hệ tranh chấp thì mới là căn cứ giúp cho Hội đồng xét xử áp dụng đúng pháp luật nội dung; là điều kiện giúp cho KSV phát hiện Tòa thụ lý vụ án đúng hay sai; có thuộc trường hợp Tòa phải trả lại đơn khởi kiện do chưa đủ điều kiện khởi kiện hay không; là căn cứ giúp cho các đương sự biết trước khi Tòa thụ lý vụ án có phải thực hiện giai đoạn “tiền tố tụng” hay không (như tranh chấp quyền sử dụng đất thì bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở trước, song tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp… quyền sử dụng đất thì không cần qua hòa giải cơ sở). Song, một số Tòa án lại xác định sai quan hệ tranh chấp, điều đó dẫn đến một số hệ quả trong việc áp dụng sai lầm pháp luật nội dung, và là một trong những căn cứ để cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm. Có thể đưa ra một số ví dụ như sau:

Ví dụ thứ nhất: Nguyên đơn Lâm Văn L khởi kiện yêu cầu bà Bùi Thị B, Bùi Thị P (bị đơn) trả lại nhà trên diện tích 58,1m2 đất tại số 84/23 vì cho rằng nhà đất trên là một phần thuộc thửa 128, tờ bản đồ số 4 do vợ chồng cụ mua của cố Huỳnh Thị B, cụ H quét chợ và một số người khác, tuy nhiên, cụ L không xuất trình được tài liệu chứng minh nguồn gốc nhà đất nêu trên là do vợ chồng cụ tạo lập. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định trước năm 1975, diện tích đất có tranh chấp không phải do vợ chồng cụ L tạo lập mà là đất công. Năm 1991, nhà nước mới tiến hành hợp thức hóa căn nhà 84/21 của cụ L. Bị đơn cụ Bùi Thị B và bà Bùi Thị P cho rằng nguồn gốc nhà đất có tranh chấp là do cố Huỳnh Thị Đ (mẹ cụ B) mua của cố Ba Phố từ năm 1942. Tuy nhiên, cụ B, bà P cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh. Quá trình giải quyết cụ L, cụ B, bà T và bà P đều có lời khai cụ B, bà P ở tại nhà đất có tranh chấp từ năm 1967. Vụ án nói trên đã được Tòa án nhân dân (TAND) cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” là không đúng. Lẽ ra, Tòa phải thụ lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản trên đất” mới đúng. Việc Tòa án thụ lý sai quan hệ pháp luật tranh chấp đã dẫn đến áp dụng sai pháp luật nội dung. Trong trường hợp này, qua thu thập chứng cứ, nếu có đủ cơ sở xác định nhà đất là của vợ chồng cụ L, cụ B, và bà P là người ở nhờ, nhưng quá trình ở nhờ nếu cụ B, bà P đã làm thêm diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới trong khuôn viên nhà ở nhờ thì phải căn cứ vào quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 để giải quyết vụ án mới triệt để.

Ví dụ thứ hai: Công ty TNHH X yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đã được công chứng) với người liên quan là bà Lê Thị Thanh D. Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) để thụ lý việc dân sự và ra quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc Tòa án xác định đây là việc dân sự là chưa phù hợp vì Điều 26 BLTTDS không quy định loại việc này. Về điều luật áp dụng: TAND cấp sơ thẩm cho rằng đây là việc dân sự nhưng lại áp dụng khoản 4 Điều 30 BLTTDS là việc kinh doanh thương mại là không đúng, mặt khác khoản 4 Điều 30 quy định “Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật quy định” nhưng TAND cấp sơ thẩm cũng không dẫn chiếu được cụ thể pháp luật nào quy định yêu cầu nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Xác định sai chủ thể tranh chấp

Chủ thể tranh chấp (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…) cũng là một trong những sai lầm tuy không thường xuyên, nhưng cũng không ít Tòa án xác định sai. Việc xác định sai chủ thể tranh chấp, tuy không làm sai lệch nội dung vụ án, song lại gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Trong đơn khởi kiện, có thể do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên phía người khởi kiện thường chỉ trực tiếp ra người vi phạm nghĩa vụ đối với mình. Trách nhiệm của TAND cấp sơ thẩm là phải xem xét toàn bộ nội dung đơn khởi kiện, đối chiếu với các văn bản pháp lý có liên quan để xác định chính xác đối tượng bị kiện là ai. Điển hình như trường hợp: Anh Nguyễn Văn A khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát đòi lại 500 triệu đồng mà ông đã bán hàng hóa cho doanh nghiệp này từ năm 2012 cùng với lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật. Kèm theo đơn khởi kiện ông A còn xuất trình Hợp đồng mua bán hàng hóa, phiếu giao nhận hàng có chữ ký của chủ Doanh nghiệp tư nhân là anh Trịnh Đình D. TAND cấp sơ thẩm thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Văn A và bị đơn là doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát. Việc thụ lý vụ án nói trên của Tòa án là đúng quan hệ pháp luật, song lại sai về chủ thể tranh chấp (ở đây là bị đơn dân sự). Bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Toà án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp”. Do đó, lẽ ra TAND cấp sơ thẩm phải xác định ông Trịnh Đình D, chủ doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát là bị đơn dân sự mới đúng. Việc xác định doanh nghiệp tư nhân Thịnh Phát là bị đơn dân sự sẽ gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự sau này, bởi nếu tại giai đoạn thi hành án mà doanh nghiệp này bị giải thể hoặc phá sản thì sẽ không còn đối tượng phải thi hành nữa.

Một ví dụ khác, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Y khởi kiện Công ty TNHH X đã vi phạm hợp đồng tín dụng, vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng. Từ đó, Chi nhánh yêu cầu Công ty phải trả toàn bộ nợ gốc, lãi chậm trả, lãi suất quá hạn do vi phạm hợp đồng. TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Y với bị đơn là Công ty TNHH X. Việc thụ lý vụ án nói trên của TAND cấp sơ thẩm là chưa chính xác, lẽ ra Tòa án phải xác định nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chi nhánh huyện Y mới đúng, bởi lẽ chi nhánh không có tư cách pháp nhân độc lập. Tại Điều 92 khoản 3 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền”. Do đó, cần phải xác định chính xác nguyên đơn để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của đại diện nguyên đơn. Từ đó, mới xác định về hình thức đơn khởi kiện, văn bản ủy quyền của Ngân hàng Nông nghiệp. Nếu thụ lý vụ án nói trên của TAND cấp sơ thẩm là thuộc trường hợp “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện” thuộc trường hợp điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và thuộc trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện.

Trên đây là một vài ví dụ trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự mà KSV có thể phát hiện ra trong quá trình tham gia phiên tòa và phát biểu của KSV tại phiên tòa dân sự sơ thẩm. Để hạn chế tối đa những vi phạm về tố tụng nói trên, đòi hỏi KSV cần nghiên cứu chuyên sâu, kịp thời đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Thạc sĩ Nguyễn Nam Hưng

Vụ 9, VKSND tối cao

TCKS số 23/2015

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang