Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV: Sẽ có tranh luận trực tiếp tại Hội trường

18/10/2016 09:32

(kiemsat.vn)
Chiều ngày 18/10/2016, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV. Một điểm đổi mới hết sức đáng chú ý, chưa từng có tiền lệ là các đại biểu có thể tranh luận trực tiếp tại Hội trường.

Tranh luận trực tiếp tại Quốc hội

Điểm mới của kỳ họp năm nay là Quốc hội sẽ đổi mới việc tranh luận trên nghị trường, tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế. “Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các báo cáo kinh tế – xã hội hoặc các dự án luật, Quốc hội sẽ mời cơ quan soạn thảo, cụ thể là các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với các đại biểu. Chúng tôi cũng sẽ thiết kế để các đại biểu có thể tham gia tranh luận, kể cả những đại biểu không đăng ký trên màn hình. Có thể bằng hình thức giơ biển xin tranh luận. Chủ toạ sẽ tạo điều kiện tối đa để cuộc tranh luận trở nên sinh động, sôi nổi”, ông Phúc thông tin.

Điều này có nghĩa là các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật sẽ tranh luận trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau; trong quá trình thảo luận, các đại biểu muốn tranh luận với các đại biểu khác hoặc với các Bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể đăng ký phát biểu, để quá trình thảo luận tại Hội trường đạt kết quả cao hơn.

Trong quá trình chất vấn, trao đổi tại Nghị trường, nếu còn nhiều câu hỏi vào cuối chiều thì sẽ kéo dài thêm, nếu vào buổi trưa thì cho tất cả các đại biểu Quốc hội hỏi hết, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ trả lời, nếu chưa trả lời hết thì sẽ trả lời đầy đủ bằng văn bản sau, do còn phải chuẩn bị cho nội dung làm việc buổi chiều của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi: “Điều này có đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ dừng họp khi hết ý kiến, thay vì kết thúc vào 17h hàng ngày như mọi kỳ họp khác?”, ông Phúc đáp: “Nếu buổi chiều thì thời gian họp có thể kéo dài thêm, còn buổi trưa thì có thể có giải pháp để đại biểu nêu hết câu hỏi, sau đó có thể giải đáp bằng văn bản”. Điều này đồng nghĩa với việc các ngày họp của kỳ họp lần này có thể không kết thúc vào lúc 17 giờ như thường lệ.

Dành 63% thời gian kỳ họp cho công tác lập pháp

Chủ trì cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời một số vấn đề báo chí đặt ra. Theo đó, khi được hỏi về những điểm mới trong kỳ họp thứ 2 lần này, ông Phúc cho biết, sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động luật pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa mới được ban hành để yêu cầu các cơ quan soạn thảo đảm bảo đúng quy trình.

nguyen_hanh_phuc_3

Họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Tiếp đó, trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ mời đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương về tham gia góp ý, giúp cho chất lượng luật được nâng lên. Quốc hội cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực.

“Chúng ta cũng bảo đảm trong quá trình xin ý kiến nếu thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian xem xét, thông qua để đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Ông cũng dẫn ví dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 2 nhưng nếu ra Quốc hội thảo luận thấy còn nhiều ý kiến thì sẽ kéo tiếp sang kỳ họp thứ 3 để đảm bảo chất lượng. Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 và nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 55 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội sẽ bàn về các vấn đề quan trọng của tình hình kinh tế, xã hội đất nước, tuy nhiên, ở kỳ họp này, QH sẽ tập trung nhiều vào công tác lập pháp. “63% thời lượng chương trình sẽ dành cho công tác lập pháp’ ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết. Vừa qua đã có rút kinh nghiệm liên quan đến những sai sót của bộ luật Hình sự nên kỳ họp này sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng luật để luật đi vào cuộc sống.

Theo ông Phúc, một trong những đổi mới căn bản là Quốc hội sẽ bám sát luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các cơ quan soạn thảo thực hiện đúng quy trình nhằm đảm bảo thời gian, tiến độ, thủ tục chặt chẽ.

Nợ công vượt trần: Chính phủ và Quốc hội cùng chịu trách nhiệm

“Đây là năm thứ hai liên tiếp, nợ công của Chính phủ đã vượt quá 50% GDP, theo báo cáo của Chính phủ cuối năm nay khả năng nợ công sẽ đến mức 64,98%, áp sát giới hạn cho phép. Một số ý kiến cho rằng nợ công sẽ vượt trần nếu các mục tiêu kinh tế không đạt được. Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này nếu nợ công vượt trần? Đây là lo lắng của nhiều cử tri khi nhìn vào những quốc gia vỡ nợ công trong thời gian qua.” Trả lời câu hỏi này của phóng viên về dự báo nợ công Việt Nam nhiều khả năng vượt trần, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định tinh thần các cuộc họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ là không để vượt trần nợ công.

Ông Phúc cho biết hiện theo báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn ở dưới mức cho phép là 65%. “Trần nợ công này mỗi nước khác nhau, 65% là trần quy định của Việt Nam. Chính phủ cũng cam kết không để nợ vượt trần, còn khả năng vượt trần thì đương nhiên trách niệm thuộc về cả Chính phủ và Quốc hội”, ông Phúc nói.

Trước đó, báo cáo về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 2016 – 2020 của Chính phủ công bố cho biết, đến cuối 2015, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Các mức nợ này, theo Chính phủ, về cơ bản phù hợp với mục tiêu Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia.

Cách khoán xe công của Bộ Tài chính chưa hiệu quả

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Bộ Tài chính đi đầu trong việc khoán xe công, tạo nên hiệu ứng tích cực cho xã hội và khi nào thì Quốc hội thực hiện việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã bất ngờ cho biết: “Cách đây hơn 10 năm Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã thực hiện khoán xe công. VPQH không công bố, tuyên truyền thôi. Còn cách khoán của Bộ Tài chính cũng chưa hiệu quả lắm”. Theo đánh giá của ông Phúc, thực ra đây chưa phải là cách làm hiệu quả, vì điểm mấu chốt ở đây phải là giảm bớt được lượng xe.

Như Bộ Tài chính mới chỉ khoán từ nhà ra cơ quan, tính theo giá taxi, nhưng nó vẫn tương đương như giá xe công trả theo giá xăng. Còn về thực chất vẫn mỗi Thứ trưởng một xe, một lái xe riêng, số lượng vẫn như vậy, không hề thay đổi thì làm sao hiệu quả. “Hiện Bộ Tài chính trả 15,000 đồng cho 1 km đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Mức này vẫn bằng với mức chi trả tiền xăng xe, hao mòn, lái xe như xe công”.

“Theo tôi, chúng ta phải giải quyết bài toán khoán xe công theo hình thức xã hội hóa, ở các cơ quan công lập, cơ quan chuyên nghiệp, tất cả theo hình thức tất cả là xe chung, đi đâu thì phải đăng ký. Hiện nay Quốc hội trên cơ sở khoán xe công, đang nghiên cứu phương án khác sao cho hiệu quả nhất”, ông Phúc khẳng định.

Chưa đưa TPP vào chương trình kỳ họp

Đây là vấn đề mà nhiều phóng viên cả trong và ngoài nước đều đặt câu hỏi: tại sao trong chương trình kỳ họp không thấy có TPP? Về việc Quốc hội chưa xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại kỳ họp này, ông Phúc cho biết, đến nay Chủ tịch nước chưa có văn bản sang Quốc hội, nếu có văn bản chính thức thì sẽ đưa vào chương trình. “Đây là vấn đề lớn, các cơ quan ban ngành cần chuẩn bị kỹ để trình ra Quốc hội”, ông Phúc giải thích thêm.

Được biết, Quốc hội cũng sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

SƠN TÙNG

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo Nghị quyết

(Kiemsat.vn) – Tại buổi họp báo chiều 20/10 tại Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó Quốc hội sẽ tập trung, xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết.

Thủ tướng: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng

“Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf là ta phá hết rừng trồng bao đời nay”, Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng sáng 14/10.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang