Kiểm sát trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự

27/02/2017 02:16

(kiemsat.vn)
Trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THADS, cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án dân sự là một trong những phương thức quan trọng nhằm thực hiện các quyền của Viện kiểm sát khi tiến hành kiểm sát thi hành án dân sự.

Khoản 4 Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định, trình tự trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án dân sự theo các bước sau:

1.Tổ chức công bố Quyết định, Kế hoạch trực tiếp kiểm sát và nghe cơ quan được kiểm sát báo cáo tình hình thi hành án. Thành phần tham gia công bố do Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát thống nhất với cơ quan được kiểm sát, gồm có: Lãnh đạo Viện kiểm sát, lãnh đạo và các Chấp hành viên, công chức của cơ quan, tổ chức được kiểm sát và cơ quan chủ quản cấp trên của họ; các thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát;

2.Tiến hành trực tiếp kiểm sát các nội dung theo Kế hoạch trực tiếp kiểm sát. Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, các thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát thông qua Trưởng đoàn để yêu cầu cung cấp sổ sách, hồ sơ thi hành án; các báo cáo, văn bản, tài liệu về thi hành án; gặp hỏi người có liên quan, yêu cầu người liên quan giải trình; tiến hành xác minh tại cơ quan, tổ chức có liên quan như kho bạc nhà nước, ngân hàng, kho bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án; các cơ quan, tổ chức có liên quan khác. Những nội dung đã được kiểm sát xong phải ghi phiếu kiểm sát hoặc lập biên bản sự việc, nêu rõ quan điểm đánh giá của cán bộ kiểm sát, trao đổi và nêu ý kiến của Chấp hành viên hoặc công chức thụ lý việc thi hành án, có ký xác nhận của đại diện bên được kiểm sát và người trực tiếp kiểm sát. Sau khi kết thúc kiểm sát việc thi hành án, thành viên Đoàn kiểm sát báo cáo kết quả kiểm sát với Trưởng đoàn để tổng hợp, xây dựng dự thảo kết luận. Việc nhận hoặc bàn giao hồ sơ, sổ sách thi hành án, các văn bản, tài liệu về thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định tại khoản 1 Điều 31 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

3.Khi cần thiết mở rộng phạm vi nội dung hoặc gia hạn thời gian kiểm sát so với kế hoạch đã được duyệt, Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải báo cáo lãnh đạo Viện duyệt và ban hành Quyết định gia hạn thời gian hoặc mở rộng phạm vi nội dung trực tiếp kiểm sát;

4.Người được phân công có trách nhiệm tập hợp kết quả trực tiếp kiểm sát của các thành viên trong Đoàn để xây dựng dự thảo Kết luận, trình Trưởng đoàn xem xét. Nội dung Kết luận trực tiếp kiểm sát theo mẫu quy định; trong đó nêu rõ quá trình trực tiếp kiểm sát, các việc mà Đoàn kiểm sát đã làm; kết quả đạt đuợc (ưu điểm) và tồn tại, hạn chế, các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự hoặc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm; trong việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân. Khi kết luận về các vi phạm, cần viện dẫn đầy đủ chứng cứ, các căn cứ pháp luật làm cơ sở cho việc kết luận;

5.Tổ chức công bố dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát. Tùy theo phạm vi kiểm sát trực tiếp, kết quả kiểm sát, tính chất và mức độ vi phạm của cơ quan đuợc kiểm sát mà bảo đảm thành phần tham gia công bố Kết luận có đại diện lãnh đạo VKSND các cấp, cơ quan chủ quản của cơ quan, tổ chức đuợc kiểm sát. Truởng đoàn trực tiếp kiểm sát tiếp thu các ý kiến tại buổi công bố kết luận; ký kết luận và chịu trách nhiệm về kết luận trực tiếp kiểm sát.

6.Truờng hợp qua trực tiếp kiểm sát mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần đề xuất xử lý kỷ luật hoặc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm thì Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải báo cáo lãnh đạo Viện (ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì báo cáo Vụ trưởng để Vụ trưởng báo cáo lãnh đạo Viện) trước khi ký Kết luận trực tiếp kiểm sát.

7.Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Viện kiểm sát ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa theo quy định của pháp luật. Việc ký kháng nghị, kiến nghị thực hiện theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Kỳ Sơn

Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2017: Đã “giải phóng” gần 17 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế

Năm 2017 là năm thứ hai đất nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây cũng là năm Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang