Khuyến cáo mua hàng trực tuyến an toàn

19/04/2017 11:14

(kiemsat.vn)
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua hàng trực tuyến một cách an toàn. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về hình thức này.

Mua sắm trực tuyến thực ra là một hình thức mua sắm có nhiều ưu điểm và được khuyến khích phát triển do những đặc điểm nổi trội về tiết kiệm chi phí cũng như nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tốt trong mua sắm cho người tiêu dùng.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

 Để hình thức này thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, trong những năm gần đây, Cục Quản lý cạnh trạnh (QLCT) Bộ Công Thương đã tích cực xử lý các vụ việc liên quan đến mua hàng trực tuyến và tư vấn người tiêu dùng thông qua Tổng đài 1800.6838. Bên cạnh đó, Cục QLCT tổ chức các hội thảo với chủ đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, trong năm 2017, Cục QLCT tổ chức Chương trình “Doanh nghiệp hành động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2017” với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết hướng trọng tâm kinh doanh vào quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tích cực xử lý trong trường hợp phát sinh phản ánh, khiếu nại.

+ Người tiêu dùng có thể tham khảo những lưu ý sau: Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…

+ Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua: Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

+ Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng; cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Bên cạnh đó cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục QLCT – Bộ Công Thương theo các phương thức sau: Email: bvntd@moit.gov.vn; Trang web Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:  Đường bưu điện tới: 25 Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội (ĐT: 04.2220.5002); tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.

Anh Minh

(tổng hợp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang