Không hẳn chỉ có luật là đủ

14/02/2018 08:25

(kiemsat.vn)
Không chỉ những người thiếu hiểu biết pháp luật như đồng bào Hmông mà nhiều cán bộ "no luật" vẫn vi phạm pháp luật. Bởi vậy, không hẳn chỉ là ở sự hiểu biết, vấn đề quan trọng là có tuân thủ theo pháp luật hay không.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thắc mắc của cán bộ người Hmông:

Lần nọ, VKSND tỉnh Nghệ An phối hợp với Tòa án tỉnh đưa một số vụ án ma túy đi xét xử lưu động tại một số huyện vùng cao, nơi cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Không có điều kiện đi vào các bản sâu, xa nên đoàn công tác bàn với chính quyền địa phương tổ chức xét xử tại thị trấn huyện. Đoán trước có đông người tham dự nên địa điểm xét xử được tổ chức tại sân vận động huyện. Đến giờ xét xử người kín dày, hầu như không còn “chỗ tốt”. Đáng chú ý có nhiều đồng bào Hmông lặn lội đi bộ mấy ngày đường từ các bản xa ra phố huyện để “nghe Tòa xử”. Người Hmông đến đông bởi các lẽ: Họ có quá ít điều kiện, thậm chí nhiều người chưa lần nào được dự phiên tòa, mặt khác các bị cáo là người Hmông ở cùng địa phương với họ.

Anh em trong đoàn xét xử lưu động mừng lắm vì lần đầu tiên nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân. Nhưng sau phiên tòa, khi đoàn về nơi ở gặp một chuyện hy hữu. Đó là 3 cán bộ người Hmông xin gặp đoàn để “khiếu nại”. Được đồng chí lãnh đạo VKS tỉnh đón tiếp, họ trình bày rằng: “Tại sao cán bộ lại xử như vậy? Cây thuốc phiện là do ta trồng ra, chăm sóc mới ra hoa kết trái, ta lấy nhựa đem bán có gì là tội mà phạt tù nó? (ý chỉ mấy bị cáo bị xử). Nó cũng như đồng bào dưới xuôi trồng lúa đem bán mà. Sao lại phạt tù nó rồi lại phạt tiền nó”.

Đồng chí Phó Viện trưởng phải ôn tồn giải thích cặn kẽ tác hại của ma túy, của thuốc phiện đối với sức khỏe con người, xã hội, an ninh, hành vi mua bán vận chuyển các chất ma túy, phạt tiền được quy định trong BLHS… Ba cán bộ Hmông lắng nghe rồi ra về nhưng vẫn tỏ ý còn ngờ ngợ. Thiển nghĩ, thế mới biết, công tác tuyên truyền pháp luật quan trọng đến chừng nào.

Không còn chỗ trống trong giá sách

Lần khác, thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chúng tôi tiếp xúc với đồng chí K, trưởng phòng của huyện nọ. Vào phòng làm việc của đồng chí, sức hút của căn phòng không phải do sạch sẽ, thoáng mát, đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, chứng tỏ chủ nhân là một người cẩn thận, chỉnh chu - mà là một giá sách lớn chiếm phần lớn khoảng không của bức tường. Phóng tầm mắt lướt khắp một lượt tôi thấy đủ loại: sách lý luận kinh điển, tiểu thuyết văn học nổi tiếng, sách quản lý hành chính và nhiều bộ luật, pháp lệnh… Thú thật chúng tôi thấy mình nhỏ bé trước một “thư viện” như thế. Nhưng khi làm việc chúng tôi phát hiện một số vi phạm của đồng chí này trong việc tham mưu cho lãnh đạo huyện ra văn bản trái quy định của pháp luật, giao đất trái thẩm quyền, áp đặt B xây dựng cơ bản các trụ sở, trường học cho một số xã trong huyện không đúng theo Điều lệ xây dựng cơ bản. Làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm, đồng chí K trả lời rành rọt, trôi chảy các quy định ghi trong các bộ luật, pháp lệnh. Và đề nghị chúng tôi “xá” cho việc làm chưa đúng, rằng “dẫm vạch” chút ít cũng chẳng sao. Đương nhiên chúng tôi không thể “xá” được.

Qua hai câu chuyện trên, chúng tôi nghĩ rằng:

-Người Hmông ở trên núi cao, quờ mây, nghe gió hú quanh năm. Cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Du canh, du cư, dịch cư đang là hiện tượng phổ biến. Tập quán trồng cây thuốc phiện và hút thuốc phiện còn nhiều. Đồng bào Hmông đang đánh vật với bát cơm, manh áo. Nhà nước đang chủ trương phá bỏ trồng cây thuốc phiện, song hành là đưa “cái chữ”, đưa ánh sáng văn hóa lên vùng cao. Không có một biện pháp diệu thần nào ngay một lúc có thể thực hiện được điều đó. “Đói cái bụng, đói cái chữ” nên ba cán bộ người Hmông “khiếu nại” là điều dễ thông cảm.

- Còn đồng chí trưởng phòng huyện nọ, nắm khá vững pháp luật, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn vi phạm pháp luật. Ở một góc độ nào đó, không hẳn “no luật” mà không vi phạm. Thế mới biết, tuân thủ pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng.

Trần Thanh Thủy

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang