Dự thảo thi, xét tuyển 2017: Trường dân lập liệu có tồn tại được?

10/12/2016 11:13

Với cách thức thi cử vài năm trở lại đây của ngành giáo dục, các trường công lập đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh rồi. Vậy nếu dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 được thông qua thì hệ thống các trường dân lập liệu có tồn tại được?

Bộ GD – ĐT vừa công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017, có nhiều điểm đổi mới so với kỳ thi năm trước liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của thí sinh… Thêm một dự thảo, đề án tạo cho dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc về công tác đào tạo con người.

Theo đó có một số điểm mới trong dự thảo kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD – ĐT đang lấy ý kiến đó là: Bài tự chọn nào điểm cao hơn thì sẽ được tính công nhận tốt nghiệp, sẽ có phòng thi riêng cho thí sinh tự do, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển một lần, thí sinh có tối đa 10 nguyện vọng vào ĐH…

Đáng lưu tâm ở dự thảo này là mỗi thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển một lần trong suốt cả mùa tuyển sinh với tối đa 10 nguyện vọng xếp thứ tự từ 1 đến 10 vào 5 trường, mỗi trường 2 ngành/nhóm ngành. Sau khi đã đăng ký thành công, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trong giai đoạn xét tuyển chung. Tức là, mỗi thí sinh có tới 10 nguyện vọng vào đại học.

Việc xét tuyển vào đại học ngày càng dễ, vậy các trường Dân lập có tồn tại được không? Chúng tôi – với tư cách là những nhà giáo xin được nói lên chính kiến của mình.

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Vĩnh – Cựu giáo chức Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế cho biết: “Đổi mới công tác thi cử về ý nghĩa tích cực sẽ tạo điều kiện cho thí sinh thuận lợi hơn trong việc học hành, thi cử. Mặt khác cũng mang lại nguồn tuyển chất lượng, số lượng cho các trường ĐH, CĐ. Thế nhưng, cứ mỗi đề án, dự thảo mà Bộ đưa ra cho thấy sự thụt lùi về giáo dục – đào tạo. Trước đây, mới chỉ hai nguyện vọng vào hai trường khác nhau đã tạo khó khăn cho việc xét tuyển. Vì hồ sơ ảo quá lớn”.

Dẫn giải cho sự khó khăn đó, Thầy Vĩnh đưa ra số liệu tuyển sinh năm 2016 của Đại học Khoa học – Đại học Huế. Năm 2016 trường được giao tuyển sinh với chỉ tiêu 2.200, nhưng chỉ tuyển được gần 1.300 chỉ tiêu.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Dương Văn Chung – Cựu giáo chức Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế cũng cho hay: “Với cách thức thi cử vài năm trở lại đây của ngành giáo dục, các trường công lập đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh rồi. Vậy nếu dự thảo này được thông qua thì hệ thống các trường dân lập liệu có tồn tại được không?”

Có người đã nói ví von rằng: “Ngành Giáo dục thật đầy sáng tạo. Năm nào cũng cải cách, thay đổi quy chế thi cử. Giáo dục mà như gameshow, đầy ngẫu hứng như hoạt động nghệ thuật. Cải cách bao năm mà chẳng thể hoàn thiện”.

Chúng tôi chỉ là những người làm nghề đưa đò, truyền đạt con chữ, kiến thức, tư tưởng cho thế hệ học sinh, sinh viên, không phải là những nhà làm luật, nghiên cứu đề án này, đề án nọ ở tầm vĩ mô như các Thầy ở Bộ. Nhưng có lẽ, những ai có tư tưởng “đổi mới” đó cần đích thân đi thị sát các trường, kể cả hệ thống các trường công lập lẫn dân lập xem những đứa con của Bộ đang phải “gặm” gì để tồn tại? Nhất là “đưa con” dân lập mình, đã sinh nó ra thì phải có đường hướng cho nó tồn tại và phát triển, chứ sao càng ngày càng “bóp nghẹt” nó như vậy?

Ngành Giáo dục làm việc càng ngày càng cập rập và lúng túng. Bao nhiêu “đứa con” phải xoay theo cái tư duy vận động liên tục của các ông Bộ trưởng để tuyển sinh? Bao nhiêu “đứa cháu” phải khốn khổ theo kịp sự đổi mới của các chú các bác ở Bộ để thích nghi với chuyện thi cử?

Dẫu biết đổi mới để phát triển, nhưng cần thống nhất, tiếp thu cái được của từng nhiệm kỳ mà duy trì, phát huy, loại bỏ cái chưa được. Từ đó đổi mới qua từng giai đoạn để cho những “đứa con, đứa cháu” mình theo kịp. Chứ cứ mỗi một nhiệm kỳ mà “chín người mười ý” thì hiệu quả = 0. Ngành đào tạo, giáo dục nhân cách con người thì hãy nên cẩn trọng trước mỗi bước đi của mình!

Lầu Thanh/enternews.vn/

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang