Đối thoại giải quyết khiếu nại đem lại hiệu quả cao

23/02/2017 03:24

(kiemsat.vn)
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những chức năng của VKSND được quy định trong Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS, làm tốt công tác này đảm bảo cho quyền khiếu nại của người dân được thực hiện, là thước đo hiệu quả đánh giá chất lượng công tác chuyên môn nghiêp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKS 2 cấp tỉnh Cà Mau hàng năm đều đạt kết quả cao, năm 2015 giải quyết đạt tỉ lệ 97,9%, năm 2016 giải quyết đạt tỉ lệ 95,1%. Các khiếu nại tiếp nhận, thụ lý và giải quyết chủ yếu là khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định của Cơ quan điều tra; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện kiểm sát 2 cấp.

Tuy nhiên, không phải quyết định giải quyết khiếu nại nào của Viện kiểm sát cũng được người khiếu nại chấp nhận mà họ còn khiếu nại nhiều lần, khiếu nại lên cấp trên, thậm chí là cấp trên vượt cấp, khiếu nại đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, đến báo đài và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ở địa phương và ở Trung ương gây tốn kém và mất thời gian cho cả người khiếu nại và các cơ quan nhận được khiếu nại. Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền chưa thỏa đáng, chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật và người khiếu nại chưa am hiểu pháp luật, họ tin rằng việc làm của họ là đúng hoặc là có vi phạm nhưng chưa đến mức như các cơ quan tố tụng quy kết cho họ.

Buổi đối thoại giữa Kiểm sát viên và bị can

Một trong những biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp đó là việc gặp trực tiếp người khiếu nại để đối thoại, nghe họ trình bày quan điểm, ý kiến của họ về quyết định, hành vi của cơ quan tố tụng qua đó tiếp thu ghi nhận, giải thích để họ nắm các quy định của pháp luật; đồng thời cũng nghiêm túc lắng nghe những phản hồi từ người khiếu nại, qua đó, đối chiếu lại các quy định của pháp luật soi rọi lại quyết định của Cơ quan tố tụng, hành vi của người tiến hành tố tụng còn chưa đúng ở điểm nào? Có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại hay không?

Để kịp thời điều chỉnh và chỉnh sửa cho đúng, đây là một kỹ năng được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 13 Quy chế 51 ngày 02/02/2016 của VKSNDTC mà Phòng 3 và Phòng 12 VKSND tỉnh Cà Mau đã phối hợp thực hiện rất thành công. Mới đây trong buổi đối thoại giải quyết đơn của bị can: Lê Minh A, phạm tội “tham ô tài sản” bị VKS tỉnh Cà Mau truy tố theo điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS. Bị can Lê Minh A khiếu nại Cáo trạng của VKS tỉnh Cà Mau với 7 nội dung bị can cho rằng Cáo trạng buộc bị can như vậy là oan sai và bị can vi phạm chưa đến mức như Cáo trạng truy tố. Sau khi nghiên cứu đơn khiếu nại Cáo trạng của bị can Lê Minh A và kiểm tra lại Cáo trạng mà VKS đã truy tố bị can Lê Minh A, đồng chí Viện trưởng đã chỉ đạo cho Phòng 12 và Phòng 3 phối hợp đối thoại trực tiếp với bị can Lê Minh A.

Từng vấn đề một tại buổi đối thoại trực tiếp với bị can được Kiểm sát viên lắng nghe, ghi nhận và giải thích cặn kẽ theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho bị can A được nói lên những băn khoăn, thắc mắc, những bức xúc, lo lắng khi nhận được Cáo trạng, hiểu được tâm trạng của 1 người từng là thủ trưởng 1 đơn vị bây giờ trong tâm trạng lâm vào vòng lao lý và sắp phải đối diện với bản án hình sự do hành vi phạm tội của chính bị can gây ra.

Kiểm sát viên được phân công giải quyết đơn khiếu nại đã lần lượt giải thích những quy định mà Luật phòng chống tham nhũng, pháp luật hình sự và kể cả văn bản chuyên ngành để đối chiếu với từng vấn đề mà bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự về tình tiết định khung, điều khoản, tội danh. Buổi trực tiếp đối thoại giữa Kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại tố cáo diễn ra trên tinh thần cởi mở, lắng nghe, chia sẻ và tuyên truyền giải thích pháp luật, bị can Lê Minh A đã dần hiểu ra tiếp thu, ghi nhận và có sự nhận thức chuyển hướng tích cực từ chỗ bị can kêu oan, không đồng ý với Cáo trạng của VKS tỉnh Cà Mau sang việc chấp nhận Cáo trạng truy tố bị can là đúng không oan và bị can chỉ xin được xem xét, cân nhắc giảm nhẹ cho bị can.

Giải quyết khiếu nại bằng hình thức đối thoại trực tiếp là 1 hình thức giải quyết mang lại hiệu quả cao cần được nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong giải quyết khiếu nại của các đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm hoạt động của toàn ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017 là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả” .

Phạm Thị Hiền/ VKSND  tỉnh Cà Mau

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang