Điểm mới về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm trong BLTTHS năm 2015

29/11/2016 04:02

(kiemsat.vn)
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về thủ tục giám đốc thẩm. Bài viết này xin giới thiệu những điểm mới cơ bản về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm trong BLTTHS năm 2015.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định 4 căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quy định tại Điều 371 BLTTHS năm 2015 thì chỉ còn 3 căn cứ, đó là: (1) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (2) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; (3) Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Căn cứ “việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ” đã được bỏ là hợp lý vì thực chất đây là hình thức vi phạm trong xét xử, một trong các trường hợp thuộc căn cứ thứ hai của điều luật là vi phạm thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Thực tế chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là “phiến diện”, là “không đầy đủ”, dẫn đến những nhận thức khác nhau, là một trong những vướng mắc khi thực hiện BLTTHS năm 2003.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự thủ tục do BLTTHS quy định. Đây là căn cứ mà BLTTHS năm 2015 tiếp tục ghi nhận, đồng thời có bổ sung đáng chú ý là “dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Căn cứ này chỉ được coi là căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi những vi phạm này dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Nếu có vi phạm nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án thì có thể không cần thiết phải kháng nghị.

Về căn cứ “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” BLTTHS năm 2015 đã mở rộng hơn so với BLTTHS năm 2003. Trước đây giới hạn ở những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự thì nay xác định là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, tức là ngoài Bộ luật Hình sự thì còn các luật khác như BLTTHS, các luật chuyên ngành. Các sai lầm này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng./.

Phạm Văn An
Phó Vụ trưởng Vụ 7, VKSNDTC
(Trích TCKS số 19/2016)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang