Để “không để ai bị bỏ lại phía sau”

01/11/2019 18:00

(kiemsat.vn)
Sáng 01/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất Đề án

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.

Các Đại biểu thảo luận tại phòng Họi nghị Diên Hồng ngày 01/11/2019

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhất, được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhất, song vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn nắm giữ nhiều cái “nhất” trên cả nước như: vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Theo các Đại biểu Quốc hội, các chính sách dân tộc ban hành nhiều nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ; chính sách còn dàn trải, manh mún, chồng chéo; một số chương trình, chính sách quan trọng nhưng thực hiện chậm, không đạt mục tiêu đề ra; đa số chính sách chưa được bố trí đủ nguồn lực, định mức hỗ trợ thấp; cơ chế thực thi một số chính sách chưa phù hợp, thiếu đồng bộ... 

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Đề án sẽ trải qua hai giai đoạn với các mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2020 – 2025 và giao đoạn 2026 – 2030. Mục tiêu đến năm 2030 thì thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; Không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; phấn đấu 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực; Trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; Giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số; Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Để làm được điều trên, Chính phủ dự kiến sẽ điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các mục tiêu cần sát hơn nữa với thực tế

Bày tỏ sự đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp nêu ra để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn, tuy nhiên, Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, để bảo đảm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như chăn nuôi, trồng trọt các cây, con chủ lực; cải tạo vườn tạp... Mô hình kinh tế này không cần phải đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động của bà con dân tộc thiểu số, lấy công làm lãi, giúp xóa đi có khu vườn tạp, vườn bỏ hoang ở một số vùng núi, góp phần làm thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi và mang lại giá trị kinh tế thường xuyên cho các hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 

ĐBQH Đinh Thị Bình (ĐoànPhú Thọ): các mục tiêu cần sát hơn nữa với thực tế

Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) rất vui mừng vì Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nên các chỉ tiêu cơ bản phù hợp với Nghị quyết của Đảng, mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, Đại biểu của tỉn Phú Thọ vẫn còn chưa yên tâm, băn khoăn với các mục tiêu cụ thể. Ví dụ, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10 - 15%. Theo Đại biểu, hiện tỷ lệ này trung bình mới đạt 6,2%, một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ dưới 2%, một số khác có tới 100% lao động chưa qua đào tạo. Đại biểu nêu lên thực tế, mặc dù chính sách đào tạo cho lao động, trong đó có lao động dân tộc thiểu số đã được thực hiện hàng chục năm qua nhưng chúng ta mới chỉ đạt được kết quả khiêm tốn. Liệu sau 6 năm nữa chúng ta có đạt được tỷ lệ như dự thảo Đề án đề ra không? Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đề ra các mục tiêu sát với thực tế hơn nhằm bảo đảm tính khả thi cao. 

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

(Kiemsat.vn) - Sáng 21/10/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Kiểm sát Online xin đăng toàn văn Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sáng nay Quốc hội nghe báo cáo tình hình biển Đông

(Kiemsat.vn) - Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, trong đó có tình hình biển Đông vào sáng nay 28/10.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang