Đại biểu Quốc hội trăn trở quanh Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu

27/05/2017 12:16

(kiemsat.vn)
– Chiều 26/5, Quốc hội tổ chức thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyêt xử lý nợ xấu. Hầu hết các tổ đều có những tranh luận sôi nổi, thể hiện sự quan ngại sâu sắc về Dự thảo Nghị quyết quan trọng này.

Muôn nẻo đường biến thành nợ xấu

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu – Đoàn Tp Hồ Chí Minh chỉ ra một kẽ hở ngay trong các tổ chức tín dụng biến thành nợ xấu: “Chúng ta đã có quy định cấm các Ngân hàng gửi tiền cho nhau để kinh doanh nhưng đâu đó có một số ngân hàng chuyển tiền cho nhân viên đứng tên rồi chuyển cho ngân hàng khác vay để ăn tiền chênh lãi suất. Từ kẽ hở đó, có những kẻ xấu ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn, gây ra nợ xấu”.

Cùng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Đức Sáu, đại biểu Ngô Minh Châu – Đoàn Tp Hồ Chí Minh lại quan ngại về vấn đề kiểm tra giám sát hoạt động tài chính trong ngân hàng: “Đối với tài sản thế chấp gửi vào ngân hàng vay tiền đã có quy định không được cho vay quá 70% giá trị tài sản. Quy định chặt chẽ là như vậy nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp cho vay số tiền gấp nhiều lần thế chấp, khai man giá trị thật của tài sản. Khi dự án thua lỗ, Ngân hàng tiến hành thu hồi tài sản thế chấp, phát mại để thu hồi vốn thì giá trị thật quá thấp, biến thành nợ xấu. Còn vấn đề làm giấy tờ giả rồi được cán bộ ngân hàng tiếp tay để vay nữa, cũng biến thành nợ xấu. Có rất nhiều con đường để biến thành thiệt hại cho tài sản nhà nước”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Tp Hồ Chí Minh lại dẫn chứng rất nhiều số liệu và khẳng định các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng, trong 04 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên ông quan ngại các nợ xấu đã cơ cấu sẽ lại tiếp tục biến thành nợ “quá xấu” khi chậm trễ trong việc xử lý. “Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Tp Hồ Chí Minh

Đồng tình với quan điểm của các đại biểu, đại biểu Trịnh Ngọc Thuý – Đoàn Tp Hồ Chí Minh cũng cho rằng nguyên nhân gây ra nợ xấu có phần nguyên nhân rất lớn từ công tác của ngân hàng: “Thẩm định dự án không chính xác đã đành nhưng trong thời gian thế chấp tài sản, ngân hàng cũng không giám sát xem người vay có sử dụng đúng mục đích ko, tài sản đảm bảo cũng bỏ mặc dẫn đến lúc muốn thu hồi thì tài sản đã bị người khác chiếm giữ hoặc mất giá trị, gây khó khăn cho công tác thu hồi, đấu giá”.

Không dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tỷ lệ nợ xấu lên đến 10,08% là không bình thường nên sự ra đời của Nghị quyết xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách. “Nghị quyết này không chỉ áp dụng với ngân hàng VN mà còn cả với các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài vì Hiến pháp quy định không phân biệt các thành phần kinh tế. Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh trăn trở 

Đặt ra nguyên tắc là không sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu là hết sức quan trọng”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn Tp Hồ Chí Minh tỏ ra hết sức tán thành với nguyên tắcnày. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu cần phải nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Bên cạnh đó, bà Tâm cũng lo lắng, tỏ ra băn khoăn về thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” và “Các bên liên quan làm rõ trách nhiệm mua bán nợ xấu theo giá thị trường nghĩa là thế nào? Có đảm bảo theo được giá thị trường không, bán đấu giá có đảm bảo không? Thị trường nào định giá, ai mua, ai bán? Vậy bán giá thấp hơn giá trị ghi sổ thì có được không vì thực  tế có trừơng hợp khai khống giá trị để vay?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn Tp Hồ Chí Minh đề nghị phân loại nợ xấu

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn Tp Hồ Chí Minh đề nghị cần xác định phạm vi và chủng loại nợ xấu. “Nợ xấu có loại hợp pháp: cho vay đúng quy trình nhưng thân chủ thua lỗ, có loại không hợp pháp: trục lợi, nâng giá trị tài sản, mất tiền … Có loại nợ xấu Nghị quyết ra là lập tức được giải quyết, nhưng có loại thì NQ này áp dụng không đủ mà phải dùng nhiều loại luật khác nên phải xác định”. Vì vậy, ông cho rằng Nghị quyết này là tạm thời, ngắn hạn, xác định phạm vi vào thu hồi và xử lý nợ xấu, nên tách riêng việc giải quyết trách nhiệm người gây ra nợ xấu ra khỏi văn bản này và xử lý riêng

Áp dụng thủ tục rút gọn: Nói dễ, làm khó

Về nội dung áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và quyền xử lý tài sản bảo đảm cũng gây nhiều tranh luận.

Theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thời gian giải quyết vụ án dân sự theo trình tự rút gọn sẽ được rút ngắn được khoảng từ 03 tháng đến 07 tháng. Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Ngọc Thuý – Đoàn Tp Hồ Chí Minh thì: “Nợ xấu còn lại là gì, là tài sản vẫn còn nhưng giá trị chả còn bao nhiêu”. Bà Thuý cũng cho biết Toà án chỉ áp dụng thủ tục rút gọn khi tài sản rõ ràng, minh bạch chứ nếu phức tạp thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn (vẫn phải định giá, hoặc đang bị cho thuê, thế chấp bên thứ 3 …) mặc dù biết các Hợp đồng đó là vô hiệu nhưng quá trình giải quyết vẫn rất phức tạp. Có trường hợp có bản án rồi nhưng thi hành án không thể thi hành được. Kinh nghiệm cho thấy những tài sản minh bạch thì đã xử lý xong rồi, số còn lại bây giờ rất xấu , giá trị rất thấp thậm chí không đủ án phí. Ví dụ: Xử lý tài sản vay 1 tỷ, tính chi phí trên mức này nhưng tài sản lúc bán còn không đủ chi phí để trả cho toà, cho thi hành án chứ chưa nói đến trả cho TCTD.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thuý – Đoàn Tp Hồ Chí Minh: Áp dụng thủ tục rút gọn, nói dễ hơn làm

Nhìn chung, thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu tán thành việc ra Nghị quyết về xử lý nợ xấu, tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ tránh chồng chéo các loại luật, tránh bỏ lọt tội phạm. Có ý kiến còn cho rằng Nghị quyết nếu không kín kẽ sẽ lại trở thành “phao cứu sinh” thành thứ cứu cánh cho các TCTD và Ngân hàng thoát hiểm khỏi nợ xấu, thậm chí, nguy cơ một số TCTD chủ động “biến” nợ quá hạn thành nợ xấu là có khả năng xảy ra.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang