Cần phải đưa tất cả những người trong diện được chia tài sản chung vào tham gia tố tụng

06/10/2016 05:00

Theo đó, tác giả Đinh Thu Nhanh đã phân tích như sau: Về yêu cầu của nguyên đơn, trong đơn khởi kiện nêu rõ: “Yêu cầu chia khối di sản của cụ Khả, cụ Bé, cụ Hiên cho 6 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ”. Hàng thừa kế thứ nhất […]

Theo đó, tác giả Đinh Thu Nhanh đã phân tích như sau:

Về yêu cầu của nguyên đơn, trong đơn khởi kiện nêu rõ: “Yêu cầu chia khối di sản của cụ Khả, cụ Bé, cụ Hiên cho 6 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ”.

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (khoản 1, 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất gồm có 8 người: Bà Tấn (chết năm 1940), Bà Giáp (chết năm 1922), Ông Tần (chết năm 1970), Ông Toản (chết năm 1989), Bà Tý (chết năm 1985), Ông Vượng (chết năm 1980), bà Hiền và bà Hòa (chết năm 1992). Hiện chỉ có bà Hiền còn sống.

Nguyên đơn gồm: Bà Trúc và bà Mai, cả hai là con ông Toản, ông Toản là con cụ Khả và cụ Bé, nghĩa là hai bà là cháu nội, hay nói cách khác là hàng thừa kế thứ hai của cụ Khả và cụ Bé.

Mặt khác, vì các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia nên không áp dụng thời hiệu về chia di sản thừa kế trong trường hợp này mà di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế (theo điểm 2.4 Mục I, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình).

Từ phân tích trên cho thấy, đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế song thực chất là yêu cầu chia tài sản chung. Tài sản chung này thuộc về hàng thừa kế thứ nhất. Nếu người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của 03 cụ đã chết thì những người con của hàng thừa kế thứ nhất được hưởng, nếu những người con của người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã chết thì cháu của họ được hưởng… tương tự đến chắt của họ được hưởng (Điều 676, 677 BLDS năm 2005).

Vì khối di sản liên quan đến 8 người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, nên căn cứ đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án hai cấp đã đưa những người con, cháu, chắt còn sống của 03 cụ trong diện được chia tài sản chung vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Anh Trung và anh Thắng là con của ông Toàn (theo thứ tự hưởng thừa kế của 03 cụ thì: ông Tần là hàng thừa kế thứ nhất, ông Tùng là hàng thừa kế thứ hai, ông Toàn là hàng thừa kế thứ ba, và anh Thắng, anh Trung cùng là con của ông Toàn nên hai anh là đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ tư). Hiện ông Tần, ông Tùng và ông Toàn đã mất nên phần di sản ông Tần được hưởng nếu ông Tần còn sống sẽ thuộc về cả hai anh, là đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ tư. Việc Tòa chỉ triệu tập anh Thắng chứ không triệu tập anh Trung dẫn đến xác định kỷ phần đó chỉ thuộc về anh Thắng, điều này xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của anh Trung, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Không thể cho rằng anh Trung có thể khởi kiện bằng một vụ án khác để bảo vệ quyền lợi của mình được, bởi một khi bản án trên được thi hành, di sản đã được chia cho những người đồng sở hữu, thì anh Trung căn cứ vào đâu để khởi kiện, để yêu cầu chia di sản, tài sản chung cho mình? phải chăng là căn cứ vào chính bản án tuyên sai này?

Vì vậy, không thể để bản án được quyết định dựa trên việc triệu tập chưa đầy đủ những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có hiệu lực được, mà cần phải đưa tất cả những người con, cháu, chắt còn sống của 03 cụ trong diện được chia tài sản chung vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét lại việc chia tài sản chung mới đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự./.

Đinh Thu Nhanh
Tòa án quân sự Quân khu 4

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang