15 năm, dư nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng 6,5 lần

21/03/2017 10:18

Kiemsat.vn – Sáng 20.3, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về Dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quang Hiển. Phiên họp đã “nóng” lên bởi hàng loạt ý kiến chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Có nên tính nợ Doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công?

Theo Tờ trình, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) bổ sung 3 chương mới, (Dự thảo Luật gồm 10 chương và 67 điều), quy định về Chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công; quản lý về huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ; quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo khả năng trả nợ công; kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới. Về nội dung của Dự thảo luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, luật hóa nhiều nội dung hiện đang được quy định tại các văn bản dưới luật, các quy định về cơ bản phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực, đến an ninh tài chính quốc gia, Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, một số vấn đề cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh. Về phạm vi sửa đổi, để đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới, Dự án Luật cần bám sát quan điểm, mục tiêu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật nhằm phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý nợ công.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là luật hết sức quan trọng, ngang tầm như Luật ngân sách, Luật đầu tư công và các luật khác và nó cũng là một trong những nhiệm vụ của chúng ta để tập trung giải quyết vấn đề nợ công, vấn đề nợ xấu của nền kinh tế. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi: Qua các kỳ họp Quốc hội, gần đây, một đánh giá vẫn được thống nhất là nợ công tăng nhanh, áp lực với những khoản nợ đến hạn phải trả lớn, nợ Chính phủ vượt trần… Luật này có giải quyết được bất cập của thực trạng? Từ khi có luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay, đáng ra tình trạng nợ công tăng nhanh phải hạn chế được, vậy nguyên nhân có phải do luật “có lỗi” hay do khâu thực thi?

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: “Nếu Ngân hàng nhà nước và DN nhà nước là khu vực công, thì đương nhiên nợ của họ nhà nước phải trả. Như nợ của Vinashin thì ai trả? hay CP phải trả?”

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi

Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng nếu mở rộng thêm nợ của DN nhà nước rất đáng lo, nguy hiểm cao, tạo suy nghĩ có CP lo rồi thì làm bừa làm ẩu, “không khéo làm loạn nền kinh tế”.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn, nếu những khoản nợ vay mà đối tượng không trả được thì Chính phủ vẫn phải gánh, như nợ bảo hiểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản thì có nên đưa vào phạm trù quy định về nợ công? Hiệu quả sử dụng nợ vay của Việt Nam thế nào khi nhiều nước cũng vay nợ rất lớn nhưng không phải lo lắng gì trong khi nguy cơ vỡ nợ với Việt Nam rất lớn, dù tỷ lệ vẫn khống chế trong tỷ lệ 65% GPD?

Dự báo tăng trưởng sai, nợ tăng nhanh là… đương nhiên

Với hàng loạt câu hỏi đặt ra, trước hết về nguyên nhân làm nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tăng trưởng đề ra đến 7,5%/năm, sau khi suy giảm kinh tế dù đã được hạ xuống mức 6-7%/năm nhưng thực tế cả nhiệm kỳ mức tăng trưởng cũng chỉ đạt 5,9%. Trong khi đó, mọi yêu cầu chi như đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư cho hạ tầng giao thông… vẫn tiếp tục tăng lên. Vì vậy, cả giai đoạn vừa qua, nhà nước buộc phải giữ tỷ lên bội chi rất lớn, tới 5,6-5,7%, đó còn chưa tính phần tăng giải ngân vốn vay ODA.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Dự báo tăng trưởng toàn sai, nợ tăng nhanh là… tất nhiên

Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng bằng số liệu cụ thể năm 2016, mục tiêu tăng GDP đặt ra là 6,7% nhưng thực tế chỉ đạt 6,2% (sụt giảm lớn trong khi mọi chỉ tiêu điều hành khác đều “chạy” trên chỉ tiêu cơ bản này). Điều đó có nghĩa, dự toán giá trị thực tế của GDP là tới 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 4,7 triệu tỷ. Số tiền thu thì hụt trong khi các đầu chi quá lớn nên buộc phải vay lớn, nên tỷ lệ nợ tăng nhanh, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là… đương nhiên. Bộ trưởng Tài chính thốt lên: “Mà dự báo thì chẳng đúng gì hết, chỉ tiêu mấy năm qua đưa ra đều trật, mà toàn trật theo hướng đi xuống thôi, làm gì mà nợ chả tăng…”.

Về phần quản lý, điều hành nợ, Bộ trưởng Tài chính xác nhận các ý kiến phân tích là đúng, rõ ràng sự phối hợp giữa các cấp, ngành không ăn ý. Như ODA, ông Dũng phân tích, dự toán thì thấp, giải ngân lại cao trong nhiều năm liền. “Giai đoạn 2013-2014 chúng tôi đến vất vả với khoản này, mà đến tận bây giờ vẫn chưa hết vất vả. Có năm dự toán chỉ 17.000-18.000 tỷ mà thực tế giải ngân lên tới 50.000 – 60.000 tỷ. Làm thế thì đương nhiên nợ công vọt lên cao rồi. Cứ làm như thế, quản lý sao nổi!” – ông Dũng than.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm về các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp mà nhà nước nắm quyền chi phối, các đơn vị sự nghiệp có quyền tự chủ tài chính; Đề nghị lưu ý các khoản nợ của ngân sách nhà nước đối với các định chế tài chính  phải đảm bảo sự hợp lý, công bằng.

Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải có sự tổng kết và rà soát lại, đánh giá tác động để làm sao tránh tình trạng như thời gian vừa qua, chưa nên phê phán bộ nọ, bộ kia nhưng rõ ràng có biểu hiện cắt khúc, không theo hệ thống, đi vay không chỉ là vấn đề trả nợ mà vấn đề hiệu quả vốn vay. Thực tế vừa qua có tình trạng rất nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, vay về mà không phải chỉ vay về đầu tư, nói rằng sẽ trả nợ được mà quan trọng nhất là hiệu quả thế nào? Ai đánh giá hiệu quả đó, cần phải xem xét lại. Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải làm sao thống nhất, hạn chế cắt khúc và cần thiết trong luật phải có một quy trình quy định cụ thể, quy trình từ lúc ký kết, vay thế nào và đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 07 của Trung ương.

Sơn Tùng

Sẽ áp dụng thêm 4 án lệ mới kể từ ngày 01/12/2016

(Kiemsat.vn) - Ngày 17/10/2016, TAND tối cao đã công bố thêm 4 án lệ mới. Trong đó có một án lệ về dân sự, hai án lệ về kinh doanh thương mại và một án lệ về hành chính.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang