03 cách thức để Viện kiểm sát xử lý quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án

10/09/2016 07:23

(kiemsat.vn)
Trong giai đoạn xét xử, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án diễn ra ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa. Viện kiểm sát sẽ giải quyết như thế nào khi nhận được quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án?

Trước đây, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, truy tố là một phần của giai đoạn điều tra nên cách thức Viện kiểm sát giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án đã không được quy định, vì vậy, gây khó khăn cho Viện kiểm sát có trường hợp Viện kiểm sát lại ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, dẫn đến tình trạng vụ án phải trả đi trả lại hồ sơ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Khắc phục hạn chế này, Bộ luật TTHS năm 2015 đã luật hóa một số nội dung mới như trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu xét thấy có thể bổ sung chứng cứ, tài liệu thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp bổ sung mà không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Theo đó, tại Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể khi nhận được quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều tra bổ sung và giải quyết theo 03 cách thức như sau:

Một là, nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ. (Khoản 1 Điều 246)

Hai là, trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. (Khoản 1 Điều 246)

Ba là, nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án. (Khoản 2 Điều 246)

Bên cạnh đó, tại Điều 246 BLTTHS năm 2015 cũng quy định về việc giải quyết của Viện kiểm sát đối với kết quả điều tra bổ sung như sau: “Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết” (đoạn 2 khoản 1 Điều 246).

Những quy định mới trên đây đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tạo sự thuận lợi, linh hoạt và sự chủ động cho Viện kiểm sát trong việc giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án./.
Kiều Trang

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang