Xem xét nguyện vọng của con đương sự trong vụ án ly hôn có xem là thu thập chứng cứ?

24/10/2017 09:49

(kiemsat.vn)
Qua hơn một năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực 01/7/2016). VKSND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh lưu ý, quan tâm chọn những vụ án dân sự - hôn nhân gia đình đưa ra giải quyết, xét xử theo thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm.

Một trong những điều kiện để đưa vụ án dân sự ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải có các điều kiện là: Vụ án có thủ tục đơn giản…không phải thu thập chứng cứ.

Qua thực tiễn kiểm sát xét xử dân sự, hôn nhân gia đình, cho thấy: Quy định hồ sơ có đầy đủ cơ sở, căn cứ để phán quyết, Tòa án không cần thu thập chứng cứ, hay hoạt động đặc thù có được xem là thu thập chứng cứ hay không để từ đó áp dụng thủ tục rút gọn và xem xét và  trường hợp cần phải có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hay không hiện đang gặp vướng mắc, chưa có sự thống nhất, cụ thể:

Vướng mắc khi giải quyết án dân sự theo thủ tục rút gọn

Xem xét nguyện vọng con của đương sự trong vụ kiện ly hôn từ 7 tuổi đến 18 tuổi có được xem là biện pháp thu thập chứng cứ hay không. Xác định được vấn đề này, có phải là thu thập chứng cứ hay không để xem xét áp dụng thủ tục rút gọn hoặc không áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại  điểm a khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Có quan điểm cho rằng xem xét nguyện vọng con từ 7 tuổi đến 18 tuổi là hoạt động thu thập chứng cứ theo  khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm khác lại cho rằng, xem xét nguyện vọng con từ 7 tuổi đến 18 tuổi với mục đích duy nhất là xem nguyện vọng của người con ở độ tuổi nhất định có nguyện vọng sống với ai sau khi cha mẹ ly hôn không phải là hoạt động thu thập chứng cứ theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự, vì đây là hoạt động đặc thù và bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình: Vợ chồng thỏa thuận người trực tiếp nuôi con… nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Giải quyết được vấn đề này, để xem xét việc liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát khi kiểm sát giải quyết án theo thủ tục rút gọn. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS thì Viện kiểm sát  tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ…”

Do đó, từ khâu xác định lấy lời khai con của đương sự trong vụ án ly hôn từ 7 tuổi đến 18 tuổi  có phải là biện pháp thu thập chứng cứ hay không?

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, tức là việc lấy lời khai con của đương sự trong vụ ly hôn (người con từ 7 tuổi đến 18 tuổi) là hoạt động thu thập chứng cứ. Từ đó, xét thấy những vụ án thuộc trường hợp này, không đủ điều kiện để xét chọn theo thủ tục rút gọn và cũng thuộc trường hợp phải có Kiểm sát viên tham gia phiên Tòa. Bởi lẽ, người con của vợ, chồng trong vụ ly hôn (có tranh chấp về nuôi con) được chọn nguyện vọng sống với cha hay mẹ, việc sống với ai, có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến quyền lợi của người con. Vì vậy, người con được xem là người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại  khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc lấy lời khai của người con được xem là hoạt động lấy lời khai của đương sự, là biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 97 và Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặc khác, việc lấy lời khai người con từ 7 tuổi đến 18 tuổi về nguyện vọng sống với ai là cha hoặc mẹ sau khi ly hôn vừa là chứng cứ vừa là căn cứ để giải quyết toàn diện vụ ly hôn (có tranh chấp về việc nuôi con sau khi ly hôn). Bởi lẽ, khi người con trình bày có nguyện vọng phải được sống chung với cha hoặc mẹ sau khi ly hôn là quá dễ dàng cho việc phán quyết. Tuy nhiên, có trường hợp, người con thể hiện tình cảm gắn bó với cha, mẹ ngang nhau, nên qua nhiều lần lấy lời khai đều trình bày rằng, sống với cha hoặc mẹ đều phù hợp. Từ đó, việc phán quyết tuyên bố người con phải sống chung với một trong hai người cha hoặc mẹ phải căn cứ vào việc đánh giá toàn diện điều kiện mọi mặt của người cha hoặc người mẹ có đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt cho người con cao hơn. Do đó, khẳng định quan điểm trong vụ án ly hôn (có tranh chấp về nuôi con), hoạt động lấy lời khai con từ 7 tuổi đến 18 tuổi là hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ và là căn cứ để giải quyết toàn diện vụ án. Như vậy, đối với những vụ án này không đủ điều kiện để áp dụng thủ thụ rút gọn và là trường hợp phải có Kiểm sát viên tham gia phiên Tòa.

Ngô Văn Lập

VKSND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Bài viết có liên quan >>>

Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự

Khi nào thì hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự?

Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay

(Kiemsat.vn) – Nền kinh tế thị trường đã có sự tác động đến hoạt động vay vốn, cho vay vốn; đặc biệt hợp đồng vay đã có những biến tướng phức tạp gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp.

Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất

(Kiemsat.vn) – Có thể nói, hầu hết các vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều phải xử đi, xử lại nhiều lần, với nhiều phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm...; vậy khi kiểm sát, KSV cần chú trọng vấn đề gì?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang