Xác định các chủ thể và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu (tiếp theo)

07/11/2017 10:12

(kiemsat.vn)
Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015, di sản hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của một trong ba đối tượng là người thừa kế đang quản lý di sản; người đang chiếm hữu di sản hoặc nhà nước. Bài viết sau đây, chúng tôi đề cập đến đối tượng là người đang chiếm hữu di sản hoặc nhà nước.

2. Chủ thể là người đang chiếm hữu di sản

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chiếm hữu không bao hàm quản lý, hay nói một cách chính xác trong khái niệm chiếm hữu tại Điều 179 không có thuật ngữ “quản lý”, nhưng bên cạnh việc quy định “chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ” thì còn có khả năng “chi phối” tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Phải chăng nội hàm thuật ngữ chiếm hữu trong BLDS năm 2015 dù không dùng thuật ngữ “quản lý” song vẫn thừa nhận cả hoạt động quản lý tài sản, hay là phải hiểu theo hướng có điểm hẹp hơn (hay rộng hơn) so với nội hàm thuật ngữ quản lý? Tác giả thấy khó chỉ rõ trong trường hợp này và chắc chắn nhiều người có cùng suy nghĩ, nên rất cần sự giải thích, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Có lẽ không nên đồng nhất nội dung hai thuật ngữ “quản lý” và “chiếm hữu” đã được sử dụng trong khoản 1 Điều 623; song cũng không thể giải thích chiếm hữu chỉ là trực tiếp nắm giữ tài sản, dù không trực tiếp nắm giữ nhưng chủ thể vẫn chi phối được tài sản đó thì vẫn công nhận chủ thể đó là người “đang chiếm hữu” di sản. Nhưng thế nào là chi phối? Nói khác đi chi phối có nội hàm như thế nào cũng là thuật ngữ phải được cơ quan có thẩm quyền giải thích cụ thể, giúp cho việc nhận thức các quy định của luật được đầy đủ, sâu sắc khi đó mới có khả năng áp dụng pháp luật được chính xác.

Theo tác giả “chi phối” đưa đến một cảm thức sinh động, là khả năng tác động của chủ thể tới di sản ngay cả khi di sản rời khỏi sự chiếm hữu thực tế của chủ thể. Khi chủ thể không trực tiếp chiếm hữu di sản nhưng vẫn có quyền tác động đến di sản theo ý chí của mình, di sản vẫn thuộc quyền điều tiết của chủ thể thì vẫn công nhận tính liên tục chiếm hữu của chủ thể. Ví dụ “người đang chiếm hữu di sản” gửi người khác trông coi, bảo quản di sản đó cho mình, hoặc cho người khác mượn di sản mình đang chiếm hữu, cho người khác thuê di sản thì thời gian người trông giữ, người mượn, người thuê tài sản là di sản, dù có chiếm hữu thực tế di sản thì vẫn xác định tính liên tục về thời gian chiếm hữu cho chủ thể gửi hoặc cho người đã cho người khác mượn, cho người khác thuê tài sản là di sản đó.

Điều kiện để chủ thể đang chiếm hữu di sản được hưởng di sản hết thời hiệu:

Thứ nhất, điều kiện về ý thức khi thực hiện việc chiếm hữu (chủ quan): Phải chiếm hữu ngay tình, công khai. Chiếm hữu ngay tình tại Điều 180 quy định: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

Quy định trên có thể hiểu việc xác định là ngay tình hoàn toàn do ý thức chủ quan của chủ thể chiếm hữu quyết định. Vì “có căn cứ để tin” không phải là căn cứ khách quan, mà là “căn cứ” theo cách nghĩ “tin” của người chiếm hữu. Ví dụ một người do tham lam lợi dụng người hàng xóm gặp khó khăn phải đi làm ăn xa, đã di dời mốc rất tinh vi để lấn chiếm đất của nhà bên cạnh. Nay người chiếm hữu viện dẫn căn cứ thời điểm chiếm hữu không ai ngăn cản, thời gian chiếm hữu suốt 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản không ai tranh chấp với mình để cho rằng chủ thể tin là mình có quyền chiếm hữu tài sản đó, mình chiếm hữu ngay tình. Vậy mọi chủ thể khác cũng phải tôn trọng, theo niềm tin của người chiếm hữu trong đó có cả Tòa án cũng phải xác định là chiếm hữu ngay tình? Theo tác giả quy định tại Điều 180 là không hợp lý, do không thể hiện mối liên hệ khách quan trong ý thức chủ quan của người chiếm hữu, mới đơn thuần theo tư duy chủ quan, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của người chiếm hữu.

Có thể sẽ rõ hơn khi quy định: Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu không biết hoặc không thể biết là mình không có quyền đối với tài sản mà mình đang chiếm hữu. Không biết là chủ quan nhưng chính những tình tiết khách quan diễn ra khi họ có được tài sản, chiếm hữu tài sản làm cho họ không biết là mình đã và sẽ không có quyền đối với tài sản mà mình chiếm hữu, dẫn đến người chiếm hữu nhầm tưởng mình có quyền chiếm hữu hợp pháp như giao nhầm, giao thừa tài sản mà trong một hoàn cảnh cụ thể người nhận không biết là mình đã nhận nhầm, nhận thừa. Không thể biết là pháp luật cũng thừa nhận chủ thể có thể không biết được. Trong thực tế chúng ta có thể gặp những tình huống cụ thể nào đó, và với tình huống ấy thì ai cũng có thể không biết là mình đã và sẽ không có quyền đối với tài sản mình đang chiếm hữu. Nếu quy định theo hướng trên, giữa ý thức chủ quan của người chiếm hữu đã hàm chứa tính khách quan, phản ánh tính khách quan trong đó.

Ví dụ: Người chiếm hữu có được tài sản thông qua việc mua bán bình thường, thể hiện việc mua bán công khai, giá cả theo giá thị trường, bên bán có giấy tờ bằng mắt thường không thể phân biệt được thật, giả hoặc được chính cơ quan có thẩm quyền cấp, dù sau này qua giám định, qua tài liệu thu thập được mới biết là giấy tờ giả, do mua chuộc, hối lộ cho người trong cơ quan có thẩm quyền cấp… hoặc do sai lầm của cơ quan có thẩm quyền khi đo đạc cấp giấy chứng nhận đã đo lấn vào đất của người khác nên người chiếm hữu không thể biết được mình không có quyền chiếm hữu đối với phần đất lấn chiếm đó…

Với phân tích trên sẽ có ý kiến cho rằng tác giả đã nhầm lẫn, chưa tách bạch giữa ý thức chủ quan của người chiếm hữu mà nhà làm luật nhắm tới trong quy định, với sự nhìn nhận, đánh giá của người ngoài cuộc về sự chiếm hữu ấy nên đã không hiểu hết ý đồ của nhà làm luật khi quy định Điều 180. Tác giả thấy đó là hai vấn đề khác nhau nhưng không hoàn toàn biệt lập, việc bình luận theo cách trên cũng là một phương pháp nhằm làm nổi bật vấn đề chưa hợp lý.

Dù có thể có ý kiến khác nhau trong “cách” quy định của Điều 180, nhưng điều luật này đang có hiệu lực, sẽ được áp dụng trong cuộc sống, việc áp dụng phải bảo đảm công bằng, hợp lý. Do đó, không thể chỉ dựa vào Điều 180 để xác định người đang chiếm hữu tin mình chiếm hữu ngay tình là được công nhận chiếm hữu ngay tình, mà phải xem xét trong mối quan hệ với Điều 181 quy định về chiếm hữu không ngay tình để có thể giúp ta hiểu rõ hơn chiếm hữu thế nào là chiếm hữu ngay tình.

Nếu người chiếm hữu biết mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu thì người chiếm hữu không thể viện ra bất cứ căn cứ nào để bảo rằng mình tin là mình chiếm hữu ngay tình; nếu có viện dẫn ra cũng không được công nhận. Việc chiếm hữu một tài sản không phải của mình mà người chiếm hữu không biết mình không có quyền đối với tài sản đó thì trong một số trường hợp cụ thể luật buộc người chiếm hữu phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản mà mình đang chiếm hữu. Ví dụ đối với tài sản có giấy chứng nhận quyền sở hữu như xe máy, xe ô tô… khi mua người bán không cung cấp được đầy đủ giấy tờ nhưng do tin người mua là bạn đã dùng một thời gian mới bán cho mình, không biết là xe gian nên vẫn mua, sau này xác định xe đó chủ xe bị mất trong vụ cướp. Đây là trường hợp pháp luật buộc người mua phải biết là chiếm hữu không ngay tình, dù khi mua về ý thức người mua là ngay tình, chủ quan, đơn giản không kiểm tra kỹ, không biết nên mới mua; việc xác định người chiếm hữu biết hoặc buộc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản mình đang chiếm hữu rất có ý nghĩa trong thực tiễn.

Để xác định một người chiếm hữu tài sản ngay tình hay không ngay tình còn phải xem họ chiếm hữu công khai hay không công khai.

Điều 183 đã quy định các tiêu chí về chiếm hữu ngay tình và không ngay tình tình:

“1. Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

2. Việc chiếm hữu không công khai không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu được quy định tại Điều 184 của Bộ luật này.”

Như vậy, muốn xác định một người chiếm hữu tài sản ngay tình hay không ngay tình chỉ còn phải xem xét cách thức mà người đó thể hiện trong quá trình chiếm hữu, chiếm hữu có công khai hay không? cách thức mà người đang chiếm hữu thể hiện ra bên ngoài chính là ý thức chủ quan của người chiếm hữu thể hiện việc chiếm hữu của mình ra thế giới khách quan.

Khi giải quyết loại tranh chấp này, Tòa án phải thu thập những những tài liệu, chứng cứ mà người chiếm hữu tài sản đã thể hiện ý thức chủ quan của mình ra thế giới khách quan. Qua các tài liệu đó, Tòa án mới “đọc” được, mới biết được ý thức chủ quan của người chiếm hữu là ngay tình hay không ngay tình, chứ không phải chỉ căn cứ vào niềm tin của người chiếm hữu. Khi một người thực hiện việc chiếm hữu một cách minh bạch, không che giấu, không có dấu hiệu nào mờ ám, khả nghi; khai thác tài sản do mình đang chiếm hữu bình thường đúng với tính năng, công dụng của tài sản thì có thể công nhận là chiếm hữu công khai.

Thứ hai, điều kiện về thời gian chiếm hữu (khách quan): Đối với động sản phải chiếm hữu liên tục 10 năm, kể từ ngày mở thừa kế; đối với bất động sản chiếm hữu liên tục 30 năm, kể từ ngày mở thừa kế.

Một trong những điều kiện quan trọng để công nhận cho người chiếm hữu được hưởng di sản thừa kế là họ phải chiếm hữu di sản đó liên tục. Điều 182 BLDS đã quy định về chiếm hữu liên tục:

“Là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu”.

Như vậy, một trong những điều kiện để công nhận chiếm hữu liên tục là: Trong suốt quá trình chiếm hữu (từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu cho đến thời điểm phát sinh quyền hưởng di sản theo thời hiệu) không có lúc nào việc chiếm hữu bị dừng lại, bị gián đoạn, bị đứt quãng; không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng bản án quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Hiểu chiếm hữu không chỉ với nghĩa là trực tiếp nắm giữ tài sản, mà cả quyền năng chi phối đối với tài sản mình đang chiếm hữu; điều đó có nghĩa là ngay cả khi tài sản đó người chiếm hữu không trực tiếp nắm giữ mà giao cho người khác nắm giữ thông qua một giao dịch (giữ hộ, giữ thuê…), thì dù di sản rời khỏi người chiếm hữu nhưng quyền năng của chủ thể có quyền đối với di sản không thay đổi. Do đó, thời gian người khác nắm giữ tài sản thông qua giao dịch như ví dụ trên vẫn được tính là thời gian chiếm hữu liên tục của người chiếm hữu.

Khoản 1 Điều 182 quy định trong thời gian chiếm hữu phải không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó, chứ không phải là bất kể tranh chấp nào cũng đều ảnh hưởng đến tính liên tục. Do đó, cần phải làm rõ tính chất của tranh chấp, nhằm giúp phân biệt tranh chấp nào sẽ ảnh hưởng đến tính liên tục, tranh chấp nào không ảnh hưởng đến tính liên tục.

Tranh chấp về quyền đối với tài sản phải được giải thích đó là tranh chấp giữa các bên về quyền năng của người chủ tài sản; ví dụ người giữ hộ cho rằng tài sản mà mình giữ hộ là tài sản của mình do bị mất trộm, do bỏ quên nên không đồng ý giao trả cho người gửi. Trong trường hợp này được xác định là có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó, nếu có phán quyết của tòa án công nhận tài sản mà người nhận giữ hộ chính là tài sản của người giữ hộ bị mất trộm, phán quyết này có hiệu lực pháp luật sẽ làm chấm dứt tính liên tục của người chiếm hữu, như quy định của điều luật.

Trường hợp có tranh chấp trong phạm vi của quan hệ giữ hộ, giữ thuê như người giữ hộ làm hư hỏng dẫn đến tranh chấp đòi bồi thường, hoặc tranh chấp về giá cả giữ thuê, tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại trong quan hệ giữ thuê, vẫn không bị coi là có tranh chấp theo nghĩa tranh chấp mà Điều 182 quy định. Tranh chấp trong phạm vi của giao dịch không phải là tranh chấp về quyền đối với tài sản.

Đến đây có thể kết luận, chỉ khi nào chủ thể đang chiếm hữu di sản thỏa mãn đầy đủ điều kiện chủ quan, khách quan như phân tích trên thì mới được hưởng di sản thừa kế hết thời hiệu.

3. Chủ thể có thể được hưởng di sản hết thời hiệu là Nhà nước.

Điều kiện để Nhà nước được hưởng di sản hết thời hiệu là:

– Không có người thừa kế quản lý di sản.

– Không có người chiếm hữu di sản ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản vào thời điểm hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.

Mỗi trường hợp được hưởng di sản theo thời hiệu sẽ có các tình tiết khác nhau, chủ thể trong quan hệ pháp luật đó cũng không giống nhau, nhưng mỗi loại chủ thể hưởng quyền dân sự theo thời hiệu đều có những điểm chung về điều kiện hưởng di sản theo thời hiệu, khi thỏa mãn các điều kiện đó thì chủ thể mới được công nhận có quyền hưởng di sản theo thời hiệu./.

(1) Từ điển luật học do Bộ Tư pháp, Nhà xuất bản tư pháp phối hợp với Nhà xuất bản từ điển bách khoa tr 633, 634; tr136.

(2) Xem Điều 182 BLDS năm 2005.

(Trích bài “Xác định các chủ thể hưởng di sản theo thời hiệu và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu” của tác giả Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 02/2017).

Xem lại bài 1>>>

Xác định các chủ thể và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu (Bài 1)

Bài viết có liên quan >>>

Nữ vẫn là chủ thể của tội hiếp dâm theo BLHS năm 2015

Quy định rõ hơn các chủ thể có quyền nhận xét về kết luận giám định tại phiên tòa

Di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì giải quyết thế nào?

Con bị đánh thương tích: Bố yêu cầu khởi tố, mẹ có rút yêu cầu khởi tố được không?

Cháu tôi là N.V.B đánh bạn là P.T.H gây thương tích với tỉ lệ thương tật là 25% (cả hai cháu đều 17 tuổi). Chỉ có bố của H yêu cầu khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với B về tội cố ý gây thương tích. Viện kiểm sát ra quyết định truy tố B theo khoản 1 điều 104 BLTTHS 2003. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì mẹ H đã làm đơn yêu cầu Tòa không đưa B ra xét xử. Như vậy, vụ án này có bị đình chỉ không hay chỉ bị đình chỉ khi bố của H làm đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án?

Có thể tặng cho đất và nhà đang thế chấp ngân hàng?

Bố tôi có một mảnh đất gắn liền với một ngôi nhà có giá trị 5 tỷ đồng và đã được cấp sổ đỏ. Cách đây 6 tháng, bố tôi đã thế chấp căn nhà này cho ngân hàng để vay 1 tỷ nhưng hiện giờ vẫn chưa trả được nợ. Vậy, bây giờ bố tôi có thể làm thủ tục tặng cho tôi ngôi nhà này được không?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang