Vụ cô giáo bị buộc quỳ: Nhìn dưới góc độ pháp lý

09/03/2018 08:52

(kiemsat.vn)
Có nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của phụ huynh gây áp lực buộc cô giáo quỳ gối cần bị xử lý về tội Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ảnh minh họa (theo Vnexpress)

Ông bà xưa có câu: “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay: “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” để nói lên sự tôn sư trọng đạo và vai trò của người thầy trong xã hội xưa. Thời trước, theo ký ức của nhiều thế hệ, việc bị thầy cô phạt bằng cách bắt quỳ, đánh bằng roi… là chuyện bình thường và cũng không gặp phải sự phản ứng nào từ phụ huynh, bởi vì, phụ huynh khi giao con cho thầy dạy dỗ thì đã tin tưởng hoàn toàn, tuyệt đối vào tâm đức của người thầy và con cái có hư hỏng thì thầy mới răn đe, giáo dục.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, khi điều kiện kinh tế, xã hội đã có những bước phát triển và hội nhập; khi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em đã hoàn thiện và được thực thi thì quan niệm trên đã không còn phù hợp. Hình thức roi vọt hay hạ nhục học sinh tuyệt đối không được sử dụng, chứ không phải nên hay không nên.

Dưới góc độ pháp luật, tại Điều 39 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”; khoản 1, Điều 20 Hiến pháp cũng ghi nhận: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Tại Điều 2 của Luật Giáo dục cũng nêu lên mục tiêu giáo dục là: “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” , đồng thời ở mỗi bậc học đều có quy định yêu cầu về nội dung phương pháp cụ thể. Bên cạnh đó, luật giáo dục cũng nêu rõ nhiệm vụ của người học là phải: “Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước” (khoản 2 Điều 85 Luật giáo dục); đối với gia đình thì: “Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ của con em; người lớn tuổi có trách nhiệm giáo dục, làm gương cho con em, cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”. (khoản 2 Điều 94 Luật giáo dục).

Những quy định trên nhằm đảm bảo cho các cháu học sinh được học tập trong một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, không có tình trạng bạo lực học đường cũng như các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, có điều kiện để phát triển một cách toàn diện về cả đạo đức nhân cách và tri thức để trở thành công dân tốt cho xã hội.

Đối với việc cô giáo phạt học sinh quỳ trong giờ học, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện nay cũng như các văn bản của Bộ giáo dục là không phù hợp vì có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần của học và hành vi này không mang tính nhân văn.

Đối với hành động ứng xử của phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ trước mặt nhiều người trong thời gian 40 phút đã vượt giới hạn quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh được quy định trong Luật giáo dục.

Có nhiều quan điểm cho rằng, hành vi này cần bị xử lý về tội Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, để có thể khẳng định hành vi trên có cấu thành tội Làm nhục người khác hay không cần xem xét các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật hình sự đối với tội làm nhục người khác thì mức độ của hành vi xúc phạm danh dự, nhâm phẩm người khác phải là nghiêm trọng. Việc xác định mức độ như thế nào là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác không phải chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại mà phải căn cứ vào các yếu tố khác như trình độ nhận thức, mối quan hệ xã hội, phong tục tập quán, dư luận xã hội… để xác định hành vi đó có phải là hành vi phạm tội làm nhục người khác hay chưa.

Thứ hai, trong tình huống này, cô giáo hoàn toàn có quyền lựa chọn để đưa ra cách ứng xử khác là không quỳ. Tuy nhiên cô giáo đã quỳ, và chính cô thừa nhận trong bản tường trình là "do suy nghĩ non nớt của bản thân là làm để mọi việc giải quyết cho xong".

Về phía phụ huynh, mặc dù có lời nói để thúc ép cô giáo quỳ nhưng không có nghĩa là bằng mọi cách ép buộc cô giáo phải quỳ. Trong tường trình của cô giáo cũng cho biết phụ huynh đã xin lỗi sau khi sự việc xảy ra.

Như vậy, nếu đối chiếu theo quy định của luật thì hành vi của phụ huynh học sinh đối với cô giáo trong sự việc này chưa cấu thành tội Làm nhục người khác. Tuy nhiên, đây là hành vi không nên vì nó làm phai nhạt truyền thống “tôn sư trọng đạo”, gây búc xức trong dư luận và ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh. Do đó, để không còn tình trạng này xảy ra, cần thiết phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc một bộ chuẩn quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục.

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang