Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác (kỳ 3) - Đền tội

17/02/2018 08:42

(kiemsat.vn)
Kiểm sát viên nào chuẩn bị kỹ cả về nội dung cũng như kỹ năng, phương pháp trình bày bản cáo trạng và phát biểu luận tội thì chắc chắn Kiểm sát viên đó sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại phiên tòa xét xử hình sự.

Để thực hành quyền công tố tại phiên toà được tốt, theo chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, chúng tôi phải tiến hành nhiều công việc. Hồi ấy không có phương tiện máy móc như bây giờ nên chúng tôi phải ngồi trích các bản cung của 21 bị cáo, trích các biên bản thu giữ tang vật… với tư cách là các chứng cứ buộc tội để đồng chí Trần Tề sử dụng tại phiên toà. Ví dụ: khi ghi lời khai của bị can Mai Văn Hạnh, chúng tôi ghi: Mai Văn Hạnh xâm nhập từ Thái Lan qua Việt Nam thì bị bắt tại Minh Hải. Lần thứ nhất vào tháng 3 - 1982, Mai Văn Hạnh xâm nhập vào Việt Nam bằng tàu và chở vũ khí; lần hai vào tháng 6 – 1982,  xâm nhập vào Việt Nam bằng tàu, chở tiền Việt Nam giả!…

Theo yêu cầu của cấp trên, tại phiên toà, đồng chí Trần Tề sẽ đọc bản cáo trạng và bản luận tội. Đây là lần thứ hai, một Phó Viện trưởng VKSND tối cao tham gia phiên tòa xét xử vụ án. Trước đây, đồng chí Phó Viện trưởng Trần Hiệu đã ngồi ghế công tố xét xử vụ án Trương Việt Hùng phạm tội giết vợ như phần trên đã đề cập. Để chuẩn bị xét xử được tốt, đồng chí Trần Tề yêu cầu chúng tôi ngồi nghe đồng chí ấy đọc bản cáo trạng và trình bày bản luận tội rồi góp ý xem có chỗ nào được, chỗ nào chưa được... Phải công nhận đồng chí Trần Tề có chất giọng miền Trung rất ấm áp, rõ ràng. Tuy lúc đầu đồng chí đọc chưa lưu loát mấy nhưng sau khi được anh em góp ý từ cách dứt câu nghĩ đoạn, chỗ cần nhấn mạnh, chỗ cần hạ giọng, cùng cách biểu lộ tình cảm anh Trần Tề diễn đạt hay hẳn lên. Với việc chuẩn bị kỹ thế này, chúng tôi rất tin về cách trình bày bản cáo trạng và luận tội của đồng chí Trần Tề khi thực hành quyền công tố tại phiên toà đặc biệt này. Từ kinh nghiệm của vụ án này, về sau, khi được bổ nhiệm lên các chức vụ cao hơn, tôi đều lưu ý các cán bộ của mình phải chuẩn bị thật tốt khi ra phiên tòa tham gia xét xử. Kiểm sát viên nào chuẩn bị kỹ cả về nội dung cũng như kỹ năng, phương pháp trình bày bản cáo trạng và phát biểu luận tội thì chắc chắn Kiểm sát viên đó sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại phiên tòa xét xử hình sự.

Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh sưu tầm: K.Hà  (nguồn trang Đại biểu nhân dân của Quốc hội)

Trong các ngày 14, 15, 16, 17, 18 tháng 12 năm1984, tại nhà hát Hoà Bình, TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên toà sơ thẩm đồng thời chung thẩm về hình sự đối với các bị cáo Mai Văn Hạnh và 20 bị cáo khác về tội Phản quốcGián điệp nhằm lật đổ chính quyền theo các Điều 3 và Điều 5 điểm a, Điều 18 điểm 1 và 2, Điều 19 điểm 3, 5, 6, 7, 8 Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng theo Lệnh số 117/LCT của Chủ tịch Nước. Chủ tọa phiên toà là ông Huỳnh Việt Thắng, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán là ông Đào Duy Khánh, Uỷ viên Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hội thẩm nhân dân gồm: bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Trần Chí Đáo, Phó TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; ông Trương Minh Nhật, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố trước Tòa là ông Trần Tề, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; ông Phạm Phổ, Kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao.

Thư ký phiên tòa gồm: Bà Nguyễn Thị Thanh Phương và ông Huỳnh Lập Thành là các cán bộ nghiên cứu của Tòa án nhân dân tối cao.

Luật sư có: Ông Triệu Quốc Mạnh và bà Đoàn Mộng Thu.

Giám định viên, gồm 7 vị. Thủ tục phiên tòa được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Kết thúc phần thủ tục, Chủ tọa phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn, đề nghị các bị cáo đứng dậy. Ông trịnh trọng đề nghị đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố trước Tòa đọc cáo trạng.

Đồng chí Trần Tề đứng lên. Vóc dáng cao to, khuôn mặt quắc thước, trán rộng, mắt sâu nom cứ hao hao giống Hải Thượng Lãn Ông. Khán trường lặng im phăng phắc. Chỉ có tiếng của công tố viên Trần Tề trầm bổng, rành rọt, mạch lạc vang vang:

Trong những năm 1979-1980, cơ quan An ninh Việt Nam đã phát hiện một tổ chức gián điệp được xây dựng trên lãnh thổ nước ngoài tiến hành các hoạt động xâm nhập, phá hoại nhằm lật đổ chế độ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Liên tục trong các năm 1981 đến năm 1984, dựa vào nhân dân trên các tuyến biên giới, bờ biển thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Minh Hải, lực lượng An ninh đã đánh bắt gọn nhiều toán gián điệp, xâm nhập, thu nhiều tang vật. Qua điều tra đã tập trung đầy đủ chứng cứ phạm tội của 1 tổ chức “gián điệp do  tình báo nước ngoài tổ chức xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam tiến hành phá hoại và hoạt động vũ trang nhằm lật đổ các chế độ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như sau:

Trước ngày miền Nam được giải phóng, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh là 2 sĩ quan không quân nguỵ cũ lúc ấy đang lưu vong tại Pháp, tay chân thân cận của Trần Văn Hữu (nguyên Thủ tướng ngụy cũ) lợi dụng thời cơ Nguyễn Văn Thiệu đang bị thất bại cả về quân sự; chính trị, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh được Trần Văn Hữu cử về Sài Gòn vào tháng 3, tháng 4 năm 1975 để vận động Nguyễn Văn Thiệu cải tổ Chánh phủ kêu gọi Trần Văn Hữu về Sài Gòn tham chính, thay đổi bộ mặt nguỵ quyền, lợi dụng chiêu bài hoà hợp dân tộc để có điều kiện thương lượng với cách mạng hòng cứu ngụy quyền Sài Gòn.

Âm mưu của chúng bị thất bại, do cuộc tiến công thần tốc và nổi dậy của Quân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngoài thời gian ước định của chúng. Mặc dù vậy, Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh vẫn tranh thủ thời gian nằm lại Sài Gòn để tìm gặp các tên phản động có hận thù đối với cách mạng như: Hồ Tấn Khoa (Bảo đạo Cao Đài), Lương Trọng Tường (Hội trưởng Trung ương Phật giáo Hoà Hảo), Lê Chơn Tình (Trung tá Tỉnh đoàn trưởng Bảo An Hoà Hảo), Huỳnh Vĩnh Sanh (Đại uý ngoại hạng quan thuế), Lê Quốc Quân (Sĩ quan ngụy, em ruột của Lê Quốc Tuý), bàn bạc kế hoạch phản lại Tổ quốc, chống lại chế độ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau khi trở lại Pháp, ngày 17/2/1976 Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đã tổ chức cuộc họp báo tại Paris có Trần Văn Hữu và một số tên Việt gian lưu vong khác. Tại đây, Lê Quốc Tuý đã dùng thủ đoạn bịp bợm che giấu bản chất phản bội Tổ quốc bằng cách dựng đứng câu chuyện lừa mị là, chúng đã thành lập được một tổ chức mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam”. Đây là một thủ đoạn nhằm để tập hợp số việt gian trong và ngoài nước và cũng dùng làm chiêu bài để tìm “chủ mới”, chứ thực lực của chúng chưa có gì.

Từ năm 1977, Lại Hữu Sang và Lê Quốc Tuý đã móc nối, bàn bạc với một số phần tử thù địch nước ngoài để bàn kế hoạch tuyển mộ, lập căn cứ huấn luyện gián điệp, kế hoạch tiếp nhận vũ khí của nước ngoài, kế hoạch xâm nhập gián điệp, vũ khí và các phương tiện hoạt động khác từ nước ngoài vào Việt Nam; bàn về việc phối hợp kỹ thuật để nhận tiền giả Việt Nam từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bọn Lê Quốc Tuý đã lập một trung tâm chỉ đạo mà chúng gọi là “Tổng hành dinh” làm nơi tiếp xúc quan hệ với tình báo nước ngoài. Đồng thời bọn Lê Quốc Tuý đã lập căn cứ huấn luyện gọi là “Mật cứ Tự Thắng” đặt ở nước ngoài . Tại đây chúng đã huấn luyện nhiều khoá về tình báo; thông tin, quân sự cho gần 200 tên. Được tình báo nước ngoài chỉ đạo và cung cấp vũ khí, tiền bạc, bọn Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh đã tiến hành nhiều tội ác đối với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, như:

Tổ chức 10 chuyến đưa gián điệp xâm nhập. Một chuyến đi đường bộ đã xuất phát tại nước ngoài lén lút qua đất CPC ngày 8/1/1981 xâm nhập vào tỉnh An Giang, Kiên Giang. Suốt trong những năm 1981, 1982, 1983 chúng đã tổ chức 9 chuyến bằng đường biển từ nước ngoài, có tình báo hộ tống xâm nhập vào vùng biển Minh Hải.

Các toán xâm nhập này sau khi đã vào nội địa đều bị nhân dân ta phát hiện, các lực lượng an ninh ta kịp thời chặn đánh, vừa diệt và bắt sống 119 tên, thu nhiều tang vật.

  Lực lượng an ninh ta bắt giữ một số lớn vũ khí, đạn dược và nhiều phương tiện, dụng cụ khác, gồm có: Hai tàu đi biển (B2-B3) dùng chở gián điệp và vũ khí xâm nhập, thu nhiều sổ hải hành, hải đồ ghi hành trình trên biển từ nước ngoài vào Việt Nam. Vũ khí, đạn dược các loại: 2.000 khẩu súng gồm các loại: DKZ, B40, đại liên, trung liên, tiểu liên, súng ngắn; 867.186 đạn đại, trung, tiểu liên; 20.800 lựu đạn; 10.878 đạn B40; 21 đạn DKZ; 1.000 kg thuốc nổ TNT và C4.. Thu 9 máy thông tin vô tuyến điện.

2. Hoạt động đầy tội ác của bọn Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh là để thực hiện âm mưu tiến hành kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt hòng phá hoại sự lớn mạnh của Việt Nam mà chúng coi là một chướng ngại trong việc thực hiện chính sách xâm lược Việt Nam. Bọn phản động nước ngoài không tiếc tiền của, công sức, thậm chí liều lĩnh bất chấp cả dư luận thế giới, cung cấp đầy đủ điều kiện vật chất, cổ vũ tinh thần, chỉ đạo chiến lược hoạt động cho bọn Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh.

Những âm mưu và hành động của bọn gián điệp do nước ngoài tổ chức xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam tiến hành phá hoại và hoạt động vũ trang nhằm lật đổ chế độ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bị nhân dân và các cơ quan có chức trách của chính quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hiện kịp thời, bắt gọn. Chúng ta đã vừa tiêu diệt và bắt giữ 119 tên xâm nhập, thu toàn bộ vũ khí đạn dược và các phương tiện hoạt động gián điệp khác của bọn Lê Quốc Tuý, đã bắt giữ bọn cầm đầu các nhen nhóm phản động trong nước có liên quan bảo vệ an ninh Tổ quốc, an toàn cho đời sống của nhân dân.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa vụ án gián điệp do nước ngoài tổ chức xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam tiến hành phá hoại và hoạt động vũ trang lật đổ chế độ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những tên cầm đầu trong vụ án này ra trước Toà và trước đại biểu các tầng lớp đồng bào trước công luận trong nước và ngoài nước để xét xử.

Về vai trò trách nhiệm hình sự của các bị can…

Đồng trí Trần Tề lần lượt đọc hành vi phạm tội phản quốc của các bị cáo còn lại. Sau khi đọc hết tên cuối cùng, giọng ông đanh thép hẳn lên: Vì các lẽ trên: Quyết định truy tố các bị can trên đây ra trước Toà án nhân dân tối cao để xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm về tội: Phản quốc và gián điệp nhằm lật đổ chính quyền, theo các Điều 3 và Điều 5 điểm a, Điều 18, điểm 1 và 2, Điều 19 điểm 3, 5, 6, 7, 8 Pháp lệnh trừng trị các tội ác phản cách mạng, công bố ngày 10 tháng 11 năm 1967 theo Lệnh số 117/LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Sau khi Phó Viện trưởng Trần Tề công bố bản cáo trạng, Hội đồng xét xử bắt đầu phần thẩm vấn, tranh luận giữa Kiểm sát viên và các bị cáo cũng như luật sư. Chứng cứ rành rành biết không thể chối cãi được, trong các lời bào chữa của bị cáo và luật sư chủ yếu tỏ ra ăn năn, hối lỗi và xin Hội đồng xét xử cho giảm nhẹ hình phạt.

Sau năm ngày làm việc liên tục, ngày 18-12-1984 Hội đồng xét xử  đã tuyên án. Bản án quyết định: Bị cáo Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân tức Lộc, tức Quang, Huỳnh Vĩnh Sanh tức Tư Sanh, Hồ Thái Bạch, Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ tức Hoàng Đình Tường, Nhan Văn Lộc, Thạch Sanh tức Sơn Roda, Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Trạch, Nguyễn Phi Long tức Ngô Văn Triều tức Huỳnh Thanh Trà, Trần Ngọc Ẩn tức Trần Bình, Lý Vinh tức Trần Ngọc Thanh, Cái Văn Hùng tức Nguyễn Thanh Phương, Trần Văn Phượng tức Nở, Đặng Bá Lộc tức Đặng Hoài Phong, Thái Văn Đủ tức Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Hậu tức Hậu Giang và Nguyễn Văn Cẩm tức nguyễn Văn Cường đều phạm hai tội: phản quốc và gián điệp.

Bản án  sơ thẩm đồng thời chung thẩm đã quyết định: Tử hình đối với các bị cáo Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Thái Bạch. Phạt tù chung thân đối với các bị cáo: Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn và Hoàng Đình Mỹ.

Phạt 20 năm tù đối với các bị cáo: Nhan Văn Lộc, Thạch Sanh và Nguyễn Bình. Phạt 16 năm tù đối với Nguyễn văn Trạch. Phạt 15 năm đối với bị cáo Trần Ngọc Ẩn và Nguyễn Phi Long. Phạt 14 năm tù đối với bị cáo Lý Vinh, Cái Văn Hùng và Trần Văn Phương. Phạt 12 năm đối với bị cáo Đặng Bá Lộc.

Vụ án khép lại, những kẻ phá hoại nền hòa bình an ninh của Đất nước sau chiến tranh đã phải cúi đầu nhận tội. Đây là thành công lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có công lao không nhỏ của cán bộ, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vụ án đã đi vào lịch sử  nhưng các bài học về cảnh giác cách mạng vẫn còn nóng hổi.

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang