VKSND huyện Cái Bè: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát

20/03/2017 10:22

(kiemsat.vn)
Quy tụ, khai thác nội lực, xử lý tốt mọi tình huống là những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Đây cũng là mục tiêu, là định hướng VKSND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện để xây dựng, phát triển đơn vị bền vững trong thời gian tới.

Quy tụ, đoàn kết nội bộ

Xây dựng khối đoàn kết, bền chặt là tạo nên sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn và thách thức. Một tập thể luôn có tinh thần đồng chí, đồng đội; thân thiện, nhân hậu, bao dung, yêu thương, giúp đỡ nhau, gắn bó, chia sẻ, đồng tâm, nhất trí cùng hành động theo kế hoạch và chủ trương của Đảng, của ngành, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình theo tinh thần xây dựng để phát triển bền vững và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành kiểm sát.

Người lãnh đạo (bao gồm tập thể lãnh đạo viện, lãnh đạo các phòng, phụ trách các bộ phận) luôn là lực lượng nòng cốt quan trọng; là nhân tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định, chi phối đến các công chức, kiểm sát viên, chuyên viên, những người lao động khác trong đơn vị. Bộ phận chủ chốt, lãnh đạo, quản lý trong đơn vị không chỉ phải xây dựng cùng ý chí mà còn phải biết bồi đắp, tự học tập, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện cho mình theo mục tiêu “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, đồng thời, quy tụ và khai thác được sức mạnh tập thể, vừa quản lý, vừa chỉ đạo mọi mặt công tác đồng thời trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng tại chỗ cho chuyên viên, cán bộ dự nguồn cho kiểm sát viên, dự nguồn để phát triển cho Đảng. Đặc biệt, quan tâm bồi đắp cho đội ngũ trẻ nhạy bén, năng động và sáng tạo để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nối tiếp mình cho những năm tiếp theo.

Đội ngũ chủ chốt trong đơn vị ngoài sự ăn khớp để tạo cho guồng máy chạy đều, bền vững còn là sợi dây kết nối bền chặt trong mối quan hệ phối hợp thật tốt với các cơ quan tố tụng của cấp mình và cấp trên cùng với các cơ quan bạn trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng ngành theo pháp luật qui định.

Khai thác tốt nội lực, xử lý tốt mọi tình huống

Khai thác tốt nội lực là bố trí phân công phải hợp lý phát huy mọi khả năng sở trường và điều phối kịp thời để có thể kịp thời xử lý các vụ việc trong khi đơn vị thiếu chức danh tư pháp. Đối với một đơn vị cấp huyện hầu hết các Kiểm sát viên đều phải cơ động trong từng lĩnh vực sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào khi được phân công dù đồng chí đó làm ở bộ phận nào.

Xử lý tình huống là việc con người tác động vào tình huống để mang lại kết quả nhất định, có kết quả tốt hoặc không tốt phụ thuộc vào cách lựa chọn giải pháp để xử lý. Tình huống trong công tác kiểm sát là những sự việc liên quan đến công tác kiểm sát xảy ra trong một thời gian, không gian nhất định, buộc người đứng đầu đơn vị phải xử lý kịp thời, đúng pháp luật để đạt kết quả tốt. Có tình huống theo khuôn khổ thì dễ xử lý nhưng có những tình huống mà cảm nhận hoặc giữa qui định của luật và thực tiễn chúng ta chưa từng gặp và xử lý.

Trước bất kỳ tình huống nào thì khi lựa chọn giải pháp cũng phải bình tĩnh, cân nhắc thận trọng, vừa đảm bảo tính kịp thời nhanh chóng và tự mình lý giải thông suốt được những trường hợp giả định, để lựa chọn giải pháp theo hướng tốt, đúng luật, có lợi nhất cho đơn vị, qua đó tạo nên sự an toàn, hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, tạo niềm tin, bản lĩnh cho bản thân, là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, công chức trong đơn vị.

Ngoài những tình huống xảy ra trong thực tế, lãnh đạo đơn vị còn phải chủ động dự kiến tất cả những tình huống bất lợi có thể xảy ra trong từng vụ việc cụ thể để dự kiến cách xử lý phù hợp. Đồng thời, lãnh đạo phải tự học tập, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng cho bản thân và có trách nhiệm hướng dẫn cho cán bộ, công chức cách thức dự kiến và giải quyết tốt tất cả các tình huống xảy ra trong công tác như: Đồng ý bắt và phê chuẩn hay không phê chuẩn khi cơ quan CSĐT trao đổi hỏi ý kiến, trường hợp tại phiên tòa, luật sư, bị cáo, bị hại khai nại đưa ra các chứng cứ, lập luận phản bác luận tội, kết luận của Kiểm sát viên, việc bị cáo có tội hay không, mức hình phạt là nặng, nhẹ…, thì Kiểm sát viên ứng phó ra sao, dùng chứng cứ nào để chứng minh, bảo vệ quan điểm của mình một cách biện chứng… Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên phải dự kiến cách giải quyết tất cả các tình huống kiến nghị, kháng nghị không được chấp nhận để lý giải và phản biện đúng luật để đảm bảo hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, trong mối quan hệ với cấp trên, VKSND huyện Cái Bè đề cao tính chấp hành các chỉ đạo, yêu cầu, hướng dẫn của lãnh đạo viện và các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh. Đơn vị không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo ngành cấp trên, và một số vụ việc theo qui định phải báo cáo Thường trực Huyện ủy cho chủ trương xử lý. Đặc biệt là khi giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp. Trong một vài trường hợp, đơn vị có sự phản hồi, đề nghị với cấp trên xem xét hướng dẫn đối với những vụ việc có nhiều ý kiến khác nhau để thực hiện cho đúng. Trong điều kiện hiện tại, ở một số lĩnh vực công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, đơn vị rất cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn, bảo vệ của Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh, như công tác kháng nghị phúc thẩm cần được sự hướng dẫn, thống nhất của cấp tỉnh trước khi kháng nghị và sự bảo vệ kháng nghị của VKS tỉnh sau khi kháng nghị.

Việc phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp trong việc phân công Điều tra viên cũng có những ảnh hưởng lớn đến thời hạn, tiến độ, chất lượng, hiệu quả của việc giải quyết tin báo, tội phạm, kiến nghị khởi tố và ảnh hưởng đến việc giải quyết án hình sự, mà còn kéo theo luôn chất lượng hiệu quả của công tác KSĐT vì vậy phải thường xuyên liên hệ để kịp thời giải quyết những khó khăn khi thực hiện để giải quyết án đạt hiệu quả.

Huỳnh Văn Hiếu
VKSND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang