Về xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực của Viện kiểm sát

19/07/2018 16:01

(kiemsat.vn)
Việc quy định về xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát đã tháo gỡ “nút thắt” cuối cùng của trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền VKS khi cần thiết, giúp người khiếu nại nhận thức đúng quy định của pháp luật về nội dung khiếu nại và khắc phục sai sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng.

Quy chế số 51/QĐ-VKSTC ngày 02/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp (Quy chế số 51) đã quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Đây là điểm mới rất quan trọng, là "thủ tục đặc biệt" của Viện kiểm sát trong công tác giải quyết khiếu nại về tư pháp thuộc thẩm quyền.

 

Ảnh minh họa

Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật cần được hiểu là bao gồm cả quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng (được ghi trong quyết định giải quyết) và quyết định giải quyết lần đầu nhưng không có khiếu nại tiếp theo trong thời hạn luật định. Trong đó, có thể xác định quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là thủ tục đóng của trình tự giải quyết khiếu nại mà theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành; và đến nay chỉ còn được sử dụng trong các đạo luật về tư pháp.

Mặc dù vậy, xuất phát từ thực tiễn, rất nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn có sai sót, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người liên quan. Do vậy, quá trình xây dựng Quy chế số 51, đơn vị chức năng của VKSND tối cao đã xem xét xây dựng quy định này để thực hiện trong ngành, không chỉ nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát mà còn có ý nghĩa đảm bảo hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được đúng pháp luật, kịp thời khắc phục hậu quả sai sót, nếu có. Vì vậy, xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực có thể được coi là thủ tục đặc biệt của Viện kiểm sát trong công tác giải quyết khiếu nại về tư pháp thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, đây không phải là trình tự giải quyết khiếu nại tiếp theo của giải quyết khiếu nại cuối cùng mà là hai thủ tục khác biệt, do có nét tương đồng nhất định, cho nên, để tránh nhầm lẫn trong nhận thức cũng như thực tiễn, cần xác định sự tương đồng và khác biệt giữa chúng.

Xét về mặt tương đồng, hai thủ tục này đều là việc xem xét lại toàn bộ quá trình hoạt động tư pháp hoặc gồm cả việc giải quyết khiếu nại trước đó nhưng đương sự không chấp nhận kết quả và khiếu nại tiếp. Đồng thời, các loại việc này có thể phát sinh ở bất cứ hoạt động tư pháp nào, song trong thực tiễn, chủ yếu ở lĩnh vực hình sự, nhất là hoạt động điều tra, truy tố và việc xem xét, giải quyết đều được thực hiện theo trình tự, thủ tục như: Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người liên quan, xác minh, thu thập tài liệu, tiến hành đối chất; thực hiện lại các hoạt động tố tụng khác, nếu cần thiết...

Tuy nhiên, đặc trưng riêng rất căn bản, yếu tố làm nên sự khác biệt về tên gọi giữa hai thủ tục này là tính bắt buộc về trách nhiệm xem xét, giải quyết, cụ thể: 

Đối với giải quyết khiếu nại, theo quy định của các bộ luật và luật về tư pháp, khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng mà đương sự có đơn khiếu nại thì đồng thời phát sinh trách nhiệm xem xét, thụ lý, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định thời hiệu khiếu nại tiếp theo (lần hai), cho nên, sau khi nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu về quyết định, hành vi tố tụng, nếu đương sự khiếu nại tiếp thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trừ khiếu nại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, các khiếu nại khác trong tố tụng hình sự đều do Viện kiểm sát giải quyết cuối cùng. Song Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ về thời hiệu khiếu nại lần hai (Điều 474, 476), theo đó, sau khi nhận được quyết định giải quyết lần đầu, trong thời hạn 03 ngày, đương sự có quyền khiếu nại tiếp và cơ quan có thẩm quyền phải xem xét để thụ lý, giải quyết. Sau thời hạn này mà đương sự mới gửi đơn thì thuộc trường hợp không đủ điều kiện thụ lý để giải quyết khiếu nại; nếu quyết định giải quyết khiếu nại đó do VKSND ban hành, có thể được xem xét theo thủ tục “xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật” khi đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 14 Quy chế số 51.

Đối với việc xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, đây là thủ tục đặc biệt trong quy trình giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát, không bị ràng buộc bởi thời hiệu gửi đơn, nhưng phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 14 Quy chế số 51, đó là: “Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở trung ương hoặc địa phương”. Kết quả việc xem xét này là việc Viện kiểm sát ban hành Kết luận kiểm tra, trong đó, có thể giữ nguyên hoặc hủy quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định tố tụng trước đó (nếu là quyết định); khẳng định sự đúng, sai (nếu đối tượng khiếu nại hành vi). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, việc xử lý vụ việc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất, qua kiểm tra thấy việc giải quyết khiếu nại đã khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ thì trong nội dung Kết luận nêu rõ nội dung, nhận xét, đánh giá và khẳng định rõ tính đúng đắn, thuyết phục của quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

- Trường hợp thứ hai, quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tuy đã đúng quan điểm, đường lối nhưng thiếu chặt chẽ và tính thuyết phục thì cùng với việc nêu rõ nội dung, đưa ra tài liệu chứng cứ chứng minh, bản Kết luận phải đánh giá, chỉ rõ những thiếu sót đó. Một mặt, để đương sự thấy rõ bản chất của việc giải quyết là đúng, mà chỉ sai về cách lập luận và thiếu thuyết phục; mặt khác, giúp Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết thấy được hạn chế, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Sau kết luận, Viện kiểm sát đã kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có thể ban hành văn bản rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp dưới.

- Trường hợp thứ ba, qua kiểm tra phát hiện quyết định, hành vi tố tụng có vi phạm nghiêm trọng (quan điểm, nội dung; thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoặc cả hai) mà quá trình giải quyết khiếu nại không hủy bỏ, khắc phục; hoặc chính quyết định giải quyết khiếu nại có vi phạm, sai sót nghiêm trọng thì Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã được kiểm tra. Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 7 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Viện trưởng VKSND cấp trên có quyền hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của VKSND cấp dưới. Tuy các điều luật này không quy định rõ về thẩm quyền hủy bỏ, nhưng để phù hợp với quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự, VKSND cấp trên chỉ nên hủy quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định tố tụng vi phạm của VKS cấp dưới trực tiếp, trừ trường hợp đặc biệt. Đồng thời, xác định rõ sai sót, vi phạm từ quyết định, hành vi nào thì hủy, bác bỏ để cơ quan đã ban hành, thực hiện khắc phục vi phạm từ hoạt động đó.

Có thể thấy rằng, việc quy định và thực hiện xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát có ý nghĩa tháo gỡ “nút thắt” cuối cùng của trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát khi cần thiết, nhằm giải thích, giúp người khiếu nại nhận thức đúng quy định của pháp luật về nội dung khiếu nại và sự phù hợp thực tiễn của vấn đề; mặt khác, giải quyết, khắc phục sai sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng hoặc các hoạt động tư pháp khác và giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát có thẩm quyền. Qua hai năm thực hiện Quy chế số 51 về kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tại VKSND tối cao (Vụ 12), nhiều vụ việc được VKSND cấp tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có sai sót, vi phạm phải hủy hoặc rút kinh nghiệm. Vì vậy, đây là hoạt động nghiệp vụ hữu hiệu của Viện kiểm sát nhân dân nhằm giảm thiểu khiếu kiện về tư pháp, thể hiện sự cầu thị của người thi hành công vụ thuộc Viện kiểm sát, đem lại lòng tin của nhân dân với ngành mà các Viện kiểm sát cần tích cực thực hiện./.

Xem thêm>>>

Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự

Hướng dẫn Công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018

Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang