Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (7/8 – 11/8)

12/08/2017 02:46

(kiemsat.vn)
Phiên họp thứ 13 UBTVQH thảo luận về việc thành lập VKSND và TAND thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Quy định mới về mức chi công tác phí, chi hội nghị trong ngành KSND; Ban bí thư đề nghị miễn nhiệm Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; ASEAN ra thông cáo chung, kêu gọi tránh quân sự hóa ở Biển Đông; Mỹ chuẩn bị kế hoạch tấn công phủ đầu hơn 20 cơ sở tên lửa Triều Tiên... là những tin tức, sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Kế hoạch – Tài chính ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017

Ngày 08/8/2017, tại thành phố Ninh Bình, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác Kế hoạch – Tài chính ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Cục Kế hoạch – Tài chính VKSNDTC đã trình bày 04 chuyên đề liên quan đến công tác kế toán – tài chính như: Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật kế toán năm 2015 và Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ; Nghiệp vụ đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trong mua sắm hàng hóa và Quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng ngành KSND.

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận tại hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong công tác Kế hoạch – Tài chính, cụ thể như sau: Vụ Kế hoạch Tài chính nghiên cứu các văn bản, quy định mới liên quan tài chính để hướng dẫn các đơn vị VKS địa phương lập dự toán công khai, minh bạch, hiệu quả, sát tình hình thực tế; tham mưu cho Lãnh đạo Viện các Đề án trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành KSND nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt đối với các đơn vị vùng sâu, xa và các đơn vị mới thành lập; đổi mới tổ chức và hoạt động công tác Kế hoạch – Tài chính ngành KSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chế độ đặc thù của ngành nhằm tăng cường kinh phí đảm bảo cho các hoạt động đặc thù của ngành và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ kiểm sát.

2. Quy định mới về mức chi công tác phí, chi hội nghị trong ngành KSND

Ngày 08/8/2017, VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-VKSTC về việc ban hành mức chi công tác phí, chi hội nghị trong ngành KSND. Theo đó, hầu như các mức chi đều tăng lên.

Cụ thể, mức chi theo Quyết định này là mức chi tối đa về công tác phí, chi hội nghị. Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp 2, các đơn vị dự toán cấp 3 thuộc VKSNDTC căn cứ các mức chi tại Quyết định này, quyết định mức chi về công tác phí, chi hội nghị tại đơn vị mình để thực hiện cho phù hợp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao, các nguồn kinh phí hợp pháp khác và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Công tác phí
– Thanh toán tiền chi phí đi lại: Quy định về tiêu chuẩn mua vé máy bay đi công tác trong nước thì hạng ghế thương gia (Buisiness class hoặc C class) dành cho Bộ trưởng và các chức danh tương đương; Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,3 trở lên và hạng ghế thường dành cho các đối tượng còn lại.

Mức thanh toán tiền phí đi lại: Theo giá ghi trên vé, hóa đơn, chứng từ mua vé hợp pháp theo quy định của pháp luật, hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như: Tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu.

– Thanh toán khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác, khoán tiền tự túc phương tiện: Đối với các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên, có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác tự nguyện đăng ký thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác, mức khoán được xác định như sau:

Mức thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng: Đối với công chức thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng (như: Văn thư, kế toán giao dịch, công chức thuộc các đơn vị trong ngành KSND đi điều tra, kiểm sát, xác minh, tống đạt và các nhiệm vụ thường xuyên phải đi công tác lưu động khác) tùy theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/người/tháng và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Mức chi Hội nghị
Chi thù lao cho giảng viên, chi bồi dưỡng báo cáo viên; người có báo cáo tham luận trình bày tại hội nghị: Thực hiện theo mức chi thù lao quy định đối với giảng viên, báo cáo viên tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

– Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp theo mức khoán như sau: Cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương: 200.000 đồng/ngày/người; Cuộc họp tổ chức tại địa điểm nội thành, nội thị của thành phố trực thuộc tỉnh; tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh: 150.000 đồng/ngày/người.

– Chi hỗ trợ tiền thuê phòng nghỉ, phương tiện đi lại cho đại biểu là khách mời không trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp thì thanh toán theo mức chi quy định tại Mục Công tác phí.

3. Chế độ làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Ngày 07/8/2017, Viện trưởng VKSNDTC ký quyết định số 296/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế tạm thời về chế độ làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Kiemsat.vn giới thiệu nội dung cơ bản của Quy chế.

– Kiểm sát viên VKSND tối cao thực hiện chế độ làm việc của công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật tổ chức VKSND và quy định của pháp luật khác liên quan đến chức danh Kiểm sát viên VKSNDTC.

– Trường hợp có từ 03 Kiểm sát viên VKSNDTC trở lên thì Viện trưởng VKSNDTC quyết định thành lập tổ Kiểm sát viên VKSNDTC và cử Tổ trưởng để điều hành công việc của tổ.

Tổ Kiểm sát viên VKSNDTC thuộc cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng VKSNDTC, nhưng chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo VKSNDTC.

– Hằng năm, Kiểm sát viên VKSNDTC và Tổ kiểm sát viên VKSNDTC phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và định kỳ có báo cáo công tác theo quy định chung của Ngành.

Trường hợp đột xuất, Kiểm sát viên VKSNDTC được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể thì phải có báo cáo riêng về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Chương trình, kế hoạch, báo cáo công tác của Kiểm sát viên VKSNDTC và Tổ kiểm sát viên VKSNDTC được gửi trực tiếp cho lãnh đạo VKSNDTC, đồng thời gửi Văn phòng VKSNDTC để tổng hợp.

Ngoài ra, Quy chế còn quy định nguyên tắc làm việc; nhiệm vụ, quyền hạn; trách nhiệm; chế độ chính sách và quan hệ công tác của Kiểm sát viên VKSNDTC.

4. Phiên họp thứ 13 UBTVQH thảo luận về việc thành lập VKSND và TAND thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Quyet dinh thanh lap Toa an va Vien kiem sat Thanh pho Sam Son - Anh 1

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc thành lập Tòa án nhân dân TP Sầm Sơn  tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Chiều 11/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Việc trình đề nghị xem xét thành lập hai đơn vị này căn cứ quy định của luật và Nghị quyết số 386/NQ- UBTVQH14 ngày 19/4/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Sầm Sơn.
Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa với 100% Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành./.

5. Ban bí thư đề nghị miễn nhiệm Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Bà Hồ Thị Kim Thoa – Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Công thương, bị đề nghị miễn nhiệm.

ban-bi-thu-de-nghi-mien-nhiem-thu-truong-ho-thi-kim-thoa

Bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: Việt Chung

Ngày 8/8, Ban bí thư đã họp xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các đơn vị liên quan về việc thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa – Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Công thương.
Theo đó, Ban bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Cơ quan kiểm tra xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (từ 1/2004-5/2010).

6. Đề nghị quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại

Còn nhiều ý kiến khác nhau là có hay không quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật lý lịch tư pháp.

de nghi quy dinh ly lich tu phap cua phap nhan thuong mai hinh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, sáng nay (11/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Trong đó vấn đề còn có ý kiến khác nhau là có hay không quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật này.

Tờ trình và dự thảo Luật không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại để hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự là rất cần thiết.

Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc việc bỏ quy định này vì cho rằng, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành Luật thời gian qua không có vướng mắc gì. Hơn nữa, nếu bỏ quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của đa số công dân không có án tích có nhu cầu du học, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài.

7. Bộ Y tế họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết

Do bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH vẫn tăng nhanh tại Hà Nội và TPHCM,… chiều tối 10/8, Bộ Y tế đã họp khẩn bàn biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch.

Bộ y tế họp bàn khẩn cấp…

Đã có 22 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, trong đó, nhập viện là 69.085 người, 22 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.
0 tỉnh, thành phố có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Khánh Hòa và Tiền Giang. Hiện nay, Hà Nội và TPHCM có số ca mắc SXH nhiều nhất cả nước: Hà Nội ghi nhận 13.982 ca mắc, 5 tử vong; TPHCM ghi nhận 16.534 ca mắc.

Phải ‘hạ hỏa’ bằng mọi cách
Trước tình hình bệnh SXH không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu: “Giai đoạn này phải ‘hạ hỏa’ bằng mọi cách”.

Theo Bộ trưởng Y tế, cách “hạ hỏa” hiệu quả nhất hiện nay là phun thuốc diệt muỗi trong nhà người dân và phải tổ chức thành chiến dịch; đồng thời phun ở chợ, BV, trạm y tế xã phường, trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng… nơi được coi là ổ truyền nhiễm 3 lần/tháng. “Nếu Hà Nội không đủ lực lượng, thì kêu gọi hỗ trợ, huy động từ các tỉnh xung quanh chưa có dịch”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng, cách phòng, chống bệnh SXH hữu hiệu nhất chính là việc người dân phải chủ động tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng. Nếu bị bệnh hãy đến cơ sở y tế để thăm khám. Phần lớn người mắc SXH sẽ tự khỏi, nên người dân không nên quá lo lắng. Chỉ nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ để tránh lây chéo.

Đối với bệnh nhân phát hiện SXH và điều trị ngoại trú cần phải uống nhiều nước cam, chanh, dừa, uống orezol để bù nước; không được tự ý truyền nước vì dễ dẫn đến phù nội tạng.

8. ASEAN ra thông cáo chung, kêu gọi tránh quân sự hóa ở Biển Đông

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm nay khai thông bế tắc về vấn đề Biển Đông bằng một thông cáo chung kêu gọi tránh quân sự hóa.

asean-ra-thong-cao-chung-keu-goi-tranh-quan-su-hoa-o-bien-dong

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay các ngoại trưởng ASEAN tại một cuộc họp trong khuôn khổ

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Thông cáo chung “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế” ở Biển Đông, Reuters đưa tin.

Thông cáo ghi rõ sau các cuộc thảo luận sâu rộng, một số thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nêu quan ngại về việc cải tạo đảo “cũng như những hoạt động trong khu vực gây xói mòn niềm tin, sự tin tưởng, đồng thời làm gia tăng căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định”.

Vài giờ trước, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sau gần 4 năm đàm phán.

Việc thống nhất được dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan đang diễn ra ở thủ đô Manila, Philippines, và sẽ kéo dài đến ngày 8/8, với sự tham gia của 10 nước thành viên. Đây là dịp để các ngoại trường thảo luận về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, an ninh hàng hải cũng như những vấn đề an ninh phi truyền thống khác.

9. Mỹ chuẩn bị kế hoạch tấn công phủ đầu hơn 20 cơ sở tên lửa Triều Tiên

Lầu Năm Góc được cho là chuẩn bị sẵn kế hoạch tấn công phủ đầu các cơ sở tên lửa Triều Tiên trong trường hợp Tổng thống Trump ra lệnh.

Các máy bay ném bom B-1B dàn đội hình. Ảnh: USAF.

Các máy bay ném bom B-1B dàn đội hình. Ảnh: USAF.

Lầu Năm Góc hôm 9/8 phát tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, tái khẳng định quân đội nước này sẵn sàng phòng vệ và tấn công. “Dù Bộ Ngoại giao của chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giải quyết mối đe dọa toàn cầu này bằng biện pháp ngoại giao, cần nhớ rằng các đội quân hỗn hợp hiện có năng lực phòng vệ và tấn công chính xác nhất, mạnh mẽ nhất trên Trái Đất”.

Triều Tiên đang dọa tấn công đảo Guam của Mỹ bằng 4 tên lửa tầm trung đến xa Hwasong-12. Kế hoạch sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 8 và trình lên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đưa ra quyết định. Động thái được thông báo nhằm đáp trả lời cảnh báo trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington sẵn sàng trút “hỏa lực” và “thịnh nộ” lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành vi đe dọa.

PV

(Tổng hợp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang