Vấn đề - sự kiện nổi bật tuần qua (23/4-29/4)

01/05/2018 12:30

(kiemsat.vn)
Kỷ niệm 48 năm ngày thành lập trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; VKSND tối cao công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên đợt II năm 2017; VKS cấp cao đề nghị bác tất cả kháng cáo của ông Hà Văn Thắm; Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử là những tin tức nổi bật tuần qua.

1. Kỷ niệm 48 năm ngày thành lập trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Sáng 23/4, tại Hà Nội, trường Đại học Kiểm sát (ĐHKS) Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp 48 năm ngày thành lập Trường (25/4/1970 - 25/4/2018).

Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi gặp mặt

Đến dự và phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo VKSNDTC, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã chúc mừng những kết quả, thành tích mà nhà trường đạt được qua 48 năm xây dựng và trưởng thành; đề nghị Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên cần quán triệt các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và chủ trương của Lãnh đạo VKSNDTC về chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành. Cụ thể, nhà trường tiếp tục đào tạo trình độ đại học, chuẩn bị các điều kiện để tiến tới đào tạo trình độ sau đại học, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao bổ sung cho ngành và cho xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Ngành theo kế hoạch của VKSNDTC; tiếp tục kiện toàn tổ chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, nhà trường cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn chặt công tác nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các nhiệm vụ nghiên cứu của Ngành đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực. 

2. Công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên đợt II năm 2017

Sáng 24/4 tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đợt II năm 2017. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên ngành KSND dự và trao các quyết định.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giao nhiệm vụ tại buổi Lễ 

Đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC đã công bố quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về việc bổ nhiệm các đồng chí đang công tác tại VKSNDTC giữ chức danh Kiểm sát viên của VKSND. Theo đó, có 18 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức danh Kiểm sát viên cao cấp, 50 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức danh Kiểm sát viên trung cấp và 18 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức danh Kiểm sát viên sơ cấp.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định việc bổ nhiệm đợt này sẽ tạo thêm một lực lượng Kiểm sát viên đáng kể cho VKSNDTC cũng như ngành KSND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. VKSND tối cao gặp mặt các cán bộ, công chức nghỉ chế độ hưu trí

Chiều 26/4, VKSND tối cao đã tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ, công chức nghỉ công tác để hưởng chế độ hưu trí.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao quyết định và tặng hoa đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm

Tại lần gặp mặt này có 15 đồng chí cán bộ, công chức nghỉ công tác để hưởng chế độ hưu trí vào các tháng 4, 5, 6 năm 2018. Đây là những đồng chí có nhiều đóng góp đối với cơ quan và ngành Kiểm sát, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

Ý kiến phát biểu của các đồng chí cán bộ, công chức nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí tại buổi gặp mặt đều khẳng định niềm vinh dự, tự hào khi được công tác trong ngành Kiểm sát. Đây chính là môi trường giúp mỗi người rèn luyện, trưởng thành và để lại những dấu ấn khó quên trong cuộc đời làm người cán bộ Kiểm sát. 

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng bày tỏ mong muốn, các đồng chí cán bộ, công chức sẽ vẫn luôn quan tâm đến Cơ quan VKSNDTC và ngành KSND; tiếp tục đóng góp trí tuệ, những ý kiến tâm huyết, quý báu và kinh nghiệm của mình để góp phần xây dựng Ngành ngày càng vững mạnh, phát triển hơn trong thời gian tới.

4. Tăng cường hiểu biết về hệ thống pháp luật của đặc khu hành chính Ma Cao, Trung Quốc 

Nhận lời mời của Cơ quan Hành chính và Tư pháp đặc khu hành chính Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, VKSNDTC dẫn đầu đoàn đại biểu liên ngành các cơ quan tư pháp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Đặc khu Hành chính Ma Cao, Trung Quốc từ ngày 11/4 đến ngày 18/4/2018.

Hai Trưởng đoàn ký Biên bản làm việc

Nội dung làm việc của Đoàn nhằm tìm hiểu quy định pháp luật của đặc khu hành chính Ma Cao liên quan đến hệ thống, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; quy trình đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp; quy trình thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự; kinh nghiệm giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; tìm hiểu tình hình công dân Việt Nam sống, làm việc và tình trạng tuân thủ pháp luật tại Ma Cao; tìm hiểu mối quan hệ về tư pháp và pháp luật giữa đặc khu hành chính Ma Cao với Trung Quốc đại lục nhằm hướng tới việc xem xét khả năng đàm phán, ký kết một văn kiện về tương trợ tư pháp hình sự giữa hai bên.

Kết thúc làm việc, hai Trưởng đoàn đã ký Biên bản làm việc giữa Đoàn liên ngành các cơ quan pháp luật Việt Nam và Đoàn đại biểu Đặc khu Ma Cao. Trên cơ sở hội đàm lần này, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi về hợp tác tương trợ tư pháp hình sự.

5. VKS cấp cao đề nghị bác tất cả kháng cáo của ông Hà Văn Thắm

Sáng 26/4, đề nghị hướng giải quyết với nguyện vọng kháng cáo của 26 người trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, đại diện VKS cấp cao cho rằng bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên với các bị cáo là có căn cứ, không oan sai, mức hình phạt có sự phân hóa hợp lý.

Các bị cáo nghe tuyên án (Ảnh: Vnexpress).

Do vậy, VKS đề nghị tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của 20 bị cáo trong đó có các ông, bà: Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Minh Thu (cựu tổng giám đốc Oceanbank), Lê Thị Thu Thủy (cựu phó tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Văn Hoàn (cựu phó tổng giám đốc Oceanbank), Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ), Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) cùng một số lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank trên cả nước.

Sáu người còn lại được VKS đề nghị giảm hình phạt, gồm Vũ Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Thu Ba (các cựu giám đốc khối hội sở Oceanbank) cùng Trần Anh Thiết, Nguyễn Phan Trung Kiên (lãnh đạo cấp chi nhánh).

Theo VKS, suốt bốn ngày tranh tụng và cho tới sáng 26/4, các bị cáo không trình bày thêm được tình tiết nào mới.

Theo án sơ thẩm cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bị tuyên phạt hình phạt chung là tù chung thân vì bốn tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (19 năm tù), Tham ô tài sản (tù chung thân), Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (20 năm tù), Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng (18 năm tù).

Ông Sơn bị phạt tử hình vì ba tội: Tham ô tài sản, Cố ý làm trái, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

6. VKSNDTC truy tố 13 bị can làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến năm 2011, công ty CIMCO kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại một số ngân hàng. Để trang trải số nợ này cũng như muốn có tiền sử dụng vào mục đích khác, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo Lê Thị Hương (Kế toán trưởng công ty CIMCO) lập khống báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh...  để được ký 3 hợp đồng hạn mức tín dụng với OCB Thăng Long và PG Bank Thăng Long.

Tính đến ngày 20/10/2016, Ngọc còn nợ OCB Thăng Long số tiền 87,6 tỷ đồng (trong đó có đủ căn cứ chứng minh Ngọc đã chiếm đoạt 58 tỷ đồng); còn nợ PG Bank Thăng Long số tiền hơn 146 tỷ đồng. Sau khi Hội đồng định giá tài sản đảm bảo của Chu Minh Ngọc tại 2 Chi nhánh ngân hàng nêu trên, cáo trạng đã xác định tổng số tiền Ngọc chiếm đoạt là hơn 132,3 tỷ đồng.

VKSNDTC đã truy tố 7 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bao gồm: Chu Minh Ngọc, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty CIMCO, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH vật tư kỹ thuật TMC (Công ty TMC); Hà Trùng Dương, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn (Công ty Tam Sơn), Giám đốc Công ty TNHH vật tư kỹ thuật TMC; Lê Thị Hương, nguyên Kế toán trưởng Công ty CIMCO; Trần Mạnh Hải, thành viên Công ty cổ phần thép Vinarich; Lê Thành Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ Vạn Lộc; Vũ Duy Trinh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ 24/7; Nguyễn Văn Phượng, nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Năm Sao và 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gồm: Vũ Đức Thực, nguyên Giám đốc Ngân hàng OCB Thăng Long; Lương Duy Huỳnh, nguyên Giám đốc PG Bank Thăng Long và 4 bị can nguyên là trưởng, phó phòng, chuyên viên của 2 chi nhánh ngân hàng OCB Thăng Long và PG Bank Thăng Long.

7. Khởi tố, bắt tạm giam Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 55/C46-P11 ngày 13/9/2017. Đây là vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Bị can Vũ Mạnh Tùng

Căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 27/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can số 60/C46-P11; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 18/C46-P11 và Lệnh khám xét số 23/C46-P11 đối với Vũ Mạnh Tùng, sinh năm 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Vũ Mạnh Tùng và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

8. Liên quan đến vụ án “út trọc” Đinh Ngọc Hệ, khởi tố thêm 2 đại tá

Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng vừa có thông tin chính thức về việc mở rộng điều tra đối với vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Trước đó, ngày 3/12/2017, Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: QĐNDVN.vn

Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Xuân Sơn, trú tại khu phố 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng tại Bình Dương; ông Trần Văn Lâm trú tại 18/B 518 chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, là người được Đinh Ngọc Hệ thuê làm Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng; khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân.
 

Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn (Ảnh: Zing.vn)

Cả 3 bị can trên đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Đinh Ngọc Hệ.

Đồng thời, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Hiện các cơ quan tố tụng của Bộ Quốc phòng đang khẩn trương điều tra để kết luận, đề nghị truy tố Đinh Ngọc Hệ cùng với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật; đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sớm nhất.

9. Công bố chính thức kết quả điều tra vụ cà phê pin

Chiều 26/4, tại buổi họp báo về vụ trộn bột pin vào phế phẩm cà phê, thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan công an chính thức công bố toàn bộ nội dung liên quan đến hành vi của các nghi can cũng như đường đi của "hỗn hợp pin".

Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông thông tin kết quả điều tra về vụ việc

Kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng Loan và Bảo khai nhận mua vỏ cà phê, đất, sỏi đá, pin để nhuộm đen sau đó sấy khô, đóng bao tại cơ sở. Sau khi trộn hỗn hợp thì bán cho Thơ và Tuấn với giá 9.000đ/kg. Hai đối tượng này bán lại với giá 12.000 đ/kg cho Phan Thị Dung, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung, tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước để trộn vào hạt hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng.

Sau khi mua hỗn hợp trên, bà Dung đã chỉ đạo cho nhóm bốc vác trộn vào hồ tiêu hạt khô với tỉ lệ từ 2-3% và bán loại hồ tiêu có chứa tạp chất này theo hợp đồng cho các doanh nghiệp để xuất khẩu. 

Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp mua từ cơ sở của bà Loan, đóng trong 360 bao chuẩn bị xuất bán theo hợp đồng cho một công ty. 

Tuy nhiên, toàn bộ số hồ tiêu trộn hỗn hợp đã được thu giữ kịp thời, chưa chế biến ra bất cứ sản phẩm hồ tiêu nào để bán ra thị trường.

10. Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử

Vào lúc 9h29' sáng 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu tiên có cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử, cuộc gặp được kỳ vọng có thể mở ra một thời kỳ mới trên bán đảo Triều Tiên.

Các em học sinh Hàn Quốc tặng hoa nhà lãnh đạo Triều Tiên 

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc chào hỏi nhau thân mật và bắt tay nhau tại đường ranh giới quân sự liên Triều thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm bên phía Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên miền Bắc bước qua đường ranh giới quân sự liên Triều kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc (1953).

Sau khi kết thúc các nghi thức ngoại giao, hai bên di chuyển tới Ngôi nhà Hòa bình, địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều để chuẩn bị bắt đầu cuộc họp lịch sử vào 10h30' sáng, theo giờ địa phương.

Chương trình chính của hội nghị thượng đỉnh liên Triều được phía Hàn Quốc đề cập gồm 3 vấn đề chính, gồm:  Phi hạt nhân hóa, thiết lập thể chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ hai nước.

Tuyên bố chung mang tên "Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên" được công bố sau một ngày họp thượng đỉnh và cuộc nói chuyện riêng kéo dài 30 phút giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Hai nước sẽ ký hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều tiên sau 65 năm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang