Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (09/10 – 13/10)

15/10/2017 08:42

(kiemsat.vn)
Kết quả chuyến công tác tại Liên bang Nga của Đoàn đại biểu cấp cao VKSND tối cao do đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn đầu; Thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam - Nhật Bản; Mưa lũ lịch sử, miền Bắc thiệt hại nặng nề về người và tài sản... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.

1. Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí công tác tại Liên bang Nga từ ngày 04/10 đến 07/10/2017

Trong thời gian ở LB Nga, đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí đã hội đàm với Lãnh đạo Tổng VKSTC Liên Bang Nga và ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 giữa VKSTC hai nước; thăm và làm việc với Học viện Kiểm sát tại Mát-xcơ-va và Viện kiểm sát thành phố Xanh Pê-tec-bua; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí làm việc tại Tổng VKSTC LB Nga (Moscow 04/10/2017)

Tại buổi hội đàm với tập thể Lãnh đạo Tổng VKSTC Liên Bang Nga, hai bên đã thông báo cho nhau về các sự kiện nổi bật của trong quan hệ hai nước, hai Ngành; thảo luận và thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Viện kiểm sát hai nước.

Lãnh đạo VKSTC 2 nước ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 (Moscow 04/10/2017)

Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp của Bạn đều đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm; khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước, hai Ngành và mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trong thời gian tới.

Lãnh đạo VKSTC 2 nước ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 (1) (Moscow 04/10/2017)

Kết thúc hội đàm, Lãnh đạo VKSTC hai nước đã ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2018 – 2019 giữa VKSTC hai nước Việt Nam – LB Nga. Theo đó, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký, tập trung vào các lĩnh vực như: Thường xuyên trao đổi đoàn các cấp để chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề hai bên cùng quan tâm; tăng cường hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát; nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự.

Đoàn công tác làm việc tại VKS St. Peterburg (06/10/2017)

2. VKSND tối cao trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” cho Cố vấn trưởng Dự án JICA

Ngày 09/10/2017, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” cho ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án Jica nhiệm kỳ 2015-1017 vì những đóng góp thiết thực của ông đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Vụ Thi đua khen thưởng VKSND tối cao đã công bố quyết định số 373/QĐ-VKSTC ngày 03/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” cho ông Kawanishi Hajime, Công tố viên Bộ tư pháp Nhật Bản, Cố vấn trưởng Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” do đã có đóng góp tích cực, có hiệu quả và thiết thực đối với ngành KSND (trong thời gia từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017).

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” cho ông Kawanishi Hajime, Cố vấn trưởng Dự án Jica

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, với cương vị là chuyên gia dài hạn, Cố vấn trưởng dự án, ông Kawanishi Hajime luôn có tinh thần làm việc nghiêm túc, thái độ thiện chí, đã phối hợp với VKSND tối cao và các VKSND địa phương xây dựng và triển khai thực hiện thành công các kế hoạch hoạt động hàng năm trong khuôn khổ Dự án, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cơ quan Viện kiểm sát.

Chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ

3. Thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự Việt Nam – Nhật Bản

Sáng 12/10/2017, tại VKSNDTC, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp Đoàn đại biểu Viện Công tố tối cao Nhật Bản đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp Đoàn đại biểu Viện Công tố tối cao Nhật Bản

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao chào mừng ông Katsuyuki Nishikawa, Viện trưởng Viện Công tố tối cao Nhật Bản cùng các thành viên trong Đoàn đã đến thăm và làm việc với VKSND tối cao Việt Nam và cảm ơn sự hỗ trợ tích cực bên phía Nhật Bản, Dự án JICA đối với ngành Kiểm sát Việt Nam trong thời gian qua.

Các đại biểu tham dự

Đồng chí Lê Minh Trí khẳng định, VKSND tối cao Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn đông của Liên hợp quốc (UNAFEL) đăng cai tổ chức Hội thảo về quản trị nhà nước khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản tại Việt Nam hai năm 2017- 2018; và mong muốn hai bên sẽ luôn phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương về pháp luật và tư pháp; thúc đẩy đàm phán để có thể sớm ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước.

Tại buổi tiếp, hai bên đã nhất trí cao về các vấn đề như học tập và nghiên cứu các kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát Việt Nam; trao đổi các đoàn chuyên gia trong các vấn đề tư pháp…

Hai đoàn chụp ảnh lưu niệm 

4. VKSND tối cao thông báo thi tuyển Kiểm sát viên năm 2017

Ngày 10/10/2017, VKSNDTC đã ban hành công văn số 4036/HĐTTKSV thông báo thi tuyển Kiểm sát viên năm 2017.

Theo đó, địa điểm, thời gian, thi các khu vực như sau:

Khu vực phía bắc: Đối với người dự thi đang công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp cao 1, VKSND tỉnh, thành phố và VKS quân sự từ Quảng Trị trở ra (lưu ý: Do số lượng đăng ký dự thi ngạch Kiểm sát viên cao cấp ớ phía Nam ít, nên nguời dự thi Kiểm sát viên cao cấp hiện đang công tác tại các đơn vị thuộc khu vực phía Nam thi cùng với khu vực phía Bắc).

Địa điểm thi tại trường ĐHKS Hà Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Ngày 24/10/2017: Khai mạc và tổ chức thi KSV cao cấp, trung cấp, sơ cấp

Buổi sáng: Khai mạc từ 7h 30’; thi viết từ 8h30’;

Buồi chiều: Thi trắc nghiệm, từ 15h00′;

Khu vực phía Nam: Đối với người dự thi đang công tác tại VKSND tỉnh, thành phố; VKSND cấp cao 2, 3 và VKS quân sự từ Thừa Thiên Huế trở vào; Địa điểm thi tại trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 02/11/2017: Khai mạc và tổ chức thi KSV sơ cấp

Buổi sáng: Khai mạc từ 7h 15’; thi viết bắt đầu từ 8h30’;

Buổi chiều: từ 15h00’ thi trắc nghiệm;

Ngày 04/11/2017: Tổ chức thi KSV trung cấp

Buổi sáng: Thi viết từ 7h30’;

Buổi chiều: Thi trắc nghiệp từ 15h00’

5. Không điều động cán bộ năng lực yếu

Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ: Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển. Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút…

Ngày 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu; quan điểm, nguyên tắc; phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền, trách nhiệm; kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển; thời gian luân chuyển; nhận xét, đánh giá; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển; chế độ, chính sách; kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Đây là một bước thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen…, việc thực hiện Quy định này góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.

Quy định nêu rõ, kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị; tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Quy định cũng nhấn mạnh: Việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.

Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).

Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.

Quy định cũng nêu cụ thể: Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; quan tâm lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.

Phạm vi luân chuyển từ Trung ương về địa phương; từ địa phương này sang địa phương khác; từ địa phương về cơ sở và ngược lại; luân chuyển giữa các cơ quan, đơn vị khối đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cụ thể: Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Cán bộ được luân chuyển phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định).

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

6. Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa được điều động làm Bí thư Đà Nẵng

Bộ Chính trị quyết định điều động ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ngay sau khi có quyết định kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh.

Sáng nay 7/10, Bộ Chính trị trao quyết định điều động ông Trương Quang Nghĩa (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải) – làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Trương Quang Nghĩa từng là phó bí thư thành ủy Đà Nẵng từ tháng 5-2008 đến 9-2010.

Ông Trương Quang Nghĩa sinh năm nay 1956, quê ở xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Quang Nghĩa là bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông là ủy viên trung ương Đảng khóa XI, XII; đại biểu Quốc hội khóa XIV đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La.

7. Mưa lũ lịch sử, miền Bắc thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã khiến nhiều tỉnh miền Bắc thiệt hại nặng nề về người và tài sản, theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT vừa công bố.

62 người chết và mất tích trong mưa lũ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, những ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn, diện rộng, kéo dài, gây sạt lở đất, lũ lụt làm nhiều người chết và mất tích, thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhân dân và Nhà nước tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh: Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá và Nghệ An, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Dòng lũ như muốn nuốt chửng thị trấn Nghĩa Lộ (Ảnh Tùng Duy – báo Tiền Phong)

Thiệt hại về người: Người chết: 37 người (Sơn La: 05 người, Yên Bái: 04 người, Hòa Bình: 11 người, Thanh Hóa: 08 người, Nghệ An: 08 người, Hà Nội 01 người). Người mất tích: 40 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 11 người, Hòa Bình: 21 người, Thanh Hóa: 04 người, Quảng Trị: 01 người). Người bị thương: 21 người (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 07 người, Thái Bình: 06 người, Hòa Bình: 02 người, Thanh Hóa: 03 người).

Thiệt hại về nông nghiệp: Lúa bị ngập, thiệt hại: 8.071 ha; Ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại: 30.390 ha; Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung: 897ha.

Thiệt hại về chăn nuôi:Gia súc bị chết, cuốn trôi: 1.166 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 39.865 con.

Thiệt hại về giao thông: Đường quốc lộ: sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở 02 điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 02 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An). Đường tỉnh lộ, huyện lộ: Sạt lở nhiều điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến đường thuộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An gây ách tắc giao thông.

Sự cố hồ đập: tại Hòa Bình: Đập hồ Cháu Mè bị sạt mái hạ lưu (hồ có dung tích 400.000 m3); hiện địa phương đang xử lý. Tại Thanh Hóa: Hồ Ông Già (huyện tĩnh Gia) bị tràn qua đỉnh đập 10cm. Hiện nước đã rút về MNBT (ngưỡng tràn tự do); hồ an toàn. Mưa lớn đã làm vỡ 12m đập Cồ Bương (Cẩm Thủy) và sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung), chiều dài sạt 60m. Hiện nay địa phương đang khắc phục sự cố trên. Tại Nghệ An: Đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100 nghìn m3) do mưa lớn tràn qua thân đập, đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Tại Hà Tĩnh: Đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300 nghìn m3) tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3m¸3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.

UBND các tỉnh đã phải di dời hàng chục ngàn hộ dân đến vị trí an toàn, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Công điện khẩn của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng thị sát, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình. Ảnh VGP

Thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu với các tỉnh, bộ ngành tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Hỗ trợ mai táng người bị nạn và tổ chức chu đáo việc mai táng cho những người bị nạn không còn người thân thích; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời.

Bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các khu vực xung yếu; tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để bảo đảm sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

8. Trung Quốc tổng kết 5 năm chiến dịch chống tham nhũng

Sau 5 năm phát động chiến dịch chống tham nhũng theo nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII năm 2012, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã tiến hành điều tra hơn 70.000 quan chức từ cấp quận/huyện với cáo buộc tham nhũng, qua đó xử lí, kỷ luật nhiều trường hợp sai phạm là các quan chức cấp cao.

Đây là nội dung báo cáo của CCDC công bố ngày 7/10, nhân dịp chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX.

Đối tượng Dương Tú Châu (thứ 3, phải) – nghi can tham nhũng bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc đầu thú sau khi trở về từ Mỹ, tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 16/11/2016. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo của CCDI đã liệt kê các quan chức cấp cao bị xử lý và kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng trên như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai (Bo Xilai), 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), cùng 2 cựu phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) là Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua) và Tô Vinh (Su Rong). Ngoài ra, có tới 1,34 triệu đảng viên và quan chức ở các thành phố nhỏ cùng với 648.000 đảng viên và cán bộ ở các khu vực nông thôn cũng đã bị kỷ luật trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã phối hợp với cộng đồng quốc tế để truy lùng những nghi phạm tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài thông qua chiến dịch như “Lưới trời” (Sky Net) cùng nhiều chiến dịch khác. Tính tới cuối tháng 8/2017, 3.339 nghi phạm đã bị bắt giữ tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 628 cựu quan chức, và tịch thu được khoảng 9,36 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,41 tỷ USD).

Cuộc thăm dò dư luận của của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy 92,9% người dân nước này hài lòng với các chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2016, tăng 17,9 điểm phần trăm so với năm 2012./.

9. Iran đáp trả lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ

Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đưa ra lời cảnh báo sẽ đánh đồng quân đội Hòa Kỳ và tổ chức khủng bố IS nếu Washington áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran.

Iran đáp trả lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ

Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran , Tướng  Mohammad Ali Jafari   (Ảnh: Reuters)

Iran cảnh báo Hoa Kỳ về những hậu quả nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và sẽ coi lực lượng quân đội Mỹ là tổ chức khủng bố, theo Reuters dẫn lời.

Ngày 6/10, theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đưa ra động thái mới của Mỹ đối với các cuộc thử nghiệm tên lửa mà Iran thực hiện, kể cả việc hỗ trợ “chủ nghĩa khủng bố” và các hoạt động trên mạng, báo cáo của Reuters.

Đáp trả Hoa Kỳ, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Mohammad Ali Jafari tuyên bố: “Nếu những tin tức về sự ngu ngốc của chính phủ Mỹ là đúng sự thật thì Iran sẽ đánh đồng quân đội Mỹ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông như là một nhà nước Hồi giáo”. “Nhà nước Hồi giáo” là một tổ chức khủng bố bị cấm ở Nga.

“Hoa Kỳ sẽ phải di chuyển các căn cứ quân sự ra khỏi khu vực tầm bắn 2000 km của tên lửa Iran”– Tổng tư lệnh IRGC nói thêm.

Trước đó, The Washington Post đưa tin, Tổng thống Donald Trump sẽ trình Quốc hội Hoa Kỳ chiến lược mới đối với Trung Đông. Tổng thống Trump tuyên bố có thể sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đối với Iran.

Chủ nhật, ngày 8/10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc Iran tài trợ cho CHDCND Triều Tiên, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và cho rằng Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

10. Dư luận trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi UNESCO

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO). Quyết định này một lần nữa đánh dấu mối quan hệ ngày càng xa cách của Mỹ với UNESCO – tổ chức mà chính Mỹ đã “góp tay” thành lập sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục và đảm bảo tính tự do của ý tưởng sáng tạo. Động thái của Mỹ đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các bên liên quan.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định rút khỏi UNESCO “phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel”.

Dư luận trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi UNESCO

Trụ sở UNESCO tại Pháp (Ảnh minh họa/NY Times)

Theo thông báo, quyết định nói trên sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, sau khi rút tư cách thành viên khỏi UNESCO, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động của tổ chức này với tư cách là quốc gia “quan sát viên” nhằm đóng góp “quan điểm, tầm nhìn và chuyên môn” của Mỹ cho tổ chức.

Đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn, cho biết: “Có hai nguyên nhân chính khiến chúng tôi phải đưa ra quyết định rút lui: Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO. Đây đã trở thành nơi chống lại Israel. Việc Mỹ rút khỏi UNESCO không liên quan đến tiến trình bầu cử tại tổ chức này và quyết định đó được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc kỹ lưỡng”.

Các chuyên gia cho rằng, dù viện dẫn nhiều lý do, song sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. UNESCO đã khiến Israel và chính quyền Tổng thống Donald Trump tức giận bởi một loạt các quyết định mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine.

Trước đó vào năm 2011, Mỹ từng cắt nguồn đóng góp lớn, chiếm tới 22% ngân sách UNESCO nhằm phản đối quyết định công nhận tư cách thành viên đầy đủ cho Palextin. Vào thời điểm đó, số tiền đóng góp của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách của UNESCO.

Và cũng chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự hoan nghênh, cho đây là bước đi can đảm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Israel cũng thông báo đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị xúc tiến các thủ tục cần thiết để rời khỏi UNESCO.

Nói về sự “dứt áo ra đi” đột ngột của Mỹ, người đứng đầu UNESCO, bà Irina Bokova cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ, nhấn mạnh đây là một mất mát với cả Mỹ và tổ chức. Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do.

Theo bà Irina Bokova: “UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại liên văn hóa về nhân quyền, tự do ngôn luận, xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho giáo dục. Tôi cho rằng chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ – một thành viên sáng lập và cũng là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng nhất đối với tất cả nỗ lực này”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, cho rằng điều này sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng mà UNESCO đang có kế hoạch thực hiện.

Bộ này hy vọng Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ thực hiện mọi nỗ lực thay đổi tình hình hiện tại, đặc biệt tập trung vào vấn đề nhân quyền và thúc đẩy các nước thành viên tiếp tục hợp tác trong mọi lĩnh vực của UNESCO. Còn Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, chính phủ nước này luôn duy trì cam kết là thành viên của UNESCO và phối hợp với các nước thành viên khác trong thực thi sứ mệnh của tổ chức.

Đây là lần thứ 2 Mỹ rút khỏi UNESCO. Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 thế kỷ trước và chỉ trở lại vào năm 2003. Theo giới quan sát, quyết định rút khỏi UNESCO sẽ gây bất lợi đối với Mỹ bởi chính quyền Mỹ lâu này coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần. Việc rút khỏi tổ chức này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ tại LHQ./.

Anh Nga

(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

VKSND tối cao điều chỉnh lịch hướng dẫn ôn thi KSV đợt II khu vực phía Bắc

Thông báo câu hỏi và đáp án thi tuyển Kiểm sát viên năm 2017

Nội quy thi tuyển Kiểm sát viên

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang