Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (từ ngày 11/12 – 15/12)

16/12/2017 09:11

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Nhật Bản

Sáng 11/12/2017, tại trụ sở VKSND tối cao, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã tiếp Đoàn Bộ Tư pháp Nhật Bản do ông Makoto Hayashi, Cục trưởng Cục hình sự Bộ Tư pháp Nhật Bản làm Trưởng đoàn nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại Việt Nam.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp ông Makoto Hayashi, Cục trưởng Cục hình sự  Bộ Tư pháp Nhật Bản

Tại buổi tiếp, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn cho biết, mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp và pháp luật của hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng đã được xây dựng và ngày càng được củng cố, tăng cường. Đặc biệt, đối với VKSND tối cao Việt Nam, trong những năm qua đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ và hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện pháp luật thông qua Dự án JICA.

Toàn cảnh buổi tiếp

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao mong rằng, thời gian tới, các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam, trong đó có VKSND tối cao sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhật Bản; tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án JICA; duy trì, trao đổi các đoàn chuyên gia sang học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau; hỗ trợ trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên; hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực tội phạm học… qua đó, giúp cho mối quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp

2. VKSND tối cao: Học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII

Sáng 14/12/2017, Đảng ủy VKSND tối cao tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc VKSNDTC.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Lợi, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy VKSND tối cao yêu cầu việc học tập, quán triệt nghị quyết phải được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; các đồng chí đảng viên cần chú ý lắng nghe, nghiên cứu, thảo luận chương trình, kế hoạch hành động. Các đơn vị cần có thêm các hình thức thảo luận chuyên đề, liên hệ với thực tiễn đơn vị và yêu cầu nhiệm vụ chính trị để nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn. Sau khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, các đồng chí đảng viên viết bản thu hoạch về nhận thức của bản thân về các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Tại hội nghị, các đồng chí đảng viên đã được nghe đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương truyền đạt nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng, cơ bản, cấp bách của đất nước, bao gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Công tác dân số trong tình hình mới”.

3. Vụ 4 VKSND tối cao và C47 Bộ Công an ký quy chế phối hợp công tác

Ngày 12/12/2017, tại trụ sở cơ quan VKSNDTC đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Vụ THQCT và KSĐT án ma túy (Vụ 4) VKSND tối cao với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ công an.

Toàn cảnh buổi lễ

Dự và chủ trì buổi lễ có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Tham dự buổi lễ có Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; tập thể lãnh đạo C47 Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và cao và tập thể lãnh đạo, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị thuộc Vụ 4 VKSND tối cao.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi lễ


Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn phát biểu tại buổi lễ

Quy chế phối hợp bao gồm 05 chương, 25 điều quy định trình tự, thủ tục của công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm ma túy; phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; phối hợp trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo địa phương, giải quyết khiếu nại tố cáo và tương trợ tư pháp trong việc giải quyết án…

Đại biểu tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm

4. Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 06 đạo luật

Sáng nay 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 06 đạo luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 06 đạo luật

Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước

Cụ thể là: Luật lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCNVN ở nước ngoài; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 06 đạo luật Toàn cảnh buổi họp báo

5. Tổng bí thư: ‘Tránh nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị’

Ngày 11/12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017-2022 đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 6,4 triệu đoàn viên, gần 24 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đã tham dự.

Tổng bí thư khẳng định những năm gần đây Đoàn có nhiều tiến bộ trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa được tăng cường. “Thành tích của thế hệ trẻ Việt Nam và Đoàn là rất to lớn và đáng tự hào”, Tổng bí thư nói và biểu dương những cố gắng của phong trào thanh thiếu nhi, hoạt động của các cấp bộ đoàn trong cả nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại đại hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, Tổng bí thư cho rằng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua vẫn còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.

“Tình trạng tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, trong khi đó Đoàn còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu đề xuất giải pháp, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi. Công tác giáo dục của Đoàn rộng nhưng chưa sâu”, Tổng bí thư nói.

Bên cạnh đó, một số hoạt động của Đoàn còn nặng về bề nổi, dàn trải và hình thức. Một số phong trào chỉ thu hút được thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững…

Tránh tình trạng ‘nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị’

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở ba vấn đề cần được thảo luận sâu tại đại hội. Thứ nhất là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Tránh nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Ảnh: Dương Tâm

“Đây là vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, thường xuyên, vừa cơ bản, lâu dài, đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng”, Tổng bí thư nhấn mạnh và cho rằng Đoàn cần tập hợp giáo dục thanh niên, khơi dậy các bạn trẻ lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, kiên định vào chế độ, tiếp nối truyền thống cha anh.

Muốn làm tốt nhiệm vụ trên, Tổng bí thư cho rằng phải đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đoàn chủ chốt, tự giác học trước, làm trước. Sau đó, cần phát huy vai trò tự rèn luyện, khả năng tự hoàn thiện mình của thanh thiếu nhi dưới sự định hướng, hỗ trợ tốt nhất của tổ chức đoàn, hội, đội.

Đặc biệt, Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, “tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”…

6. Ông Nguyễn Xuân Thắng phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương

Chiều 14/12, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công phụ trách cơ quan này cho ông Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, liên tục của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Trung ương Đảng đối với công tác lý luận của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng được phân công phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương trong thời gian ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nghỉ điều trị bệnh.

ong-nguyen-xuan-thang-phu-trach-hoi-dong-ly-luan-trung-uong

             Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: BTNMT

Ông Nguyễn Xuân Thắng 60 tuổi, quê ở Thanh Chương (Nghệ An), là giáo sư, tiến sĩ kinh tế, Ủy viên Trung ương khóa 11, 12. Ông hiện là Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Thắng từng là Phó viện trưởng, Viện trưởng Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2011, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đến tháng 4/2016, ông được phân công giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (thay ông Tạ Ngọc Tấn sang làm Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương).

7. Phó bí thư Cần Thơ làm Phó Ban Nội chính Trung ương

Ngày 15/12, tại TP Cần Thơ, ông Mai Văn Chính, Phó ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc điều động ông Phạm Gia Túc – Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 – giữ chức Phó Ban Nội chính Trung ương.

pho-bi-thu-can-tho-lam-pho-ban-noi-chinh-trung-uong

Ông Mai Văn Chính – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định của Ban Bí thư cho ông Phạm Gia Túc (phải). Ảnh: Cửu Long.

Theo Phó ban Tổ chức Trung ương, trong thời gian công tác tại Cần Thơ, ông Túc đã phát huy tốt năng lực, tích cực rèn luyện tác phong trong công tác, phương pháp lãnh đạo; xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng…

“Đến nay, ông Túc đã có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn để có thể đảm nhiệm vị trí chủ chốt ở địa phương cũng như Trung ương trong lĩnh vực xây dựng Đảng”, ông Chính nói.

Tân Phó Ban Nội chính Trung ương gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ thời gian qua đã luôn dành sự quan tâm giúp đỡ, động viên; tạo điều kiện thuận lợi và góp ý chân thành để ông phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ của mình…

Ông Phạm Gia Túc, 52 tuổi, quê Nam Định, trình độ thạc sĩ Quản lý hành chính công, cử nhân Kinh tế; cao cấp chính trị. Tháng 3/2014, ông được thôi giữ chức Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để luân chuyển về Cần Thơ tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và giữ chức Phó bí thư thành ủy.

8. Đồng chí Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, chiều 12/12, Đại hội đã công bố danh sách 151 đại biểu trúng cử vào BCH Trung ương Đoàn khóa XI nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đoàn khóa XI diễn ra chiều cùng ngày đồng chí Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Quang Huy, Nguyễn Ngọc Lương cũng tái đắc cử Bí thư Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Hội nghị cũng bầu ra 31 thành viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, đồng thời bầu Ủy Ban kiểm tra Trung ương Đoàn gồm 19 đông chí…

9. Vì sao Trump gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel?

Thành phố Jerusalem. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công bố kế hoạch chuyển đại sứ quán đến thành phố này. Quyết định của ông được Israel ca ngợi nhưng vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các đồng minh phương Tây.

Vì sao Jerusalem quan trọng?

Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Hebrew, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên.

Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina bởi theo kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed.

Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực Thành Cổ của Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

Theo ước tính độc lập của Viện nghiên cứu Jerusalem, khoảng 850.000 người sống ở Jerusalem, trong đó 37% là người Arab và 61% là người Do Thái. Phần lớn người Palestine sống ở Đông Jerusalem.

Lịch sử căng thẳng xung quanh Jerusalem

Sau Thế chiến II, xung đột giữa cộng đồng người Arab và Do Thái ở Palestine do Anh cai trị ngày càng gia tăng. Liên Hợp Quốc năm 1947 thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.

Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Trong khi đó, phe Arab trên toàn khu vực phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948 – 1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của LHQ. Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này.

Trong khi kế hoạch ban đầu phân bổ 55% Vùng đất Palestine do Anh cai trị cho Israel và 45% cho người Palestine, cuộc chiến năm 1948 đã giúp Israel kiểm soát 78% đất. 22% còn lại, gồm dải Gaza và Bờ Tây (bao gồm Đông Jerusalem), lúc này được kiểm soát lần lượt bởi Ai Cập và Jordan.

Năm 1948, các chỉ huy Israel và Jordan vẽ ra một đường phân định và sau này trở thành Đường Đình chiến năm 1949. Một số phần của Jerusalem không nằm trong sự kiểm soát của cả Israel và Jordan. Đường đình chiến 1949 sau này trở thành Đường ranh giới năm 1967 và thường được đề cập trong các cuộc đàm phán giữa hai nhà nước Israel và Palestine.

Năm 1967, Chiến tranh Sáu ngày nổ ra giữa các nước Arab và Israel. Kết thúc cuộc chiến , Israel kiểm soát 22% còn lại gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Israel sau đó sáp nhập Đông Jerusalem. Họ còn chiếm được phần Cao nguyên Golan của Syria và bán đảo Sinai của Ai Cập. (Israel trao trả Sinai cho Ai Cập năm 1979 nhưng vẫn kiểm soát phần Cao nguyên Golan của Syria. Israel năm 2005 rút quân khỏi Gaza).

Tình trạng từ năm 1967 đến nay. Đồ họa: Washington Post.

Cộng đồng quốc tế – bao gồm cả đồng minh của Israel là Mỹ phản đối việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem. Tuy nhiên, nước này vẫn cho hàng trăm nghìn người Do thái đến định cư tại phần này của thành phố.

Năm 1980, Israel thông qua luật Jerusalem, tuyên bố rằng “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”. Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố luật này “vô hiệu”. Không nước nào đặt đại sứ quán ở Jerusalem.

Trong khi đó, phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại Israel đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra nhiều thương vong cho cả hai phía.

Anh Nga

(tổng hợp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang