Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/10 – 03/11)

04/11/2017 10:25

(kiemsat.vn)
Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc; Thảo luận sôi nổi tại các phiên họp Quốc hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga; thiệt hại vì bão Damrey... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua

1. Công đoàn VKSNDTC sơ kết nửa nhiệm kỳ công tác (2014-2019); Gặp mặt các đồng chí cán bộ, công chức nghỉ hưu cuối năm 2017

Ngày 30/10/2017, Công đoàn VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ công tác công đoàn (2014-2019).  Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn VKSND tối cao dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị gồm Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, Ủy ban kiểm tra; Chủ tịch các Công đoàn bộ phận; Công đoàn VKSND cấp cao tại Hà Nội.

Đồng chí  Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn VKSND tối cao  phát biểu tại hội nghị

Theo Báo cáo sơ kết hoạt động công đoàn VKSND tối cao nửa nhiệm kỳ 2014 – 2019 thì từ tháng 6/2014-6/2017, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVCLĐ), đoàn viên Công đoàn VKSND tối cao luôn giữ vững phẩm chất chính trị, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhiều chỉ tiêu đạt vượt so với Nghị quyết Đại hội IV CĐVCVN đề ra như chỉ tiêu về xây dựng CĐCS vững mạnh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền nghị quyết, chính sách của Đảng, nhà nước, nghị quyết, chủ trương của tổ chức Công đoàn, chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng kết nạp…

Đồng chí Bùi Mạnh Cường biểu dương sự cố gắng, phấn đấu vươn lên, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của đoàn viên Công đoàn cơ quan VKSND tối cao, đồng thời nhấn mạnh: Để phát huy thành tích đạt được từ nay cho đến hết nhiệm kỳ, công đoàn VKSND tối cao cần tiếp tục nâng cao vai trò của tập thể, cá nhân; chú trọng chất lượng công tác tham mưu, đề xuất sáng kiến trong thực hiện chương trình, kế hoạch công tác góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; tích cực vận động các công đoàn cơ sở tham gia các cuộc vận động, đồng thời tập trung tuyên truyền các cuộc vận động trên báo, chí…

Tiếp đó, ngày 31/10/2017, VKSND tối cao đã tổ chức buổi gặp mặt 8 đồng chí cán bộ, công chức nghỉ hưu cuối năm 2017. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao dự và chủ trì buổi gặp mặt.

Đại diện Thường vụ Đảng ủy, Công đoàn; đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng, các đơn vị có công chức chuẩn bị nghỉ chế độ hưu trí tham dự buổi gặp mặt.

Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong và đại biểu tham dự buổi gặp mặt tặng hoa chúc mừng các đồng chí chuẩn bị nghỉ chế độ

Tại buổi gặp mặt, các đồng chí cán bộ, công chức nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí đã bày tỏ sự cảm ơn đến Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã dành tình cảm và sự quan tâm đến các đồng chí khi tổ chức một buổi gặp mặt để các đồng chí được bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình trước khi nghỉ công tác.

Đồng chí Nguyễn Hải Phong Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC phát biểu tại buổi gặp mặt

2. Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc

Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, từ ngày 23-25/10/2017, tại thủ đô Pra-ha, Cộng hòa Séc, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Séc.

Đoàn đàm phán Việt Nam gồm các thành viên của VKSND tối cao cùng đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao, do đồng chí Lê Tiến – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao làm Trưởng đoàn. Đoàn đàm phán Cộng hòa Séc gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Viện kiểm sát tối cao Cộng hòa Séc do Bà Gabriela Bláhová, Vụ trưởng Vụ Quốc tế về các vấn đề hình sự thuộc Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.

Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã thống nhất được một số điều, khoản thuộc về phần chung của Dự thảo Hiệp định. Kết thúc vòng đàm phán thứ nhất, hai Trưởng đoàn đã ký Biên bản ghi nhớ về kết quả đàm phán và thống nhất xúc tiến các thủ tục cần thiết để tổ chức vòng đàm phán thứ hai vào năm 2018 tại Hà Nội.

Kết thúc đàm phán – hai Đoàn chụp ảnh lưu niệm

3. Bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình

Sáng 27/10, tại VKSND tỉnh Thái Bình, VKSND tối cao đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Lê Hữu Thể, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và trao các quyết định; đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí trong Ban thường vụ tỉnh ủy, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan của tỉnh Thái Bình và toàn thể Lãnh đạo các đơn vị, Kiểm sát viên trung cấp trong Ngành Kiểm sát Thái Bình cùng dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố các Quyết định số 56 và 57/QĐ-VKSTC cùng ngày 26/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc bổ nhiệm đồng chí Lại Hợp Mạnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình, đồng chí Vũ Xuân Đông, Viện trưởng VKSND thành phố Thái Bình giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình kể từ ngày 01/11/2017.

Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ công bố các Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao

Thay mặt Lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Lê Hữu Thể, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định và chúc mừng, giao nhiệm vụ cho các đồng chí được bổ nhiệm.

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định và chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm

Đồng chí Lại Hợp Mạnh đại diện cho các đồng chí được bổ nhiệm, phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh ủy Thái Bình đã tin tưởng, tín nhiệm và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý cho các đồng chí; tạo điều kiện cho bản thân và đồng chí Đông trong thời gian qua; trên cương vị công tác mới, đồng chí hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Ngành đã giao, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

4. Thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp đợt II – Khu vực phía Nam

Sáng ngày 02/11 tại Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, VKSND tối cao tổ chức kỳ thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp đợt II năm 2017 khu vực phía Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, Ủy viên thường trực Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc.

Tham gia buổi lễ có lãnh đạo Vụ tổ chức cán bộ; thành viên Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên cùng Ban giám hiệu Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh và 773 thí sinh dự thi, bao gồm 225 thí sinh dự thi KSV trung cấp và 548 thí sinh dự thi KSV sơ cấp.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Kỳ thi

Theo quy định của VKSND tối cao, những thí sinh đăng ký dự thi lần này được VKSND, Viện kiểm sát Quân sự các cấp tổ chức tuyển chọn khắc khe từ các cá nhân có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị đạo đức tốt, đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, tham gia thi tuyển để bổ nhiệm, nâng ngạch chức danh pháp lý nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác của toàn ngành…

5. Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14… và những nội dung thảo luận đáng chú ý

9 giờ sáng nay, 23/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra trọng thể tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả đã đạt được về kinh tế – xã hội năm 2017 và quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn; cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát cắt giảm chi phí; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao…

23.049 tỷ đồng cho Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

Sáng (27/10), Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Nguyễn Văn Thể tân Bộ trưởng BGTVT

Theo đó, tổng diện tích thu hồi đất của dự án là hơn 5.500 ha. Đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng gần 3.000 ha. Trong đó, khoảng hơn 4.700 hộ dân với 15.500 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất bị thu hồi. Qua khảo sát điều tra, xin ý kiến người dân bị thu hồi đất, 100% đều có nhu cầu nhận đất tái định cư. Theo quy hoạch, huyện Long Thành (Đồng Nai) sẽ có hai khu tái định cư là khu Lộc An – Bình Sơn và khu Bình Sơn. Kết quả số liệu điều tra, khảo sát và lấy ý kiến của người dân bị thu hồi đất của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho thấy 100% số hộ đều có nhu cầu nhận đất tái định cư (đã bao gồm số hộ phụ phải tách ra), cụ thể: Nhu cầu tái định cư tại Khu Lộc An – Bình Sơn: 4.727 hộ; Nhu cầu tái định cư tại Khu Bình Sơn: 469 hộ;…

Đề xuất Chính phủ đổi giờ làm việc từ 8h30 trên cả nước

Thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng thế giới đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu giờ làm của Việt Nam đã tối ưu chưa, cần sửa đổi những gì.

Theo ông, hiện giờ làm việc trên cả nước từ 7h30 đến 17h, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 đến 2 tiếng. Qua tính toán các khung giờ, điều kiện Việt Nam, ông Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.

Đại biểu này đề nghị, giờ làm việc nên bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ; riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.


Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: QH

Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, ông Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông. “Nếu giờ làm bắt đầu lúc 8h30 thì không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí”, ông nói.

Ngoài ra, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể, khi so sánh quãng thời gian xe buýt có thể phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30 với khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30 như hiện tại…

Sẽ thành lập Tổng cục quản lý thị trường hoạt động theo ngành dọc…

Nhắc lại phản ánh của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khi đi thực tế điểm nóng buôn lậu thuốc lá mà không thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng, Người đứng đầu ngành Công thương thừa nhận: “Có nhiều thời gian không có bóng của lực lượng chuyên ngành là thực tế”. “Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khuôn khổ pháp luật, các cơ chế, chính sách của chúng ta chưa đủ mạnh, đặc biệt là trong những điều luật của các bộ luật cũng như các văn bản hướng dẫn để chế tài các hoạt động buôn lậu cũng như gian lận thương mại chưa đủ mạnh nên dẫn đến những hiện tượng nhờn pháp luật. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ngành từ công an cho đến biên phòng, hải quan và quản lý thị trường chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung quyết liệt:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các lực lượng liên ngành để tổ chức đấu tranh chống các tổ chức buôn lậu quy mô lớn và những lực lượng buôn lậu tinh vi, có hệ thống. Phát huy trách nhiệm của từng ngành, từng lực lượng.

Thứ hai, tiếp tục xem xét, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, nhất là điều chỉnh chế tài đối với hành vi buôn lậu, trong đó có buôn lậu thuốc lá. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua quy định cho phép xem xét trách nhiệm hình sự khi buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá. Đây là cơ sở rất quan trọng, nếu không các hoạt động buôn lậu thuốc lá sẽ tìm cách né tránh kẽ hở của pháp luật.

Thứ ba, cần có quan điểm toàn diện, đồng bộ, thống nhất, nghiêm khắc để xử lý hành vi buôn lậu, trong đó có buôn lậu thuốc lá…

Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay, chất lượng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, hiểu biết pháp luật của lực lượng chuyên ngành, trong đó có quản lý thị trường vẫn còn tồn tại yếu kém, mặc dù đã được khắc phục nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là tới đây, Chính phủ sẽ thành lập Tổng cục quản lý thị trường hoạt động theo hệ thống ngành dọc, thực hiện theo Pháp lệnh quản lý thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường chất lượng, nâng cao phẩm chất cho đội ngũ cán bộ quản lý thị trường trong thực hiện những nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn quốc.

Xâm hại tình dục trẻ em: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp

Mở đầu phiên thảo luận (1/11), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh những bức xúc của cử tri liên quan đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục. Đại biểu cho rằng, chưa có bao giờ tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục phức tạp như trong thời gian qua.

Xâm hại tình dục trẻ em: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như: Số trẻ em bị xâm hại ở mẫu giáo gia tăng; xâm hại trẻ sau đó giết trẻ, hoặc đe dọa khiến trẻ bị tổn thương; nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân; một số vụ thầy giáo, bảo vệ nhà trường xâm hại nhiều học sinh, chỉ đến khi các cháu quá hoảng sợ mới nói với người lớn. Sự việc nghiêm trọng như vậy, nhưng có dấu hiệu bỏ qua, bị bỏ lọt, rất khó khăn cho quá trình xử lý vụ án. Bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng, gia đình vốn là hàng rào bảo vệ các em, nhưng chúng ta mới quan tâm theo cách truyền thống, mà chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho trẻ các kiến thức cần thiết về giới tính, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sau khi vụ việc xảy ra gia đình không báo với chính quyền, cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn để đấy. Qua các vụ việc cho thấy, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường còn hạn chế và chưa được chuyên nghiệp. Sách giáo khoa còn ít phần thể hiện, giáo viên còn tâm lý e ngại…

Đề cập khó khăn liên quan đến vấn đề giám định, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, Luật Giám định tư pháp không có quy định gia đình người bị hại có quyền yêu cầu giám định ngay, mà chỉ sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Thời gian giám định càng kéo dài thì khả năng chứng minh càng giảm. Do đó, “khi sửa đổi Luật Giám định tư pháp cần quy định cho phép gia đình người bị hại được yêu cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra”, đại biểu đề nghị. Về công tác quản lý Nhà nước với trẻ em nói chung và với trẻ em bị xâm hại nói riêng còn nhiều hạn chế. Theo quy định pháp luật hiện hành, có 15 cơ quan có trách nhiệm, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối. Nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có số liệu chính xác về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Tất cả đều lấy số liệu theo các vụ án bị khởi tố. “Nếu lấy theo số liệu này không phải ánh đúng tình hình, vì có trường hợp trẻ em và gia đình chấp nhận im lặng bỏ qua. Không đánh giá được tình hình sẽ không có biện pháp phù hợp”, bà nhấn mạnh.

Chạy chức, chạy quyền? có hay không phải giải đáp cho dân

Ngày 02/11, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước. Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội của Đoàn Đồng Nai phát biểu ý kiến về việc xây dựng niềm tin cho người dân từ góc độ nhìn nhận các vấn đề xã hội, điển hình như vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm.

Nếu chúng ta thêm chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững (Ảnh: Quốc hội)

Nếu chúng ta thêm chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững (Ảnh: Internet)

Thiếu chỉ tiêu về lòng tin

Sau hai ngày theo dõi các bài phát biểu của các vị đại biểu, đại biểu Dương Trung Quốc nhận thấy “chúng ta tập trung rất nhiều vào các chỉ tiêu kinh tế, 13 chỉ tiêu thành đạt của Chính phủ, đó là điều rất đáng khích lệ, đáng ghi nhận” nhưng lại thiếu chỉ tiêu định lượng được, chính là chỉ tiêu “về lòng tin”. “Nếu chúng ta thêm chỉ tiêu về lòng tin thì chắc chắn sẽ làm cho sự phát triển kinh tế bền vững”, ông nói.

Vấn đề xây dựng niềm tin cho người dân

Để củng cố về vấn đề xây dựng niềm tin đối với người dân, nhà sử học dẫn dắt ví dụ về những nhà chép sử, khi viết về chính trị họ chỉ cần viết “Thời đó, cửa không cần then, cổng không cần khóa”, rồi nạn đói năm 1945 ở nước ta, nhưng không có tình trạng con người ăn thịt lẫn nhau như ở các nước khác, ông cha ta lúc bấy giờ vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm.

Nhìn nhận khía cạnh an toàn thực phẩm như một vấn đề của việc xây dựng niềm tin, ông Quốc nêu hiện tượng “nuôi lợn hai chuồng, nuôi rau hai luống” chỉ vì lợi ích cá nhân, nhiều nông dân sẵn sàng gây thiệt hại cho sức khỏe đồng loại, “Đây là điều cực kỳ nguy hại”.

Theo đại biểu Quốc, tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, mất niềm tin là hết sức nguy hiểm, “kinh tế có thể vực dậy được, nhưng đạo đức mà mất thì rất khó làm lại”, ví dụ như vụ Khaisilk, chuyện EU rút thẻ vàng đối với ngành cá của Việt Nam.

“Cuộc thảo luận của chúng ta liên quan đến cải cách hành chính dường như chưa ai nói đến việc mua quan bán chức, mua quan bán chức, có hay không phải giải đáp cho dân, kể cả thông tin liên quan đến bản án của một cựu đại biểu Quốc hội, rằng Quốc hội có chạy không cũng phải làm rõ cho dân để tăng cường lòng tin đối với bộ máy Nhà nước”, đại diện đoàn Đồng Nai nhấn mạnh.

6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nghệ An phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao vị trí, tầm quan trọng chiến lược đặc biệt của Nghệ An, đồng thời nhấn mạnh Đảng bộ và nhân dân tỉnh phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Anh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Anh

Chiều 29/10, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương.

Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao vị trí, tầm quan trọng chiến lược đặc biệt của Nghệ An trong sự phát triển của vùng và của đất nước. Trong đó, nổi bật là về vị trí địa lý, tự nhiên, con người, truyền thống lịch sử, văn hoá và là vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Tuy nhiên, để tương xứng với vị trí, vai trò của Nghệ An, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An và kỳ vọng của đồng bào cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tỉnh phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa trong Đảng bộ, chính quyền, nhân dân.

 7. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Ngày 29-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân đã chủ trì Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Cùng tham gia Tổng duyệt có Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các đồng chí Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam; cùng Trưởng các Tiểu ban Lễ tân, Vật chất và Hậu cần, Tuyên truyền và Văn hóa, An ninh và Y tế, và Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017. Gần 600 tình nguyện viên, liên lạc viên đến từ các bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng đã được huy động để phục vụ Tổng duyệt.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân đã chủ trì Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN

Gần 600 tình nguyện viên, liên lạc viên đến từ các bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng đã được huy động để phục vụ Tổng duyệt. Ảnh: TTXVN

Để bảo đảm các hoạt động của Chủ tịch nước và Phu nhân, các Trưởng đoàn và Phu nhân/Phu quân của các nền kinh tế APEC cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao diễn ra thành công, trang trọng, chính xác và an toàn tuyệt đối, tại buổi Tổng duyệt, các kịch bản, kế hoạch, đặc biệt là kịch bản các hoạt động của Chủ tịch nước và Phu nhân, trong đó có Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Lễ đón chính thức và Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng, họp báo… đã được diễn tập như thực tế tại các địa điểm tổ chức các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao. Chủ tịch nước cũng kiểm tra địa điểm diễn ra các cuộc gặp song phương cấp cao. Phu nhân Chủ tịch nước đã chủ trì tổng duyệt chương trình Phu nhân/Phu quân các nhà Lãnh đạo APEC…

8. Ít nhất 11 người chết, nhiều nạn nhân mất tích vì bão Damrey

Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định ghi nhận 11 người tử vong, nhiều nạn nhân mất tích… sau khi bị bão Damrey quét qua.

Bão Damrey có sức gió 130 km/h tiến vào bờ

Được dự báo 4h ngày 4/11 mới vào các tỉnh Nam Trung bộ, song Damrey (bão số 12) đã gây mưa rất lớn ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… trước đó sáu tiếng. Nó được cho là “cơn bão đặc biệt” vì sức gió đã mạnh lên hai cấp (từ 10 lên 12, 130 km/h) khi vào gần bờ do kết hợp với khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống.

Tôn tốc mái bay khắp nơi ngoài đường ở Hòn Rớ (Nha Trang). Ảnh: Xuân Ngọc.

Cây cối trên các con đường trung tâm Nha Trang (Khánh Hòa) ngã rạp, sóng biển cao gần 4 m – nhất là phía Quảng trường 2 Tháng 4. Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã phát lệnh cấm người dân ra đường từ đêm qua. “Gió gầm rú, mưa to, điện bị cúp, cả đêm chúng tôi không dám ngủ. Khu phố của tôi lại nằm trong vùng dự báo gió cấp 12, giật cấp 15, không biết bão vào có trụ được không”, chị Trang (25 tuổi) cho biết. Trong khi đó TP Tuy Hòa, Phú Yên mưa mịt mùng. Sóng cao gần 5 m cuồn cuộn ập vào bờ, tung bọt trắng xóa; hàng dương liễu bị gió cuốn nghiêng ngả. Nhiều căn nhà phát ra tiếng rung bần bật, mái tôn va vào nhau chát chúa. Một số khu vực bị cúp điện.

Tuyến đường ở TP Nha Trang ngập sâu trong nước sau bão. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thời điềm này nhận định: “Cấp độ rủi ro thiên tai bão ở Phú Yên, Khánh Hòa được nâng lên cấp 4 – chỉ sau mức thảm họa”…

9. Nhà Trắng tất bật chuẩn bị cho chuyến công du châu Á của ông Trump

nha-trang-tat-bat-chun-bi-cho-chuyen-cong-du-chau-a-cua-ong-trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có chuyến công du châu Á qua 5 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ ngày 3 đến 14/11. Đây là chuyến công du dài nhất của ông Trump kể từ khi nhậm chức đến nay, đòi hỏi nỗ lực chuẩn bị rất lớn của đội ngũ trợ lý ở Nhà Trắng. Politico dẫn lời các nguồn thạo tin tiết lộ đội ngũ cố vấn cho Tổng thống Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, những ngày qua liên tục trao đổi với ông Trump về mọi chi tiết của chuyến đi.

Với hàng chục cuộc thảo luận để lên kế hoạch cho các bài phát biểu công khai của Tổng thống Mỹ và liệt kê những điểm ông nên nói về vấn đề phòng thủ trước Triều Tiên hay thương mại với Trung Quốc, đội cố vấn cố gắng rút ngắn thời gian mỗi cuộc họp để ông Trump không bị quá tải thông tin. “Chúng tôi cố gắng làm từng bước một để dễ theo dõi”, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay và thêm rằng Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng đã họp với Tổng thống Trump.

Theo các cựu quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, đội ngũ của ông Trump có thể vấp phải vô số vấn đề về nghi thức khi đến châu Á, nơi rất coi trọng khuôn phép và lễ nghi. Những tương tác giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia châu Á khác đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington.

10. Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại với Cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản Nga tiến hành, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Nga Xô viết – Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Đây là một sự kiện trọng đại trong tiến trình lịch sử của nhân loại, mở ra thời kỳ phát triển mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 300…)

Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh các lực lượng yêu nước bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười đến với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” – cuốn sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác và Lênin” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 2, tr. 280). Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đã dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin; đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc Việt Nam, là yêu cầu khách quan, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vẻ vang. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 8, tr. 572). Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Với những thắng lợi vĩ đại giành được trong suốt 87 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế, uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Những mốc son chói lọi mà cách mạng Việt Nam giành được là sự nối tiếp hào hùng lý tưởng, mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 305). Chính vì vậy, trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình cảm gắn bó và lòng biết ơn đối với Cách mạng Tháng Mười cũng như đối với V.I. Lênin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản – là vô cùng sâu sắc…

Anh Nga

(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

Tinh giản biên chế sẽ hoàn thành đúng lộ trình nếu quyết tâm vì lợi ích chung

ĐBQH đề nghị lùi thời gian áp dụng cách tính lương hưu mới cho phụ nữ

Không dùng ngân sách trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiết lộ chuyện hậu trường APEC

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ những khó khăn Việt Nam phải đối mặt và vượt qua để tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC.

APEC 2017 – thắng lợi của Việt Nam và thương mại tự do

Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang