Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (27/11 – 01/12)

02/12/2017 12:54

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Viện trưởng VKSND tối cao tiếp xúc cử tri Quận 5, Quận 10 ngay sau kỳ họp Quốc hội

Ngay sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/11/2017, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cùng thành viên Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 4, TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri Quận 5 và Quận 10.

Tại hội nghị tổ đại biểu thông báo đến cử tri 02 quận kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa mới kết thúc. Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 4

Quốc hội thông qua 6 luật có ý nghĩa quan trọng trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phát triển lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường và thúc đẩy quan hệ đối ngoại trong tình hình mới. Quốc hội cũng cho ý kiến với 9 dự án luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quyết định các vấn đề quan trọng khác như dự án thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; thí điểm cơ chế chính sách đặt thù phát triễn cho TP Hồ Chí Minh.

Cử tri Quận 5, TP Hồ Chí Minh tham dự buổi tiếp xúc cử tri

Đối với hoạt động chấn vất và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 4 có tổng cộng 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gởi đến Quốc hội, tập trung chủ yếu vào Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ngành. Quốc hội cũng dành thời gian xem xét báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo công tác của Chính phủ.

Cử tri Quận 10, TP Hồ Chí Minh tham dự buổi tiếp xúc cử tri

Đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đông đảo cử tri bày tỏ sự vui mừng khi tổ đại biểu Quốc hội khu vực bầu cử số 4 đã góp phần đưa tiếng nói của người dân Quận 5 và Quận 10 đối với các bức xúc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tình trạng ô nhiễm môi trường và các bất cập trong lĩnh vực y tế, giáo dục… đến với diễn đàn Quốc hội. Cử tri 02 quận thật sự phấn khởi với kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV xem xét và thông qua Nghị quyết về cơ chế đặt thù phát triển dành cho TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra hoạt động chấn vấn chú trọng nhiều vào tranh luận của Quốc hội lần này cũng được cử tri đánh giá cao và đề nghị tiếp tục phát huy…

2. Lãnh đạo VKSND tối cao tiếp xã giao Đoàn đại biểu Tổng VKSQS Liên Bang Nga

Ngày 27/11/2017, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp xã giao ông Petrov Valery Georgievich, Phó Viện trưởng Tổng Viện kiểm sát Liên bang Nga, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn tới thăm và làm việc tại VKSNDTC Việt Nam.

Tham dự tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Viện trưởng VKSQS Trung ương; lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự, Văn phòng VKSND tối cao.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp xã giao Đoàn đại biểu  Tổng Công tố quân sự Liên Bang Nga

Tại buổi tiếp, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn bày tỏ vui mừng được tiếp đón ông Petrov Valery Georgievich và đoàn công tác tới thăm, làm việc với VKSND tối cao Việt Nam. Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC mong muốn thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tổ chức trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao để cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác kiểm sát; phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia trên cơ sở thực hiện tốt hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học; đồng thời sẽ luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế mà các bên cùng tham gia.

Toàn cảnh buổi tiếp

3. Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường thanh tra đột xuất

Ngày 28/11/17, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 08/CT-VKSTC về tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ viêc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự, nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật xử lý nghiêm các vi phạm, chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng đối với cán bộ, công chức và người lao động trong ngành, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện trưởng VKSND tối cao.

Trước đó, ngày 23/11, ngày 23/11/17, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 07/CT-VKSTC về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

4. Tổng bí thư: ‘Không phải kỷ luật nhiều là thành công’

Sáng 29/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri hai quận Tây Hồ, Ba Đình. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc phòng, chống tham nhũng tuy đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/11. Ảnh: Võ Hải

Không phải kỷ luật nhiều là thành công

“Tôi đã nhiều lần nói đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên quyết và kiên trì, không thể nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ ổn định”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Theo ông, không phải kỷ luật nhiều là thành công, “cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công”. Việc điều tra tội phạm tham nhũng cần thu thập chứng cứ rõ ràng, phải có thời gian, không vội, nhưng không vì vậy mà trì hoãn, kéo dài và quyết không thể để chìm xuồng.

Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt.

Cụ thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.

Lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc

Đề cập đến việc vừa qua có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá công cuộc chống tham nhũng “trên nóng, dưới lạnh”, Tổng bí thư cho rằng thực tế hiện dưới đang nóng dần lên, “một số nơi đang làm, phải làm”.

“Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc”, ông nhấn mạnh.

Theo Tổng bí thư, luật pháp là công cụ bảo đảm để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. “Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa”, ông nói.

Về việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư cho hay “lần này rất muốn thông qua sớm nhưng đây là luật khó, cần phải làm kỹ, tập trung vào những khâu yếu lâu nay để khắc phục”.

Cử tri Phan Văn Nhâm. Ảnh: Võ Hải

Trong cuộc tiếp xúc với Tổng bí thư, nhiều người dân cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo cử tri Phan Văn Nhâm (phường Thuỵ Khuê),“Chống tham nhũng nói là không có vùng cấm, nhưng còn vùng nể, vùng tránh không?”, ông Nhâm nêu vấn đề và đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, “tiến hành cuộc chiến này liên tục để bảo vệ tài sản quốc gia, bảo vệ chế độ”.

5. Nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược trong năm 2018

Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Australia nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường, hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược trong năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith, Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan

Sáng 29/11 (theo giờ địa phương), lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Australia đã được tổ chức trọng thể tại thủ đô Canberra với sự đồng chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith và Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan.

Ngay sau lễ đón, Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith, Chủ tịch Thượng viện Australia Scott Ryan và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiến hành hội đàm.

Về quan hệ hai nước, các nhà lãnh đạo Quốc hội hai nước đều nhận định, quan hệ Việt Nam và Australia đang phát triển ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2018, hiện nay, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, quan hệ hai nước đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Khẳng định Quốc hội Việt Nam ủng hộ sớm nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng hiệu quả. Hiện Australia là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam (kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng 10% mỗi năm, đạt trên 5 tỷ USD). Australia là nhà tài trợ ODA không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, góp phần đáng kể cho việc hỗ trợ sinh kế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam…

6. Cục Kiểm tra văn bản đề nghị lùi thực hiện quy định về sổ đỏ

Cho rằng thông tư 33 chưa lường hết các vấn đề phát sinh và tính khả thi, Cục trưởng Kiểm tra văn bản pháp luật Bộ Tư pháp đề nghị lùi thời điểm thực hiện.

Ngày 30/11, Cục trưởng Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết việc hướng dẫn cách ghi các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực từ 5/12) là có cơ sở pháp lý, căn cứ Luật đất đai 2013, Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) thấy “chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này”.

Theo Cục trưởng Ba, nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là việc xác định những người có chung quyền sử dụng đất, kể cả phần quyền của mỗi người trong hộ gia đình, ông đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường nên “xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này” để có thêm thời gian chuẩn bị và  tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội.

7. Tranh cãi “nảy lửa” về đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31 chữ

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt bằng cách giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31 của PGS.TS. Bùi Hiền – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền (Ảnh: M.Q)

PGS-TS Bùi Hiền (ảnh:NVCC)

Ngay sau khi ý tưởng này được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một giáo viên dạy văn tại trường THPT trên địa bàn Hà Nội xin được giấu tên cho hay: “Nếu để ý kỹ sẽ thấy, hiện nay hiện diện của chữ quốc ngữ trong các tác phẩm văn học gần như không gây ra hiểu nhầm vì nó được quy định và được dạy cho các con ngay từ bậc mầm non. Vì thế, gần như không có sự nhầm lẫn. cũng như các văn bản hành chính đều gần như không có hiểu nhầm đáng kể. Vì thế, tôi nghĩ không cần tiến hành những cải cách như nói trên. Đó là chưa kể, các văn bản hành chính từ  hay các tư liệu thì thay đổi thế nào? Nếu giờ thay đổi thì thế hệ sau đọc tư liệu sẽ phải dịch như mình dịch tiếng nước ngoài? Như thế sẽ rất phức tạp”.

Một ý kiến khác cho rằng, chúng ta nên giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Nếu thay đổi như đề xuất thì sẽ khó giải nghĩa từ hơn trước. Đó là chưa kể đến sự tinh tế trong tiếng Việt. Chúng ta nên giữ đúng bản sắc của ông cha, đừng chạy theo bất cứ nước ngoài, du nhập theo kiểu “hòa tan”…

8. Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Triều Tiên sáng sớm nay phóng thử một tên lửa tầm xa rơi xuống gần Nhật Bản. Nó đạt độ cao 4.000 km và được dự đoán đủ khả năng chạm tới bất cứ nơi nào ở Mỹ.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Triều Tiên từng phóng thử. Ảnh: KCNA.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Triều Tiên từng phóng thử. Ảnh: KCNA.

Tên lửa bay từ khu vực quanh thị trấn Pyongsong, đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 3h17, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết. Rob Manning, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói tên lửa được phóng từ Sain Ni, Triều Tiên, bay xa khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển nước này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đăng trên Twitter rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump “được báo cáo về tình hình Triều Tiên khi tên lửa vẫn còn đang bay trên trời”. Ông Trump cho biết sẽ “xử lý vấn đề Triều Tiên”.

Ông Trump và ông Abe cũng điện đàm sau đó, cảnh báo Triều Tiên đang tự đặt an ninh nước này vào vòng rủi ro bằng vụ phóng thử tên lửa khiêu khích mới. “Hai lãnh đạo tái khẳng định cam kết chống lại mối đe doạ Triều Tiên”, Nhà Trắng thông báo về cuộc điện đàm. Hai lãnh đạo không thảo luận về lựa chọn quân sự với Triều Tiên, theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và các đại sứ Nhật Bản, Hàn Quốc đã đề nghị triệu tập họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ phóng.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ ngày 15/9, khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung KN-17 bay qua đảo Hokkaido của Nhật, rơi xuống Thái Bình Dương.

Anh Nga

(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

Khi người điên là mối lo của xã hội

Bắt buộc chữa bệnh theo BLTTHS và BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Tặng cho người bị tâm thần quyền sử dụng đất được không?

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/10 – 03/11)

(Kiemsat.vn) - Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc; Thảo luận sôi nổi tại các phiên họp Quốc hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga; thiệt hại vì bão Damrey... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (16/10 – 20/10)

(Kiemsat.vn) - Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang