Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (20/11 – 24/11)

25/11/2017 09:56

(kiemsat.vn)
Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Đoàn công tác Ban dân vận Trung ương làm việc với VKSNDTC

Chiều 24/11, Đoàn công tác Ban dân vận Trung ương do đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban dân vận làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát về kết quả thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” tại VKSND tối cao.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Bí thư đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao  làm việc với đoàn.

Đồng chí Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương, Trưởng đoàn công tác làm việc với VKSND tối cao

Theo báo cáo với Đoàn công tác, trong thời gian qua VKSND tối cao thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân vận, cụ thể, kết quả thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Kết quả công tác dân vận gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành: Trong công tác cải cách tư pháp, VKSND tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương thực hiện đúng lộ trình, các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo tinh thần các nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị; chất lượng thực hành quyền công tố được nâng cao; công tác điều tra, truy tố bảo đảm đúng người, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; VKSND các cấp đã chủ động phối kết hợp với Toà án cùng cấp lựa chọn vụ án đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân…

Đối với công tác giáo dục cán bộ, công chức gương mẫu chấp hành pháp luật và tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ công chức ngành Kiểm sát nhân dân; Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã phối hợp với Đảng ủy VKSND tối cao chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành. Lãnh đạo các đơn vị trong Ngành, từng cán bộ, công chức, đảng viên coi năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác là thước đo chủ yếu, cơ bản trong đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên và thi đua, khen thưởng…

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc

Ngoài ra, đối với các mặt kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong cơ quan, đơn vị, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hoá và công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; kết quả thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử; việc thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” “nghe dân nói, nói dân hiểu” trong đội ngũ cán bộ, công chức ngành KSND cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Toàn cảnh buổi làm việc

2. Xây dựng Thông tư liên tịch về trưng cầu giám định trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế

Ngày 21/11/2017, liên ngành VKSND tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp tổ chức họp về việc xây dựng Thông tư liên tịch quy định, hướng dẫn những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an chủ trì cuộc họp

Dự thảo Thông tư liên tịch được xây dựng gồm 03 Chương, 12 Điều; nội dung quy định, hướng dẫn những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế và một số vấn đề khác có liên quan.

Toàn cảnh cuộc họp

3. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm trọng thể ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sáng 20/11, tại Trường Đại học Kiểm sát đã diễn ra Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam để tri ân những thầy cô đã và đang dạy học tại trường. Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã tới dự.

Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đến dự và phát biểu tại buổi Lễ 

PGS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kiểm sát

Trong không khí xúc động và vui mừng, PGS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đã thay mặt Hội đồng nhà trường tri ân các thế hệ giảng viên đã tận tình, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời khẳng định: “Chúng tôi, những người thầy của Trường Đại học Kiểm sát xin hứa sẽ luôn truyền cảm hứng cho các học sinh, là người dẫn lối tâm hồn cho các em vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSNDTC, Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng buổi Lễ hôm nay không chỉ là niềm vui của riêng Trường Đại học Kiểm sát mà là niềm vui chung của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Kiểm sát, là sự biết ơn các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã vun đắp, xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành . Đồng chí yêu cầu bên cạnh những mục tiêu cụ thể và quan trọng như phấn đấu đến 2018 có thể đào tạo trình độ thạc sỹ luật và sau đó là đào tạo nghiên cứu sinh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học thì trường Đại học Kiểm sát cần: “Có lộ trình và kế hoạch cụ thể để bổ sung đủ số lượng và hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng cả về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức quản lý, ý thức trách nhiệm, lập trường quan điểm chính trị, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ cao. Chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng Trường trở thành một Trường Đại học đào tạo chất lượng cao trong hệ thống các trường đại học của cả nước”.

Các thầy, cô giáo nguyên là lãnh đạo, giảng viên của nhà trường 

Cũng tại buổi Lễ, Trường Đại học Kiểm sát công bố Quyết định số 733/QĐ-TĐKT về việc khen thưởng cho 15 giảng viên nhà trường đạt danh hiệu “Giảng viên giỏi” năm học 2016-2017.

4. Trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật

Chiều 21/11/2017, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì buổi Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật.

Toàn cảnh buổi lễ


Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định và chúc mừng Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật Nguyễn Văn Thắng

Tại buổi lễ, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao công bố Quyết định số 23/QĐ-VKSTC ngày 15/11/2017 của Viện trưởng VKSNDTC về việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật VKSNDTC. Thời gian bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 15/11/2017.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ công bố quyết định, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường nhấn mạnh, việc bổ nhiệm lãnh đạo Báo BVPL thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo VKSNDTC đối với việc xây dựng và phát triển của tờ báo. Phó Viện trưởng đề nghị trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Thắng sẽ cùng đơn vị tập trung, đoàn kết, phấn đấu vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sớm kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế trong hoạt động và phối hợp của đơn vị; đồng thời đề ra các biện pháp để tờ báo ngày càng phát triển, chuẩn bị cho Kỷ niệm 15 năm xây dựng và trưởng thành, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của ngành KSND.

5. Tin tức Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội thông qua Nghị quyết về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước

Với 94,5% đại biểu tán thành, chiều 24/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 08/BC-ĐGS ngày 12/10/2017 của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Nghị quyết nêu rõ, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được Quốc hội thông qua trong phiên họp toàn thể tại Hội trường chiều 24/11 với 93,89% đại biểu Quốc hội tán thành.

Nghị quyết được thông qua nêu rõ, Quốc hội ghi nhận nỗ lực, các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội, tập trung thực hiện các cam kết, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung và các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này nói riêng, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau…

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh – Động lực phát triển mới và trách nhiệm lớn của Thành phố vì cả nước

Với 93,69% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý. Như vậy, một số vấn đề hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng được phân cấp cho TP.HCM quyết định.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thu hồi đất Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án là 22.938 tỷ đồng (Hai mươi hai nghìn, chín trăm ba mươi tám tỷ đồng). Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 héc-ta, trong đó: diện tích đất của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 héc-ta, diện tích đất khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn là 282,35 héc-ta, diện tích đất phân khu III của khu tái định cư Bình Sơn là 97 héc-ta, diện tích đất khu nghĩa trang là 20 héc-ta. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Về bố trí vốn, ngoài nguồn vốn 5.000 tỷ đồng (Năm nghìn tỷ đồng) đã được Quốc hội bố trí theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng (Mười lăm nghìn tỷ đồng) trong tổng số 80.000 tỷ đồng (Tám mươi nghìn tỷ đồng) cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội; 2.938 tỷ đồng (Hai nghìn chín trăm ba mươi tám tỷ đồng) từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu, trường hợp không thu đủ từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định từ nguồn nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020…

Quốc hội thông qua phương án phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt

Với tỉ lệ tán thành là 88,80%, tương ứng 436/444 đại biểu tham gia biểu quyết, chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được thông qua, 5 phương án để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.

Theo đó, phương án phục hồi là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt…

6. Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Chiều 24/11, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 đã bế mạc sau gần một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 23/10/2017 đến ngày 24/11/2017); với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Các luật được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 06 luật, gồm Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công; phát triển ngành lâm nghiệp, thủy sản; tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới…

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm 09 dự án luật, đó là: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.


Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV ngày 24/11

Chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành. Trong thời gian 3 ngày chất vấn, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an tham gia báo cáo làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết thâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được thông qua; tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

7. Thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Ngày 25/11/2017 tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử với một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Phát biểu kết luận Cuộc họp, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh:

1. Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương nỗ lực, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Quang cảnh cuộc họp

Từ sau Phiên họp thứ 12 (ngày 31-7-2017) của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao, nhất là:

1.1. Tích cực, khẩn trương đưa vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (01 án tử hình, 01 án chung thân); qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

1.2. Khẩn trương đưa vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội ra xét xử, với những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật (01 án chung thân).

1.3. Tích cực điều tra làm rõ vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), khởi tố thêm 09 bị can là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch về các tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

1.4. Tích cực điều tra, làm rõ nhiều sai phạm trong giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận

2. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 08 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và Quý I – 2018. Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 tháng 1-2018 và đầu tháng 2-2018 theo đúng quy định của pháp luật…

8. Tổng thống Mugabe từ chức: Tháo ngòi nổ khủng hoảng Zimbabwe

Người dân Zimbabwe đã đổ xuống các đường phố tại thủ đô Harare để ăn mừng trước việc ông Mugabe từ chức. Trong khi đó, đảng cầm quyền ZANU-PF thông báo cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trong ngày 22 hoặc 23/11.

tong thong mugabe tu chuc thao ngoi no khung hoang zimbabwe hinh 1

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. (Ảnh: AFP)

Đêm 21/11 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã gửi thư từ chức tới Quốc hội, nơi đang diễn ra phiên luận tội ông. Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda ngay lập tức cho ngừng tiến trình luận tội này.

9. Đánh bom, xả súng ở nhà thờ Ai Cập, ít nhất 235 người chết

Hiện trường vụ đánh bom (Ảnh: Twitter)

Hãng tin Jerusalem Post dẫn lời giới chức Ai Cập cho biết, vụ tấn công xảy ra tại nhà thờ Al Rawdah, ở Bir al-Abed, phía tây thành phố Arish, bán đảo Sinai.

Theo giới chức quốc phòng, những kẻ tấn công ban đầu đánh bom vào khu vực nhà thờ và tiếp đó dùng súng máy tấn công những người cầu nguyện bên trong. Các nhân chứng cho biết, các tay súng này đi trên 4 chiếc ô tô địa hình.

Theo Jerusalem Post, vụ tấn công khiến ít nhất 235 người thiệt mạng và khoảng 130 người bị thương. Con số thương vong được dự đoán còn tăng tiếp. Những hình ảnh được đăng tải trên truyền hình quốc gia Ai Cập cho thấy, các nạn nhân nằm la liệt và phủ chăn bên trong nhà thờ.

Các nạn nhân được khẩn trương chuyển vào bệnh viện sau vụ tấn công. (Ảnh: Getty)

Nạn nhân nằm la liệt bên trong nhà thờ bị tấn công. (Ảnh: Sinai News)

Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Anh Nga

(tổng hợp)

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (30/10 – 03/11)

(Kiemsat.vn) - Hoàn thành vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc; Thảo luận sôi nổi tại các phiên họp Quốc hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga; thiệt hại vì bão Damrey... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (16/10 – 20/10)

(Kiemsat.vn) - Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện, vấn đề nổi bật trong tuần qua.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang