Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (10/7 – 14/7)

15/07/2017 05:30

(kiemsat.vn)
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân (13/7/1987 – 13/7/2017); Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 đạo luật; Họp báo công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 và 05 đạo luật; Bộ Quốc phòng kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể các doanh nghiệp kinh tế, thương mại thuần túy ... là những tin tức, sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân (13/7/1987 – 13/7/2017)

Sáng 13/7/2017, tại Hà Nội, VKSNDTC long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Hải Phong, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn và đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQS trung ương; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; đại diện cơ quan thanh tra một số bộ, ngành; các đồng chí Viện trưởng, Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng thanh tra của các VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra VKSNDTC.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Ảnh: Trường Giang.

Ngày 13/7/1987 đánh dấu sự ra đời của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân. Những ngày đầu Thanh tra VKSND chỉ được thành lập tại VKSND tối cao với 05 cán bộ, ở độ tuổi trên 55, đến nay đã hình thành đội ngũ công chức thanh tra lên tới hơn 200 người, và phát triển thành một hệ thống cơ quan Thanh tra từ VKSND tối cao (05 Phòng), VKSND cấp cao, 49 đơn vị Thanh tra và 14 Tổ thanh tra tại các VKSND cấp tỉnh; tiến tới cuối năm 2017 hoàn thành việc thành lập Thanh tra chuyên trách tại 63 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ, Ảnh: Trường Giang

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC đã biểu dương những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua của Thanh tra VKSNDTC, đồng thời nhấn mạnh, Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng với tình hình mới; công tác thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm và phẩm chất đạo đức vì chất lượng công tác thanh tra tốt hay hạn chế là phụ thuộc vào chất lượng cán bộ thanh tra.

Cán bộ thanh tra phải có tâm, có tầm, công minh, chính trực và phải quán triệt quan điểm thanh tra là để “trị bệnh cứu người” nhằm góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC trao bằng khen cho tập thể, cá nhân Thanh tra ngành KSND

2. Kết quả chương trình làm việc tại Thụy Sĩ của đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC dẫn đầu

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Đoàn công tác liên ngành tư pháp gồm đại diện VKSND tối cao, TAND tối cao, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp do đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Thụy sĩ từ ngày 25/6 đến 01/7/2017.

Mục đích của chuyến công tác là trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai Bộ luật Tố tụng hình sự và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan tư pháp hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ.

Làm việc tại trụ sở cơ quan tư pháp thủ đô Bern (26.6.2017)

Trong thời gian tại Thụy Sĩ, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc với cơ quan Tổng Chưởng lý liên bang; Viện công tố, Tòa án áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trại tạm giam bang Bern; Viện công tố bang Zurich; Viện công tố, cơ quan điều tra bang Saint Gallen; Tòa phúc thẩm hình sự liên bang tại Bellizona; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ. Tổng Chưởng lý Thụy Sĩ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Thủ hiến bang Saint Gallen đã tiếp và hội đàm với Đoàn. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng tham gia một số hoạt động chính thức của Đoàn.

Tổng Chưởng lý Thụy Sĩ Michael Lauber tiếp Đ.c Nguyễn Hải Phong (Bern 27/6/2017)

Làm việc tại cơ quan cảnh sát bang Bern (27/6/2017)

Tại các buổi làm việc, hai bên đã tập trung thảo luận, trao đổi sâu về pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết các vụ án kinh tế phức tạp, đặc biệt là các vụ án có yếu tố nước ngoài có liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự; đấu tranh chống tội phạm mạng, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế, áp dụng các biện pháp điều tra bí mật, điều tra đối với cán bộ tư pháp phạm tội, bào chữa, thu thập, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa; kinh nghiệm kiện toàn tổ chức và thi hành Bộ luật tố tụng hình sự mới tại các Viện công tố và Tòa án.

3. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn tiếp đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Chiều 13/7/2017, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã có buổi tiếp ông Layton Pike, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sang thăm và làm việc tại VKSNDTC.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC tiếp 
đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Tại buổi tiếp, ông Layton Pike, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp của Lãnh đạo VKSNDTC, đồng thời nhấn mạnh, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Australia ngày càng được tăng cường, củng cố và phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật đã có nhiều kết quả nổi bật kể từ khi hai nước Việt Nam và Australia đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, qua đó góp phần hoàn thiện khung pháp lý song phương về hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.


Toàn cảnh buổi làm việc

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn mong rằng thời gian tới các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong đó có VKSNDTC sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Đại sứ quán Australia nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Australia.

4. Tuyên bố chung Việt Nam – Hà Lan

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 08 đến 11/7 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mác Mark Rutte, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mác Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 08 đến ngày 11 tháng 7 năm 2017.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi với Thủ tướng Mark Rutte; gặp Chủ tịch Thượng viện Ankie Broekers-Knol và Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib; thăm cảng Rotterdam và làm việc với Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb; thăm Đại học và Trung tâm Nghiên cứu Wageningen; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan và Tọa đàm Bàn tròn Doanh nghiệp, tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hà Lan.

Hai Thủ tướng hài lòng ghi nhận quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước năm 2010 và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực năm 2014. Hai Thủ tướng cam kết tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi đoàn, bao gồm tham vấn định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao về các vấn đề cùng quan tâm và có chung lợi ích. Các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, khi cần thiết, sẽ tham vấn và tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm.

Hai Thủ tướng ghi nhận việc Việt Nam và Hà Lan sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018 và nhất trí hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm sự kiện đặc biệt này.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 12

Sáng 11.7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khai mạc phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, phiên họp này sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7/2017.

Theo đó, tại phiên họp này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 10 tới; thảo luận về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng; cho ý kiến việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh; việc điều chỉnh đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học.

Để đảm bảo tính ổn định và tạo thuận lợi cho việc tham dự và phục vụ phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ cố định thời gian khai mạc phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào ngày 10 hàng tháng, trừ trường hợp trùng vào ngày nghỉ hoặc thời gian diễn ra hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng hay có việc đột xuất phát sinh rất quan trọng của đất nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp cố định vào ngày 10 hàng tháng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước Ủy ban thường vụ Quốc hội: Bố trí thời gian họp cố định để Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban, trưởng các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ phục vụ Quốc hội biết được để chuẩn bị cho chu đáo, không bị động về thời gian. Thứ hai là bố trí nội dung trải đều các phiên họp để đảm bảo mỗi phiên họp Quốc hội không quá 7 ngày.

6. Văn phòng Chủ tịch nước công bố 12 đạo luật

Sáng ngày 12/7/2017, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Lễ công bố 6 luật; trong đó có 3 luật mới được ban hành lần đầu (Luật Thủy lợi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý ngoại thương), 3 luật được sửa đổi, bổ sung (Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Du lịch, Luật Đường sắt).

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 đạo luật trên; 3 luật có hiệu lực ngày 01/01/2018 gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Du lịch, Luật Quản lý ngoại thương, 3 luật có hiệu lực ngày 01/7/2018 là: Luật Đường sắt, Luật Chuyển giao công nghệ (Luật CGCN), Luật Thủy lợi.

Chiều cùng nhày, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố các Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố thêm 06 luật; trong đó có 03 luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 gồm: Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và có 03 luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 là: Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đáng chú ý nhất là những Luật sau:

Đồng chí Giang Sơn Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới  Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật số 12/2017/QH14) gồm có 03 điều, sửa đổi, bổ sung những nội dung chính như:

– Quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội;

– Liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội;

– Mức định lượng tại các khoản của một số điều luật của BLHS năm 2015 liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác. Đặc biệt, Luật số 12/2017/QH14 đã điều chỉnh mức định lượng về khối lượng, thể tích các chất ma túy tại các khoản của các điều luật để tránh trùng lặp và phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy…

Dưới đây là danh sách các điều luật được sửa đổi, bổ sung:

– Sửa đổi, bổ sung 59 điều, gồm các điều: 9, 14, 19, 61, 71, 76, 112, 134, 151, 175, 186, 199, 235, 260, 261, 262, 263, 264, 265, 266, 267, 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 283, 284, 295, 296, 297, 298, 306, 307, 308, 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 317, 324, 325, 341, 360, 391, Điều 233, 242;

– Bổ sung thêm điểm d vào khoản 2 Điều 299, khoản 4 vào Điều 94 và Điều 300, bổ sung Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

– Sửa đổi, bổ sung tên điều của các điều: 195, 206, 227, 232, 234, 244, 259, 337, 344, 377;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 1 các điều: 86, 93, 94, 100, 158, 206, 259, 321, 366, 377, 388, 389, 390;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 2 các điều: 12, 91, 107;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2 các điều: 66, 162, 217, 227, 303, 322, 363, 376, 410;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3 các điều: 113, 141, 150, 157, 190, 191, 192, 232, 233, 234, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 316, 326, 337, 344, 371;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 các điều: 143, 144, 142;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3, 4 các điều: 153, 169, 248, 251, 282, 302, 304, 305;

– Sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2, 3, 4 các điều: 173, 178, 249, 250, 301, 252, 253;

– Sửa đổi, bổ sung: Điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 3; điểm s, t, x khoản 1 Điều 51; khoản 3 Điều 54; điểm d khoản 1 Điều 84; khoản 1, khoản 3 Điều 95; khoản 1, 6 Điều 188; khoản 1, 3, 5 Điều 189; các điểm a, b, c khoản 5 Điều 190; các điểm a, b, c khoản 5 Điều 191; điểm a, b khoản 5 Điều 192; khoản 2, 3, 4, 6 Điều 193; khoản 2, 3, 4 và 6 Điều 194; các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 195; khoản 1, 5 Điều 200; khoản 1, 5 Điều 312; điểm c khoản 4 Điều 217; khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 225; khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 226; điểm a khoản 4 Điều 227; các điểm a, b, c khoản 5 Điều 232; Điều 233; điểm b khoản 5 Điều 234; điểm c khoản 5 Điều 237; điểm c khoản 5 Điều 238; điểm b, c khoản 5 Điều 239; điểm b khoản 5 Điều 243; điểm b khoản 5 Điều 244; khoản 2, 3 Điều 370; khoản 1, 3 Điều 375; khoản 5 Điều 253.

7. Bộ Quốc phòng kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể các doanh nghiệp kinh tế, thương mại thuần túy

Ngày 12-7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi kiểm tra, làm việc với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG). Dự buổi làm việc có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Bộ GTVT; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cùng đại diện nhiều đơn vị trong quân đội.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu dự buổi làm việc

Những năm qua, Quân đội đã tham gia xây dựng hàng chục nông trường; tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… tạo điều kiện cho hàng triệu người dân định cư lâu dài; hình thành thế chiến lược kinh tế – quốc phòng trải dài suốt từ Bắc vào Nam. Quân đội cũng tham gia ở những vùng kinh tế hết sức khó khăn, thậm chí có những vùng chỉ có Quân đội mới làm được, từ đó hình thành thế phên dậu cho đất nước.

Nhiều doanh nghiệp Quân đội đã trở thành thương hiệu uy tín như Viettel, Tân Cảng, Công ty trực thăng, Ngân hàng Quân đội… Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng yêu cầu TCSG và các đơn vị Quân đội làm kinh tế phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, quy định của Quân đội trong sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai và thực hiện nghiêm túc đề án sắp xếp lại và đổi mới phát triển các DN Quân đội. Quan điểm nhất quán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí là giải thể các DN kinh tế, thương mại thuần túy không hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời sắp xếp lại các DN quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu kinh tế để xây dựng Quân đội và phù hợp với thế bố trí chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thông tin, nếu như trước đây Quân đội có 300 DN, thì vừa qua Bộ Quốc phòng đã bố trí, sắp xếp rút xuống còn 88 DN và theo đề án trình Chính phủ mới đây, Bộ Quốc phòng rút xuống chỉ còn 17 DN có 100% vốn Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng tiếp tục yêu cầu các đơn vị quân đội rà soát, bàn giao cho các địa phương phần đất quốc phòng chưa sử dụng ngay để phục vụ phát triển KT-XH. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn hécta đất cho các địa phương, trừ những vị trí trọng yếu liên quan đến thế trận phòng thủ.

8. Cựu tổng thống Brazil bị kết án gần 10 năm tù vì tham nhũng

Ông Lula da Silva, ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống năm tới, bị kết án 9 năm rưỡi tù vì tội danh tham nhũng.

Cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: Reuters

Thẩm phán hôm 12/7 xác định ông Luiz Inacio Lula da Silva, 71 tuổi, có tội khi nhận 1,2 triệu USD tiền hối lộ từ công ty xây dựng OAS SA. Các công tố viên cho rằng công ty dùng khoản tiền này để tân trang lại căn nhà bên bãi biển cho ông Lula, đổi lấy việc ông giúp công ty thắng hợp đồng với công ty dầu khí nhà nước Petroleo Brasileiro, theo Reuters.

Ông bị kết án 9 năm rưỡi tù. Đây là cáo trạng đầu tiên trong 5 cáo trạng chống lại Lula. Ông vẫn được tự do, chờ kháng cáo và sẽ dự thêm 4 phiên xét xử tham nhũng nữa.

Đội bào chữa cho ông Lula cho rằng ông vô tội và họ sẽ kháng cáo. “Trong ba năm, ông Lula trở thành đối tượng của cuộc điều tra có động cơ chính trị”, đội cho biết. “Không có bằng chứng đáng tin cậy chứng minh ông có tội được đưa ra và nhiều bằng chứng về sự vô tội của ông bị phớt lờ một cách trắng trợn”.

Phán quyết đánh dấu sự thất thế bất ngờ của ông Lula, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất Brazil, và là đòn giáng mạnh vào cơ hội trở lại chính trường của ông.

9. Chưa bỏ ngay chứng nhận kết hôn khi làm giấy khai sinh

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm chiều 10/7, Bộ trưởng Tư pháp cho biết nhiều người đang có sự hiểu nhầm về Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ (đơn giản hóa thủ tục hành chính 15 lĩnh vực Tư pháp).

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo Nghị quyết 58/NĐ-CP, sẽ đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; lĩnh vực nuôi con nuôi; lĩnh vực thi hành án dân sự; lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; lĩnh vực bồi thường nhà nước; lĩnh vực chứng thực; lĩnh vực quốc tịch; lĩnh vực hộ tịch; lĩnh vực trợ giúp pháp lý; lĩnh vực công chứng; lĩnh vực luật sư; lĩnh vực trọng tài thương mại; lĩnh vực tư vấn pháp luật; lĩnh vực đấu giá tài sản; lĩnh vực quản tài viên.

Qua đó, nhiều người hiểu sẽ bỏ ngay một số loại giấy tờ công dân như: Chứng nhận kết hôn của bố mẹ khi làm giấy khai sinh cho con, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục hộ tịch… Tuy nhiên, Nghị quyết 58 chỉ là định hướng để giao việc, định hướng trong tương lai, chỉ mới đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân chứ chưa phải bắt buộc áp dụng ngay. Việc bỏ một số giấy tờ công dân chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được thống nhất.

Từ 01/01/2020, theo luật Hộ tịch và luật Căn cước công dân, hai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hộ tịch phải hoàn thiện và kết nối với nhau. Khi đó mới chính thức áp dụng để cắt giảm giấy tờ, thủ tục hành chính.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang thực hiện. Còn cơ sở dữ liệu về hộ tịch, Bộ Tư pháp đã thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành, trong năm nay triển khai thêm 13 tỉnh nữa.

Anh Nga

(tổng hợp)

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (05/9 – 08/9)

(Kiemsat.vn) - VKSNDTC chung tay ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả mưa lũ; Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới; Luật PCTN sửa đổi vẫn không xem em chồng là “người thân”; Khởi tố nguyên Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình; Thủ tướng và toàn bộ thành viên nội các Mông Cổ bị cách chức... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (28/8 – 01/9)

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tiếp Đại sứ Cuba; Tập huấn công tác tuyên truyền và nghiệp vụ báo chí 2017; Những giải pháp hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị Quân ủy Trung ương; Hội đồng bảo an LHQ gọi Triều Tiên là mối đe dọa cho toàn thế giới... là những tin tức đáng chú ý tuần qua
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang