Văn bản chứng thực phân chia di sản và nhận di sản có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính?

21/08/2018 09:22

(kiemsat.vn)
Văn bản chứng thực 02 văn bản “Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Bà C có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với 02 văn bản chứng thực này không? Hiện nay đang có hai quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Nội dung vụ việc:

Ông Đỗ Văn A và bà Nguyễn Thị B là vợ chồng, ông Đỗ Văn A (chết ngày 28/4/1994), bà Nguyễn Thị B (chết ngày 08/4/1998), có 04 người con gồm: ông Đỗ Văn D (chết năm 2008); ông Đỗ Văn Đ (chết năm 1983); ông Đỗ Văn E (chết năm 1972); bà Đỗ Thị L (chết ngày 17/9/2009). Trong 04 người con thì chỉ có bà Đỗ Thị L là con chung của ông A và bà B, những người còn lại là con riêng của bà B. Còn ông Lưu Hoàng N; bà Lưu Thị Thùy M, sinh năm 1978; ông Lưu Hoàng G, sinh năm 1980 và ông Lưu Hoàng H, sinh năm 1983 là con của bà L, còn bà Phạm Thị C là con của ông Đỗ Văn E. Ông Đỗ Văn A chết để lại tài sản là quyền sử dụng đất thửa đất có diện tích sử dụng 3.917m2, tại xã L, huyện N, tỉnh D. Thửa đất đã được Ủy ban nhân dân huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 01/9/1989 đứng tên: ông Đỗ Văn A. Tài sản gắn liền với đất gồm: 01 căn nhà tạm, diện tích sử dụng khoảng 60m2 và cây ăn quả trên đất. Sau khi ông A và bà B chết thì toàn bộ tài sản trên chưa được mở thửa kế và chưa phân chia thừa kế theo pháp luật cho những người được hưởng quyền thừa kế.

Ngày 13/9/2011, Chủ tịch UBND xã L đã chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế đối với tài sản của ông Đỗ Văn A cho ông Lưu Hoàng N, cụ thể là: 02 văn bản chứng gồm: “Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế”.

Bà C biết được 02 văn bản chứng thực trên của Chủ tịch UBND xã L là vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2016 thì bà C mới phát hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ bà Đỗ Thị L có chỉnh lý về nội dung ở trang 4 là dựa trên 02 văn bản chứng thực trên của Chủ tịch UBND xã L. Nhận thấy 02 văn bản chứng thực trên đã trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà C khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện N, sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại, bà C khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân huyện N để yêu cầu hủy toàn bộ 02 nội văn bản chứng thực trên của Chủ tịch UBND xã L. Vì vậy, ngày 27/02/2017, bà Phạm Thị C đã khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân huyện N giải quyết.

Hủy toàn bộ nội dung văn 02 bản chứng thực gồm: “Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” của Chủ tịch UBND xã L. Tòa án nhân dân huyện N đã thụ lý giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ thì hành vi chứng thực 02 văn bản“Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” thể hiện qua lời chứng thực của Chủ tịch UBND xã L là hành vi hành chính và thuộc đối tượng khởi kiện hành chính.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tại điểm a tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất quy định: “Văn bản phân chia thừa kế quyền sử dụng đất, văn bản nhận thừa kế quyền sử dụng đất trong trường hợp người nhận thừa kế là người duy nhất… được gọi là hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất” và theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực thì “Hợp đồng, giao dịch, bản sao giấy tờ và chữa ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chứng thực theo quy định  tại Nghị định này gọi là văn bản chứng thực” và cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì “Văn bản bản chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp… bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Như vậy, 02 văn bản chứng thực“Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” chỉ bị Tòa án tuyên vô hiệu theo thủ tục tố tụng dân sự, nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện N thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính là không đúng.

Ảnh minh họa

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, còn quan điểm thứ hai cho rằng căn cứ vào điểm a tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất quy định: ……………Di chúc để thừa kế quyền sử dụng đất, văn bản phân chia thừa kế quyền sử dụng đất, văn bản nhận thừa kế quyền sử dụng đất trong trường hợp người nhận thừa kế là người duy nhất (sau đây gọi là hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất)”. Và căn cứ vào Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng chứng thực để lập luận cho rằng:“Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” chỉ bị Tòa án tuyên vô hiệu theo thủ tục tố tụng dân sự. Để xác định đây là vụ án dân sự là không có căn cứ. Bởi lẽ, Thông tư này chỉ quy định người để lại di sản thừa kế chỉ có người nhận thừa kế là “Duy nhất”. Nhưng di sản thừa kế quyền sử dụng đất ở đây là hai người gồm: Ông N và bà C hiện đang có tranh chấp và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP chỉ quy định về phạm vi công chứng, chứng thực, nguyên tắc hoạt động, thủ tục, trình tự thực hiện việc công chứng, chứng thực, tổ chức Phòng Công chứng và công tác chứng thực của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND xã, phường, thị trấn. Nếu cho rằng không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là không có căn cứ.

Bởi lẽ, khoản 3 khoản 4 Điều 3 và Điều 5 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định, cụ thể:

“3. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

4. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 5. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”.

Ngoài ra tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.

Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND xã) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND xã thực hiện việc chứng thực và đóng dấu của UBND xã.

Do vậy, hành vi chứng thực “Văn bản phân chia di sản thừa kế và văn bản nhận di sản thừa kế” của Chủ tịch UBND xã L là hành vi hành chính và thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. 

Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi, góp ý của các đọc giả về vấn đề này.

Ths. Lê Văn Quang

Phó Viện trưởng VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Xem thêm>>>

Quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC không phải là đối tượng của vụ án hành chính

Kinh nghiệm thực hiện quyền yêu cầu trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính

Bàn về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang