Trao đổi nghiệp vụ: Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

19/12/2016 11:21

Tại phiên họp xét giải quyết khiếu nại, đương sự rút yêu cầu khiếu nại thì Toà án phải thực hiện như thế nào, ra thông báo hay quyết định gì để giải quyết vụ việc?

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 với rất nhiều những điểm mới trong đó có quy định về quyền khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án, nhưng bị Tòa án từ chối giải quyết và ra thông báo trả lại đơn. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm và quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân phải tham gia phiên họp xét việc khiếu nại này nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động tố tụng dân sự diễn ra đúng trình tự, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Khoản 4, Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, khi mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, Tòa án phải thực hiện như sau:

“Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện Kiểm sát cùng cấp;
b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.”
Căn cứ vào quy định trên, khi Tòa án tiến hành mở phiên họp giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện thì căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả đơn khởi kiện và ý kiến của Viện Kiểm sát sẽ xảy ra hai trường hợp sau:
– Một là: Việc khiếu nại của đương sự là không đúng pháp luật, việc Tòa án trả đơn là có căn cứ. Tòa án sẽ ra thông báo cho đương sự và Viện Kiểm sát cùng cấp biết việc giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện.
– Hai là: Việc khiếu nại của đương sự là có căn cứ để chấp nhận, việc trả lại đơn của Tòa án là chưa phù hợp. Tòa án sẽ nhận lại đơn khởi kiện, chứng cứ kèm theo và ra thông báo thụ lý theo đúng quy trình tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Điều 194 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 để giải quyết khiếu nại cho đương sự trên địa bàn huyện Phú Tân gặp phải trường hợp vướng mắc như sau:

“Ngày 29/6/2016, Tòa án nhân dân huyện Phú Tân ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 42/2016/TB-TA, không thụ lý đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn L với lý do: Thời hạn bổ sung thêm chứng cứ theo Thông báo số 23/2016/TB-TA ngày 16/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện đã hết nhưng ông L vẫn không bổ sung chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của ông. Không đồng ý với nội dung thông báo, ngày 11/7/2016, ông Nguyễn Văn L có đơn khiếu nại gửi đến Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, khiếu nại thông báo trả lại đơn khởi kiện trên. Ngày 14/7/2016, Tòa án ra thông báo số 16/2016/TB-TA, thụ lý đơn khiếu nại và Thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại trả lại đơn khởi kiện số 01/2016/TB-TA ngày 14/7/2016 đúng theo quy định của Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đồng thời thông báo cho Viện Kiểm sát huyện Phú Tân tham gia phiên họp. Tuy nhiên, đến ngày 26/7/2016, tại phiên họp xét giải quyết khiếu nại, ông Nguyễn Văn L đã rút đơn khiếu nại do vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.”

Như vậy, vấn đề được đặt ra là: Tại phiên họp xét giải quyết khiếu nại, đương sự rút yêu cầu khiếu nại thì Toà án phải thực hiện như thế nào, ra thông báo hay quyết định gì để giải quyết vụ việc thì luật cũng như văn bản dưới luật chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.

Do đó, để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo đúng quy định, cần phải có văn bản hướng dẫn trường hợp nêu trên. Tôi nêu lên vấn đề để các đồng nghiệp cùng có ý kiến trao đổi.

Tác giả bài viết: Khánh Vi
Nguồn tin: VKSND Huyện Phú Tân

Nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự

(Kiemsat.vn) - Trường hợp VKS tham gia phiên tòa thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án (khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015).

Khi ly hôn mà vợ chồng không cùng nơi cư trú, xác định Tòa án nào giải quyết?

(Kiemsat.vn) - Đối với vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà nguyên đơn và bị đơn đều cư trú ở hai nơi khác nhau, tài sản là bất động sản lại ở nơi khác thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang